Thủ tướng Chính phủ: Phải thay đổi tư duy để thị trường chứng khoán sôi động hơn, bền vững hơn

(BKTO) - Sáng 12/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đánh cồng khai trương tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Thủ tướng mong muốn thị trường chứng khoán gần với người dân hơn, nhưng không phải bằng tư duy về trò chơi như cách gọi “chơi chứng khoán”, mà phải là phương thức đầu tư an toàn, hiệu quả.



Gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến cán bộ, viên chức, người lao động ngành chứng khoán, các nhà đầu tư, thành viên thị trường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, niềm tin của nhân dân, niềm tin của thị trường, niềm tin xã hội và niềm tin của các nhà đầu tư đối với sự phát triển của đất nước, trong đó có sự phát triển vững chắc hơn của thị trường chứng khoán Việt Nam là nền tảng quý để nước ta tiếp tục bứt phá đi lên.
                
   

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ khai trương hoạt động giao dịch chứng khoán đầu Xuân 2019-Ảnh: VGP/Quang Hiếu

   
Thủ tướng cho biết, lãnh đạo Chính phủ đã nhận được bản tin mới nhất của chuyên gia các tổ chức trong nước và quốc tế về triển vọng, động lực phát triển Việt Nam trong năm 2019. Hầu hết các ý kiến này đều dự báo tích cực về sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Theo đó, WB dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ ở mức trên 6,6%. Ngân hàng Standard Chartered và ANZ, tổ chức tư vấn kinh tế New York nhận định kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng nhanh nhất trong ASEAN và là điểm sáng trên bức tranh kinh tế toàn cầu. Việt Nam có nhiều dư địa để thúc đẩy kinh tế 2019 đạt mức tăng trưởng 7%.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, có đạt được kết quả đó hay không là nhờ “chúng ta có tổ chức công việc tốt hay không”, trong đó có việc tổ chức tốt thị trường chứng khoán Việt Nam.

Thủ tướng khẳng định, phát triển thị trường chứng khoán nhằm tạo ra kênh huy động vốn trung và dài hạn cho phát triển kinh tế là một chủ trương lớn và nhất quán của Đảng, Nhà nước trong thời kỳ đổi mới. Thị trường chứng khoán Việt Nam đang thực sự trở thành một kênh huy động vốn quan trọng trong và ngoài nước cho nền kinh tế. Vốn hóa của thị trường cổ phiếu đã tăng gần 17 lần trong vòng 12 năm qua, từ mức 22,7% GDP năm 2006 lên mức 72% trong năm 2018. Huy động vốn của khối doanh nghiệp tư nhân thông qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp tăng 70% trong năm 2017 và trên 30% trong năm 2018, đạt 86.000 tỷ đồng và đưa Việt Nam trở thành quốc gia có mức huy động vốn qua kênh chứng khoán thành công nhất Đông Nam Á.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trở thành bệ phóng cho thành công của nhiều doanh nghiệp lớn, hỗ trợ tốt cho công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và quan trọng hơn là cùng với hệ thống tín dụng của ngân hàng tạo ra một cơ cấu thị trường vốn Việt Nam cân đối hơn, hiệu quả hơn, hỗ trợ cho sự phát triển của nền kinh tế nước nhà.
                
   

Thủ tướng đánh cồng khai trương hoạt động giao dịch chứng khoán đầu Xuân 2019-Ảnh: VGP/Quang Hiếu

   
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng đề cập đến một số hạn chế của thị trường chứng khoán Việt Nam như quy mô thị trường còn nhỏ, nhất là thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tính minh bạch có nhiều cải thiện nhưng còn ở mức chưa cao, nhiều doanh nghiệp đã cổ phần hóa, nhưng chậm niêm yết trên sàn chứng khoán…

Đề nghị nhìn thẳng vào các hạn chế yếu kém để thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm và phải làm tốt hơn để thị trường chứng khoán sôi động hơn, chất lượng hơn, bền vững hơn, Thủ tướng mong muốn ngành chứng khoán đi đầu trong thực hiện phương châm “12 chữ” của Chính phủ trong năm 2019, đó là: "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả".

Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành, thành viên thị trường hoàn thiện khuôn khổ pháp lý chứng khoán và thị trường chứng khoán, trong đó trọng tâm là sửa đổi Luật Chứng khoán để trình Quốc hội thông qua trong năm 2019. Cần tăng cường thể chế bảo vệ nhà đầu tư thiểu số trong bối cảnh thứ hạng bảo vệ nhà đầu tư thiểu số của Việt Nam trên xếp hạng môi trường kinh doanh của WB chỉ đứng thứ 89/190 quốc gia và vùng lãnh thổ, chưa tương xứng với thứ hạng 49 về GDP của nền kinh tế và thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực, đồng thời bảo đảm đúng cam kết hội nhập khi thực thi các hiệp định thương mại thế hệ mới.

Trên cơ sở Quyết định số 32/QĐ-TTg ngày 7/1/2019, Bộ Tài chính khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và thực hiện đúng lộ trình hình thành thị trường chứng khoán Việt Nam thống nhất, chuyên nghiệp.

Bộ Tài chính phối hợp với các ngành, cơ quan liên quan trình Chính phủ điều chỉnh các cơ chế, chính sách và giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước gắn với niêm yết giao dịch trên thị trường chứng khoán. Phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai các giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ hạng “thị trường cận biên” lên hạng “thị trường mới nổi” trên bảng xếp hạng của các tổ chức xếp hạng thị trường.

Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần ưu tiên khẩn trương xây dựng kế hoạch và giải pháp đẩy mạnh ứng dụng thành quả của cuộc cách mạng 4.0 trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán với các nền tảng công nghệ then chốt như chuỗi, khối dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo… coi đây là giải pháp đột phá của ngành tài chính, chứng khoán cùng với việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của toàn ngành.

Thủ tướng đề nghị tăng cường công tác thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm bảo đảm kỷ cương, kỷ luật trên thị trường chứng khoán, tạo dựng lòng tin cho công chúng, nhà đầu tư, giúp thị trường phát triển một cách ổn định và bền vững. Tăng chế tài xử phạt nghiêm minh đối với các hành vi thao túng giá, giao dịch nội gián, không cung cấp hoặc cung cấp thông tin giao dịch không đúng, làm cho thị trường chứng khoán gần với người dân hơn nhưng không phải bằng tư duy về một trò chơi như cách gọi “chơi chứng khoán” mà là phương thức đầu tư an toàn, hiệu quả. Thủ tướng mong muốn các cá nhân, các tổ chức tham gia thị trường chứng khoán phải tuân thủ, chấp hành pháp luật trên thị trường chứng khoán.

Nhân dịp này, cho biết việc Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un sẽ có cuộc gặp ở Hà Nội. Theo Thủ tướng, sự kiện quan trọng này chứng tỏ, môi trường đầu tư Việt Nam là tốt, mô hình phát triển Việt Nam là đúng hướng và đặc biệt an ninh an toàn ở Việt Nam là tuyệt vời, đồng thời khẳng định, Việt Nam sẽ thể hiện vai trò quốc tế, làm hết sức mình để hai tiếng Việt Nam vang lên.

Theo chinhphu.vn
Cùng chuyên mục
  • Doanh nghiệp mong đợi môi trường kinh doanh thực sự thông thoáng
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Trong năm qua, môi trường kinh doanh được Chính phủ thúc đẩy cải cách mạnh mẽ nhưng vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Số DN thành lập mới giảm mạnh, trong khi số DN giải thể, phá sản tăng quá cao. Thách thức đặt ra là phải khắc phục bằng được tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong cải cách môi trường kinh doanh. Động lực của cải cách đang được các DN “tiếp lửa” bằng niềm tin vào triển vọng kinh doanh khá sáng sủa năm 2019.
  • Thị trường lao động thích ứng  với nền kinh tế thị trường
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Chia sẻ trước thềm năm mới, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Doãn Mậu Diệp nhận định: Công tác dự báo thông tin thị trường lao động được chú trọng, hệ thống chính sách pháp luật về lao động, việc làm tiếp tục được hoàn thiện... là những dấu ấn nổi bật của thị trường lao động trong nước 10 năm qua.
  • Xuân sớm trên những công trình dầu khí biển
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Những ngày giáp Tết này, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến những cán bộ, kỹ sư, người lao động dầu khí trên những công trình biển thông qua những chuyến công tác để kiểm tra tình hình, làm việc, thăm và chúc Tết động viên người lao động xa nhà…
  • Dầu khí là ngành kinh tế quan trọng  của đất nước
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cùng một số lãnh đạo các ủy ban của Quốc hội đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Tại đây, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Dầu khí là ngành kinh tế rất quan trọng của đất nước.
  • PwC: Doanh nhân toàn cầu bi quan về triển vọng kinh tế 2019
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Theo kết quả “Khảo sát các nhà lãnh đạo DN toàn cầu thường niên lần thứ 22” của hãng kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC), gần 30% các CEO cho rằng mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ thấp hơn trong năm 2019. Con số này gấp khoảng 6 lần tỷ lệ của năm ngoái (5%) và là một cú nhảy vọt về mức độ bi quan. Cũng theo công bố của PwC, các CEO đều dự báo triển vọng doanh thu của chính họ sẽ sụt giảm trong thời gian ngắn (12 tháng) và trung bình (ba năm).
Thủ tướng Chính phủ: Phải thay đổi tư duy để thị trường chứng khoán sôi động hơn, bền vững hơn