Thủ tướng gặp Tổng Thư ký Liên hợp quốc, làm việc với các tập đoàn đa quốc gia

(BKTO) - Ngày 21/9 (theo giờ New York), tại Trụ sở Liên hợp quốc (LHQ), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres; làm việc với lãnh đạo các tập đoàn đa quốc gia và các quỹ đầu tư tài chính lớn của Hoa Kỳ.

011.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres tại Trụ sở Liên hợp quốc. Ảnh: Chính phủ

Việt Nam cam kết hành động mạnh mẽ theo hướng chuyển đổi xanh

Tại cuộc gặp Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres chiều 21/9 (giờ địa phương), trong không khí thân tình, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao vai trò và đóng góp của Tổng Thư ký và LHQ cho hòa bình, ổn định, an ninh quốc tế, giải quyết các điểm nóng, đồng thời khẳng định Việt Nam ủng hộ và sẵn sàng đóng góp vào các nỗ lực đó.

Thủ tướng ủng hộ các ưu tiên hiện nay của Tổng Thư ký, trong đó có tiến trình chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh tương lai dự kiến tổ chức năm 2024, Sáng kiến về "Chương trình nghị sự mới về hòa bình", Kế hoạch thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang tích cực phối hợp với các tổ chức trong hệ thống LHQ triển khai nhiều hoạt động hợp tác, nhất là về bảo đảm an ninh quốc tế, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ tại nhiều điểm nóng, chuyển đổi để thực hiện SDGs, chuyển đổi năng lượng công bằng, thực hiện công bằng xã hội, không bỏ ai lại phía sau.

Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam là một trong những nước chịu tác động nhiều nhất từ biến đổi khí hậu, với thiên tai, hạn hán, lũ lụt, sụt lún, sạt lở, xâm nhập mặn ở cả ba miền đất nước, nhất là ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Từ đó, Thủ tướng khẳng định, Việt Nam cam kết hành động mạnh mẽ theo hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng thúc đẩy công bằng và công lý, đồng thời các nước đang phát triển cần được ưu tiên hỗ trợ về vốn, công nghệ, đào tạo, quản trị.

Chia sẻ về tình hình khu vực, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng Thư ký Guterres nhất trí về sự cần thiết phải bảo đảm tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển năm 1982 của LHQ ở Biển Đông.

Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính trân trọng mời Tổng Thư ký António Guterres thăm lại Việt Nam.

2(1).jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại tọa đàm với các giáo sư, chuyên gia kinh tế, nhà nghiên cứu hàng đầu đến từ các trường đại học Harvard, Columbia, Yale. Ảnh: Chính phủ

Đề nghị các tập đoàn, các quỹ đầu tư hỗ trợ Việt Nam xây dựng trung tâm tài chính

Tối cùng ngày (giờ địa phương), tại New York, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc tọa đàm, ăn tối làm việc với lãnh đạo các tập đoàn đa quốc gia và các quỹ đầu tư tài chính lớn của Hoa Kỳ.

Phát biểu tại tọa đàm, Thủ tướng nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden, với việc Việt Nam và Hoa Kỳ đã cùng nhau nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững, mở ra những cơ hội hợp tác mới trong hợp tác thương mại và đầu tư.

Thời gian tới, Việt Nam tập trung thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để tham gia sâu hơn vào cấu trúc đầu tư, trật tự thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu; tiếp tục mở cửa nền kinh tế, chuyển sang thu hút đầu tư nước ngoài có chất lượng và có trọng tâm, trọng điểm; hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh đầu tư khoa học công nghệ, năng lực sản xuất để đáp ứng và tham gia chuỗi cung ứng các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài; đẩy mạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược, các dự án quan trọng, cấp thiết, có tính lan tỏa lớn; chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Theo Thủ tướng, việc triển khai các lĩnh vực ưu tiên nói trên đều cần nguồn tài chính, cần sự đồng hành, chia sẻ nguồn lực của bạn bè quốc tế, các doanh nghiệp đa quốc gia, các quỹ đầu tư lớn trên thế giới nói chung và Hoa Kỳ nói riêng.

Đặc biệt, kinh nghiệm và nguồn lực của các tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài, các tập đoàn đa quốc gia, các quỹ đầu tư lớn trên thế giới là cần thiết và quan trọng nhằm thúc đẩy quá trình hình thành và phát triển trung tâm tài chính và hoạt động đầu tư vào các ngành, lĩnh vực đóng góp cho phát triển bền vững như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, tài chính xanh.

Thủ tướng đề nghị các tập đoàn, quỹ đầu tư toàn cầu chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn chính sách, các thứ tự ưu tiên trong huy động các nguồn tài chính, tham gia vào quá trình xây dựng, cùng đầu tư và phát triển trung tâm tài chính tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang tiếp tục thúc đẩy phát triển thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và trên cơ sở kinh nghiệm đã có, Việt Nam mong muốn các tập đoàn, quỹ đầu tư tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ để xây dựng, phát triển các loại thị trường khác, như thị trường quyền sử dụng đất, thị trường khoa học, lao động… theo hướng minh bạch, công khai, từ đó huy động các nguồn lực phát triển, thu hút đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp…

Thủ tướng cũng đề nghị các tập đoàn, quỹ đầu tư đóng góp ý kiến và gợi ý một số giải pháp hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị đối với cả khu vực công và khu vực tư nhân trong nước, hướng đến sự minh bạch, hiệu quả cao và phát triển bền vững.

Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm hợp tác cùng có lợi, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, làm từ đơn giản đến phức tạp, từ nhỏ đến lớn, từ thấp đến cao, làm đến đâu chắc chắn đến đó. Về phần mình, Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư hoạt động hiệu quả, bền vững.

Tại cuộc tọa đàm, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước phía Việt Nam và các đại biểu đã tập trung thảo luận về các giải pháp, định hướng nhằm đẩy mạnh thu hút các nguồn tài chính cho phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là trong xây dựng, hình thành và phát triển trung tâm tài chính.

Đối với Việt Nam, việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế là vấn đề mới, phức tạp, do đó, việc lựa chọn mô hình và cách thức xây dựng trung tâm tài chính cần được thực hiện trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc các bài học kinh nghiệm quốc tế. Nguyên tắc xuyên suốt phải là tạo ra "sân chơi" cho các nhà đầu tư tài chính quốc tế, có luật chơi chung, tương thích với thông lệ quốc tế (cơ chế vận hành, phát triển các hệ sinh thái, ưu đãi…), nhưng đồng thời phải phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

3.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính rung chuông khai mạc tại Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE). Ảnh: Chính phủ

Cũng trong chiều 21/9, tại thành phố New York, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về khí hậu John Kerry; tiếp một số doanh nghiệp hàng đầu của Hoa Kỳ và thế giới, gồm Apple, Boeing, Google và Siemens Healthineers.

Sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới tham quan Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE) và rung chuông khai mạc phiên giao dịch tại sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất thế giới này theo lời mời của lãnh đạo NYSE; dự Tọa đàm chính sách có chủ đề : "Thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững trong môi trường kinh tế toàn cầu biến động" với các giáo sư, chuyên gia kinh tế, nhà nghiên cứu hàng đầu đến từ các trường đại học Harvard, Columbia, Yale./.

Cùng chuyên mục
Thủ tướng gặp Tổng Thư ký Liên hợp quốc, làm việc với các tập đoàn đa quốc gia