♦ Sức ép của nền kinh tế thị trường đang đòi hỏi thị trường lao động cũng phải thay đổi để thích nghi. Việc chuẩn bị cho công tác này đã và đang được tiến hành ra sao, thưa ông?
Trong 10 năm qua, hệ thống chính sách, pháp luật về việc làm, thị trường lao động không ngừng được hoàn thiện, góp phần tạo hành lang pháp lý điều chỉnh các vấn đề về việc làm theo quy luật của nền kinh tế thị trường, thúc đẩy và bảo đảm việc làm theo hướng bền vững cho người lao động (NLĐ). Nổi bật nhất trong giai đoạn này là Luật Việc làm năm 2013 được Quốc hội thông qua. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm tạo dựng cơ hội việc làm theo hướng bền vững cho mọi lao động trong xã hội, hướng đến giải quyết các vấn đề xã hội ngay trong quá trình đổi mới, phát triển và hội nhập.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Doãn Mậu Diệp |
Đặc biệt, ngày 21/5/2018, Hội nghị T.Ư 7, khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương. Theo đó, từ năm 2021, các DN thực hiện chính sách tiền lương trên cơ sở thương lượng, thỏa thuận với NLĐ, Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của DN. Quy định này được dự báo sẽ tác động mạnh mẽ đến thị trường lao động, đến nhận thức, hành động của NLĐ, DN nhưng điều quan trọng hơn là nhằm hướng đến thích nghi với nền kinh tế thị trường.
♦ Được coi là cầu nối của thị trường việc làm với NLĐ, ông đánh giá như thế nào về kết quả hoạt động cũng như định hướng phát triển các trung tâm dịch vụ việc làm (TTDVVL), sàn giao dịch việc làm trong thời gian tới?
Từ năm 2008 đến nay, hệ thống TTDVVL được cơ cấu lại theo hướng tinh gọn, nâng cao chất lượng hoạt động góp phần tăng cường kết nối cung - cầu lao động. Đến nay, số TTDVVL công lập của cả nước là 98 trung tâm. Trong đó, 63 TTDVVL do địa phương thành lập, giao cho Sở LĐ-TB&XH quản lý; 35 trung tâm thuộc các Bộ, ngành, tổ chức trong xã hội. Các trung tâm này đã có đóng góp không nhỏ đến công tác giải quyết việc làm cho NLĐ, là địa chỉ tin cậy cung cấp các dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động; dạy nghề ngắn hạn gắn với giải quyết việc làm cho NLĐ, thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp...
Tư vấn việc làm cho người lao động - Ảnh: Thanh Mạnh
Trong giai đoạn 2008-2017, 63 TTDVVL trực thuộc ngành LĐ-TB&XH đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho hơn 18,7 triệu lượt người, trong đó, số lao động nhận được việc làm là hơn 5,1 triệu lượt người, chiếm 27,2% tổng số người được tư vấn, giới thiệu việc làm.
Để nâng cao hiệu quả công tác tư vấn, giới thiệu việc làm trong thời gian tới, các TTDVVL cần tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa các hoạt động tư vấn, giới thiệu, giúp NLĐ tìm được việc làm phù hợp, thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống; tập trung đầu tư và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dịch vụ việc làm, tạo điều kiện cho DN và NLĐ tiếp cận dịch vụ thuận tiện, nhanh chóng, tiết kiệm được chi phí, thời gian... Đặc biệt, các TTDVVL sẽ tiếp tục chú trọng công tác dự báo, đánh giá tác động kinh tế, xã hội đến thị trường lao động, từ đó xây dựng nhu cầu việc làm cho phù hợp.
♦ Thị trường lao động năm 2019 được dự báo là sẽ có nhiều khởi sắc. Ông có thể cho biết thêm về vấn đề này?
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, thị trường lao động Việt Nam tiếp tục được phát triển theo hướng hiện đại hóa và định hướng thị trường. Dự báo, số lao động có việc làm trong năm 2019 sẽ tiếp tục tăng lên (khoảng 56 triệu lao động), trong đó, tỷ trọng lao động trong ngành nông nghiệp chiếm 37,12%, ngành công nghiệp - xây dựng 28,28% và ngành dịch vụ chiếm 34,6%.
Về triển vọng thị trường lao động trong năm 2019 cũng như quý I/2019, chúng tôi tin rằng cùng với các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hỗ trợ, phát triển DN, chắc chắn, thị trường lao động sẽ có những chuyển biến tích cực. Các DN ngày càng chú trọng chính sách tiền lương, tiền thưởng và phúc lợi, tránh câu chuyện sau Tết NLĐ không quay trở lại làm việc. Năm nay, theo đánh giá, sau Tết, có đến 95% NLĐ quay trở lại DN, vì thế, cùng với việc tạo điều kiện cho DN phát triển, tôi cho rằng, thị trường lao động trong năm nay sẽ có nhiều khởi sắc.
Một cơ sở lạc quan nữa, đó là nhiều cơ chế, chính sách được Chính phủ ban hành và có hiệu lực sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của thị trường lao động. Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp; đào tạo, trang bị kỹ năng mới cho NLĐ để thích ứng những yêu cầu mới của vị trí việc làm trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi cấu trúc của thị trường lao động.
♦ Xin trân trọng cảm ơn ông!
NGUYỄN LỘC (thực hiện)
Theo Báo Kiểm toán số Xuân 2019