Thủ tục rườm rà, chậm giải quyết làm phát sinh chi phí cho người dân, doanh nghiệp

(BKTO) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chậm ban hành kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) theo yêu cầu; chưa thực thi đầy đủ phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh là thực hiện không đúng quyết định của Thủ tướng Chính phủ; ban hành Thông tư chưa thống nhất, đồng bộ giữa các điều, khoản, dẫn đến gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp và làm phát sinh thêm chi phí không cần thiết.

dsc_7219-1600x1200-.jpg
Nhiều đơn vị còn gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính. Ảnh: N.Lộc

Ban hành thủ tục còn gây phiền hà cho người dân

Đây là nội dung được Thanh tra Chính phủ chỉ ra trong kết luận thanh tra về trách nhiệm thực hiện công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công (DVC) cho người dân và doanh nghiệp tại Bộ GTVT.

Kết luận nêu, giai đoạn từ năm 2021-2023, Bộ GTVT cơ bản đã đáp ứng yêu cầu giải quyết TTHC cung cấp DVC cho người dân và doanh nghiệp, góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Bộ GTVT còn có một số tồn tại, hạn chế.

Cụ thể, về công tác quản lý nhà nước, Bộ GTVT không thực hiện đầy đủ việc đánh giá tác động đối với TTHC tại 3/46 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; không tổng hợp đánh giá kết quả rà soát TTHC định kỳ hàng năm; không ban hành kế hoạch rà soát, đánh giá TTHC, dẫn đến chưa có đầy đủ số liệu để đánh giá TTHC.

Theo Thanh tra Chính phủ, trong thời kỳ thanh tra, Bộ GTVT tiếp nhận 225.551 hồ sơ TTHC của các tổ chức, cá nhân và đang cung cấp DVC trực tuyến cho 318 TTHC

Bộ này cũng chậm ban hành kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa TTHC theo yêu cầu; chưa thực thi đầy đủ phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh đối với 3/237 TTHC là thực hiện không đúng quyết định của Thủ tướng Chính phủ; ban hành Thông tư chưa thống nhất, đồng bộ giữa các điều, khoản, dẫn đến gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Cụ thể, trong thời kỳ thanh tra, Bộ GTVT ban hành 24 thông tư có quy định TTHC và trình Chính phủ ban hành 08 nghị định có quy định TTHC. Qua thanh tra cho thấy, quy định về TTHC tại một số thông tư ban hành chưa đảm bảo tính hợp lý, thống nhất; còn một số bất cập liên quan đến quy định về TTHC cần được nghiên cứu, sửa đổi... 

Trong đó, riêng Thông tư số 01/2021/TT-BGTVT do Bộ ban hành ngày 27/01/2021 làm phát sinh thêm yêu cầu đối với TTHC mà pháp luật không quy định, vi phạm về những hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật: "Quy định thủ tục hành chính trong thông tư, thông tư liên tịch, quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước, nghị quyết của Hội đồng nhân dân, quyết định của Ủy ban nhân dân, văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, trừ trường hợp được luật, nghị quyết của Quốc hội giao hoặc trường hợp cần thiết phải quy định thủ tục hành chính trong nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định tại khoản 4 Điều 27 của Luật này" (khoản 4 Điều 14). 

Bộ GTVT và Bộ Y tế ban hành Thông tư trong đó quy định mẫu giấy khám sức khỏe của người lái xe có chỉ định "xét nghiệm nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở" là không cần thiết dẫn đến gây bức xúc và tăng chi phí cho người dân khi thực hiện TTHC cấp mới/cấp đổi giấy phép lái xe.

Bên cạnh đó, Bộ thực hiện việc số hóa chưa đạt chỉ tiêu các năm 2021, năm 2022. Theo đánh giá của Thanh tra Chính phủ, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến TTHC chưa thể đồng bộ trên môi trường điện tử, chưa tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Một số đơn vị trực thuộc Bộ như Cục Đường thủy nội địa Việt Nam không ban hành quy trình nội bộ giải quyết TTHC trong Hệ thống quản lý chất lượng đối với TTHC gia hạn hoạt động cảng, bến thủy nội địa; trong khi Cục Đường bộ Việt Nam ban hành quy trình nội bộ giải quyết cấp phép liên vận song phương giữa Việt Nam và các nước láng giềng có thành phần hồ sơ ngoài quy định, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Gây khó khăn, vướng mắc trong giải quyết TTHC

Về việc giải quyết thủ tục hành chính, Thanh tra Chính phủ kết luận Bộ GTVT tổ chức giải quyết TTHC liên thông, trong đó tiếp nhận hồ sơ tại Bộ phận một cửa của các đơn vị trực thuộc nhưng trả kết quả tại Bộ phận một cửa của Bộ… Việc này dẫn đến các đơn vị trực thuộc chưa thực hiện được đầy đủ trách nhiệm, gây khó khăn, vướng mắc trong tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả cho người dân, doanh nghiệp. 

Một số đơn vị thuộc Bộ GTVT (như Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam) tiến hành quy trình xem xét hồ sơ trước khi làm thủ tục tiếp nhận, không cập nhật đăng tải thông tin tiếp nhận lên hệ thống thông tin một cửa điện tử, là không đúng quy trình giải quyết TTHC; nhiều hồ sơ giải quyết quá hạn nhiều ngày là nguyên nhân dẫn tới không kiểm soát được tiến độ giải quyết, làm quá hạn giải quyết TTHC, mất thời gian cho người dân và doanh nghiệp.

Đáng chú ý, một số đơn vị thuộc Cục Hàng hải Việt Nam còn từ chối giải quyết TTHC đặt tên tàu biển của tổ chức, cá nhân với lý do không rõ ràng hoặc không nêu lý do; thực hiện không đúng hướng dẫn, thông báo cho cá nhân, tổ chức mà từ chối ngay đơn đề nghị đặt tên tàu biển của người dân, doanh nghiệp.

Về tiếp nhận và trả lời phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân, theo Thanh tra Chính phủ, Bộ GTVT không cập nhật định kỳ tình hình xử lý phản ánh, kiến nghị, chậm cập nhật kết quả trả lời để thông tin cho tổ chức, cá nhân; một số trường hợp trả lời phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp quá hạn là thực hiện không đúng quy định tại Điều 14 Nghị định số 20/2008/NĐ-CP ngày 14/02/2018 về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính.

Trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, Bộ GTVT chưa liên thông, chia sẻ, khai thác dữ liệu, chưa đơn giản hóa TTHC theo yêu cầu của Chính phủ.

Theo đánh giá của Thanh tra Chính phủ, công tác thanh tra, kiểm tra trong giai đoạn từ 15/6/2021-30/11/2023, Bộ GTVT chưa tổ chức đoàn thanh tra riêng về trách nhiệm thực hiện công vụ trong công tác giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công.

Cùng chuyên mục
  • Phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
    17 giờ trước Xã hội
    (BKTO) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa công bố Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
  • Sớm hoàn thiện hành lang pháp lý để quản lý thuốc lá thế hệ mới
    hôm qua Xã hội
    (BKTO) - Lo ngại trước tình trạng các loại thuốc lá thế hệ mới đang xâm nhập, có xu hướng được sử dụng ngày càng nhiều ở nước ta, đặc biệt là ở đối tượng thanh thiếu niên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội – ông Tạ Văn Hạ cho rằng, cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý để quản lý chặt chẽ dòng sản phẩm này.
  • Công bố Đề thi tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025
    hôm qua Xã hội
    Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa công bố 18 đề thi tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) từ năm 2025.
  • Nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá Thái Bình
    hôm qua Xã hội
    Cách đây 10 năm, năm 2014, tỉnh Thái Bình đã ban hành Quyết định thành lập Ban chỉ đạo PCTH thuốc lá của tỉnh và Chỉ thị số 28/CT-UBND về việc tăng cường thực thi Luật PCTHTL . Hàng năm, Ban Chỉ đạo (BCĐ) PCTH thuốc lá từ tỉnh đến huyện, xã, phường thị trấn được kiện toàn và bổ sung (1 BCĐ cấp tỉnh, 8 BCĐ cấp huyện, Thành phố, 260 BCĐ cấp xã, phường thị trấn) chỉ đạo triển khai các hoạt động tuyên truyền về phòng, chống tác hại của thuốc lá.
  • Kiều bào là bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam
    2 ngày trước Xã hội
    (BKTO) - Đó là khẳng định của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương (UBTƯ) Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Đỗ Văn Chiến Việt Nam tại buổi gặp mặt kiều bào tiêu biểu chúc mừng thành công của Đại hội X Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và trao hỗ trợ ủng hộ đồng bào bị thiệt hại bởi cơn bão số 3.
Thủ tục rườm rà, chậm giải quyết làm phát sinh chi phí cho người dân, doanh nghiệp