Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Phát triển kinh tế-xã hội là nhiệm vụ quan trọng nhưng trước hết phải tập trung nâng cao đời sống nhân dân

(BKTO) - Phát triển kinh tế-xã hội là nhiệm vụ quan trọng, nhưng trước hết cần phải tập trung nâng cao đời sống nhân dân. “Vì chúng ta nói tỉ lệ nghèo chúng ta còn cao, cao nhất nước, trên 17% mà cả nước hiện nay là trên 7%”- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này tại cuộc làm việc của Tiểu ban Kinh tế-Xã hội với 9 tỉnh miền núi phía Bắc, các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa và TP. Hà Nội vào hôm nay (24/7).



Dự cuộc làm việc hôm nay có các Phó Thủ tướng, lãnh đạo các Bộ, ngành, 9 tỉnh miền núi phía bắc, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và TP. Hà Nội.
                
   

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc-Ảnh: VGP/Quang Hiếu

   
Đây là vùng thứ 5 mà Tiểu ban tới làm việc nhằm khảo sát thực tế tại các Bộ, ngành, địa phương phục vụ việc xây dựng văn kiện kinh tế-xã hội mà Tiểu ban chủ trì là Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 và Báo cáo Kế hoạch kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 (còn gọi là Phương hướng, nhiệm vụ phát triển 5 năm).

Phát biểu mở đầu cuộc làm việc,Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ của Tiểu ban trong việc xây dựng 2 văn kiện quan trọng mà đến nay, “đã làm được một số việc, đã có đề cương chi tiết, báo cáo Hội nghị Trung ương vừa rồi”. Tinh thần của Tiểu ban là văn kiện phải sát thực tiễn, cho nên, “phải lắng nghe các địa phương đóng góp về tình hình phát triển cũng như mô hình, những nét mới trong 5, 10 năm qua”. Vì thế, Tiểu ban đã có 5 cuộc làm việc với các vùng có các đặc thù riêng.

“Đây là hội nghị quan trọng, trước hết đưa ra phương hướng phát triển đất nước 5 năm, 10 năm tới, tầm nhìn đến 2045, trong đó đánh giá tình hình phát triển thời gian qua”, Thủ tướng đề nghị các đại biểu nhận định đúng tình hình, đưa ra quan điểm, mục tiêu, nhất là giải pháp phát triển phù hợp với tình hình mới, cuộc cách mạng khoa học công nghệ trên toàn cầu. Thủ tướng cũng đề nghị làm rõ mối liên kết giữa Hà Nội với các địa phương vùng núi phía bắc cũng như với các tỉnh lớn là Nghệ An, Thanh Hóa.
                
   

Quang cảnh buổi làm việc-Ảnh: VGP/Quang Hiếu

   
Phát biểu tại cuộc làm việc, ý kiến một số địa phương phản ánh tình hình hệ thống hạ tầng còn yếu kém, thiếu đồng bộ, tính kết nối chưa cao.

Vừa vươn lên đứng thứ 2 cả nước về diện tích cây ăn quả với 70.000 ha, tỉnh Sơn La mong muốn Trung ương giúp tỉnh quy hoạch diện tích loại cây ăn quả đến mức nào trên cơ sở dự báo nhu cầu thị trường cũng như hỗ trợ việc xây dựng tuyến cao tốc Hòa Bình-Mộc Châu, dự án được xem là tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Bắc.

Nhìn nhận việc phân cấp, phân quyền cho địa phương là không đơn giản, tỉnh Hòa Bình cho đây là một điểm nghẽn trong huy động nguồn lực. Tỉnh kiến nghị tăng cường phân cấp, phân quyền quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án không sử dụng ngân sách.

Theo lãnh đạo tỉnh Lai Châu, cần có “nhạc trưởng” dẫn dắt kết nối vùng, trong đó có kết nối du lịch, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi và cần quan tâm đầu tư hạ tầng khi mà “quốc lộ 4D nối Lai Châu với Lào Cai có năm sạt lở tới 60 lần”.

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa góp ý, ổn định dân cư, nhất là định cư, sắp xếp lại dân cư là then chốt đối với các tỉnh miền núi vì dân cư phân tán thì đầu tư đường, trường, nước sạch, các dịch vụ rất khó khăn, tốn kém. Có tuyến đường đến vài chục hộ dân phải đầu tư hàng chục tỷ đồng.

Tỉnh Nghệ An nhất trí cho rằng, cần quan tâm đầu tư hạ tầng để hình thành cực tăng trưởng; có chính sách tổng thể về thu hút đầu tư để tránh sự cạnh tranh không cần thiết giữa các địa phương khi mà tỉnh nào cũng đẩy mạnh xúc tiến đầu tư.

Là “đối tác” quan trọng của vùng Tây Bắc, lãnh đạo TP. Hà Nội cho biết, các doanh nghiệp Hà Nội đã đầu tư vào 12 tỉnh dự Hội nghị hôm nay tới 130.000 tỷ đồng trong thời gian qua. Thành phố kiến nghị Chính phủ sớm nghiên cứu tổ chức phân vùng phát triển để trước hết tổ chức lập quy hoạch vùng làm cơ sở cho các tỉnh, thành phố triển khai lập quy hoạch cấp tỉnh, thành phố giai đoạn 2021-2030. Trước mắt, cần tập trung liên kết giữa các địa phương trên 2 lĩnh vực chủ yếu: Liên kết trong công tác lập quy hoạch phát triển và liên kết trong thu hút đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Chia sẻ với khó khăn của các tỉnh Tây Bắc, các bộ, ngành cho rằng, thách thức lớn với vùng là địa hình núi cao, chia cắt nên suất đầu tư hạ tầng lớn. Kết nối giao thông các tỉnh thực sự khó khăn, kém hơn các vùng khác. Giao thông cần đi trước một bước, giao thông phát triển tạo tiền đề phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, việc dân cư sống phân tán như hiện lại thì không có nguồn lực nào đủ để đầu tư cho hạ tầng điện, đường, nên sắp xếp lại dân cư là rất cần thiết. Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm phát triển giáo dục, đào tạo, làm gì cũng phải từ giáo dục.
                
   

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu-Ảnh: VGP/Quang Hiếu

   
“Tiểu ban lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các đồng chí, nghiên cứu các mô hình phát triển của các địa phương để hình thành thể chế, định hướng phát triển”, Thủ tướng nói. “Ở đâu cũng có lợi thế, cần nghiên cứu, khai thác, phát huy. Vừa rồi có tỉnh rất khó khăn nhưng đã biết phát huy lợi thế”. Thời gian qua, các tỉnh đều tăng trưởng cao hơn mục tiêu đề ra, ổn định chính trị-xã hội và “không có vùng nào giữ gìn văn hóa tốt như vùng chúng ta”. Tuy nhiên, theo Thủ tướng, có một số điểm nghẽn lớn như biến đổi khí hậu, nhân lực, hạ tầng, dân cư thưa thớt, thể chế phân cấp giao quyền… đối với vùng có vai trò như lá phổi của cả nước, cho khu vực Hà Nội, điều tiết nước sản xuất, sinh hoạt cho cả vùng đồng bằng sông Hồng, là thị trường tiêu thụ hàng hóa cho Hà Nội và các tỉnh dưới xuôi.

Nêu quan điểm phát triển đối với vùng, Thủ tướng nhấn mạnh việc phát triển toàn diện và bền vững cùng với phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng. Phát triển kinh tế-xã hội là nhiệm vụ quan trọng, nhưng trước hết cần phải tập trung nâng cao đời sống nhân dân. “Vì chúng ta nói tỉ lệ nghèo chúng ta còn cao, cao nhất nước, trên 17% mà cả nước hiện nay là trên 7%”.

Tiếp tục giữ rừng, khôi phục trồng rừng, phát triển lâm nghiệp bền vững. Ổn định an ninh biên giới, bảo vệ chủ quyền, bảo vệ nguồn nước. Tìm cách khai thác tối đa các lợi thế so sánh của mỗi địa phương một cách năng động, sáng tạo, biến khó khăn thách thức thành cơ hội, biến những điểm yếu thành lợi thế phát triển như bản sắc văn hóa đặc sắc đa dạng để phát triển du lịch.

Về phương hướng phát triển, Thủ tướng gợi ý, phát triển bền vững, phát triển xanh, một phương hướng rất quan trọng là khắc phục tồn tại trong chỉ đạo điều hành từ Trung ương đến địa phương, nhất là chính sách, phát triển để ổn định, phát triển với không gian rộng lớn hơn. Tập trung tháo gỡ một số hạ tầng quan trọng, “điểm nghẽn” mà các tỉnh phản ánh nhiều nhất và đây cũng là điểm mà nhiều địa phương nêu ra tại các cuộc làm việc của Tiểu ban Kinh tế-Xã hội. “Anh Nguyễn Văn Thể (Bộ trưởng GTVT) là người được chú ý nhiều nhất trong tất cả các hội nghị hiện nay, cho nên phải có một chương trình quốc gia và vùng chúng ta cũng có một chương trình, thậm chí như các đồng chí nói hôm nay là danh mục các công trình đường bộ, đường sắt, đường hàng không ở khu vực này”.

Phát triển rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, điều tiết nước và sinh hoạt cho vùng đồng bằng sông Hồng… là những phương hướng cần tiếp tục, chú trọng phát huy lợi thế phát triển kinh tế cửa khẩu. Tập trung bố trí nguồn lực cho đầu tư các kè sông, kè suối biên giới. Khuyến khích, kêu gọi một số dự án đầu tư trong và ngoài nước có quy mô lớn, tạo những cú huých, tác động lan tỏa. Áp dụng nhanh những tiến bộ khoa học-công nghệ, nhất là cách mạng công nghiệp 4.0 trên tinh thần hợp tác quốc tế sâu rộng.

Đối với các kiến nghị về hạ tầng, Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải, Văn phòng Chính phủ tập hợp, tổ chức họp Thường trực Chính phủ để xử lý sớm như các kiến nghị liên quan đến đầu tư sân bay Điện Biên, tuyến cao tốc Lạng Sơn-Cao Bằng, tuyến đường Hòa Bình-Mộc Châu… “Vùng chúng ta, kể cả Nghệ An, Thanh Hóa, tiếp tục có ý chí, khát vọng, quyết tâm, đoàn kết, hành động của từng Đảng bộ là quan trọng nhất. Nhiều việc tưởng chừng như không làm được nhưng quyết tâm cao, ý chí cao, liên tục thúc đẩy thì công việc thành công. Còn việc nhỏ mà không làm thì khó thành công”, Thủ tướng nói.

PHÙNG NGUYÊN
Cùng chuyên mục
  • 'Các tỉnh miền núi phía Bắc cần coi trọng an ninh và an sinh xã hội'
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Chủ trì họp Tiểu ban Kinh tế-Xã hội Đại hội XIII của Đảng với lãnh đạo các tỉnh miền núi phía Bắc, Thủ tướng lưu ý "coi trọng an ninh và an sinh là vất đề đặt ra cho vùng."
  • Kiểm toán nợ công giúp cảnh báo, khuyến nghị về rủi ro tài chính quốc gia
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về kiểm toán nợ công là chủ đề của Hội thảo do KTNN phối hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam tổ chức cuối tháng 6 vừa qua. Tại đây, các đại biểu trong nước đã tập trung tham luận, thảo luận về các vấn đề: thực trạng, vai trò của công tác quản lý nợ công; trọng tâm, mục tiêu, nội dung và phạm vi kiểm toán nợ công, đồng thời chia sẻ các kinh nghiệm quốc tế về kiểm toán nợ công.
  • Chậm giải ngân nguồn vốn ODA:  Tình trạng đáng báo động!
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, nguồn vốn ODA và vay ưu đãi là 360.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến năm 2019, con số giao cho dự toán NSNN giai đoạn 2016-2019 chỉ là 244.000 tỷ đồng. Riêng năm 2019, dự toán Quốc hội giao 60.000 tỷ đồng, nhưng giải ngân sau 5 tháng mới đạt trên 1.000 tỷ đồng, bằng 5,6% kế hoạch. Các chuyên gia kinh tế đều nhận định, sự chậm trễ này là tình trạng rất đáng báo động.
  • Chủ tịch Quốc hội tưởng niệm các anh hùng, liệt sỹ tại TP.HCM
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu đã đến đặt vòng hoa, dâng hương tại Đền Liệt sỹ Bến Dược và Đền tưởng niệm Khu truyền thống cách mạng Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định.
  • Chủ tịch Quốc hội: Tây Ninh cần thu hút các nhà đầu tư chiến lược
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Theo Chủ tịch Quốc hội, Tây Ninh cần xây dựng và phát triển kinh tế trên cơ sở phát huy những tiềm năng, thế mạnh sẵn có; cần thu hút nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực dịch vụ, sản xuất.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Phát triển kinh tế-xã hội là nhiệm vụ quan trọng nhưng trước hết phải tập trung nâng cao đời sống nhân dân