Đó là thông tin Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu trước khi trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội vào chiều 05/11.
Phấn đấu tăng thu, kiên quyết giảm các khoản chi không cần thiết
Thủ tướng cho biết, khi xây dựng dự toán NSNN năm 2022 vào quý III/2021, bối cảnh rất khó khăn do đại dịch Covid-19, tăng trưởng âm, ảnh hưởng lớn đến thu NSNN.
Vì vậy, việc xây dựng dự toán chi, thu NSNN năm 2022 ở mức thận trọng, chắc chắn là phù hợp để tránh bội chi lớn, bảo đảm an toàn, an ninh tài chính quốc gia.
Tuy nhiên, nhờ chuyển đổi nhanh, kịp thời sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19 theo Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ, từ Quý IV/2021 đến nay, kinh tế phục hồi, tăng trưởng trở lại đã tạo cơ sở tăng thu NSNN.
Mặt khác, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã chỉ đạo quyết liệt tăng cường quản lý thu, chống thất thu; cùng với giá dầu thô, thu tiền sử dụng đất tăng khá, dẫn đến thu NSNN 10 tháng đã vượt 3,7% dự toán cả năm 2022.
Về dự toán NSNN năm 2023, Thủ tướng cho rằng, dự báo còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, sức ép lạm phát cao, tỷ giá, lãi suất tăng cao; giá nhiều yếu tố đầu vào, chi phí sản xuất kinh doanh biến động mạnh, tiếp tục ở mức cao; các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống có thể bị thu hẹp; nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài và mới phát sinh cần phải tập trung giải quyết... trong khi cần tiếp tục giãn, giảm thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ doanh nghiệp.
Vì vậy, việc xây dựng dự toán thu, chi NSNN năm 2023 cần thận trọng, chắc chắn, khả thi để bảo đảm kiểm soát bội chi NSNN, nợ công, nợ Chính phủ trong ngưỡng an toàn. Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương sẽ chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phấn đấu tăng thu NSNN, kiên quyết giảm các khoản chi không cần thiết để có thêm nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ quan trọng cấp bách, ưu tiên cho cải cách tiền lương, đầu tư các công trình hạ tầng trọng điểm, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Phản ứng chính sách kịp thời, bảo đảm nguồn cung xăng dầu
Liên quan đến công tác điều hành giá và bảo đảm nguồn cung xăng dầu, Thủ tướng thông tin, trước tình hình giá xăng dầu thế giới tăng mạnh, Chính phủ đã chủ động kịp thời giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo thẩm quyền và đề xuất Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường 2 lần đối với xăng dầu để giảm giá, hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, chủ động chỉ đạo quyết liệt sản xuất của 2 nhà máy lọc hóa dầu trong nước đang vận hành ở công suất tối đa (đáp ứng khoảng 70 - 80% nhu cầu).
Tuy nhiên, thời gian gần đây, do giá và nguồn cung xăng dầu tiếp tục biến động nhanh, chu kỳ ngắn, khó dự báo, chi phí đầu vào tăng. Trong khi đó, các cơ quan chức năng chậm điều chỉnh định mức chi phí, sử dụng Quỹ Bình ổn giá chưa thật sự hiệu quả, dẫn đến hoạt động kinh doanh khó khăn, gây thiếu nguồn cung tại một số địa phương.
Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý còn thiếu chặt chẽ, chưa kịp thời ứng phó hiệu quả với diễn biến nhanh, phức tạp của thị trường quốc tế, trong nước.
"Các quy định thiết lập trong tình hình bình thường, nhưng đến khi tình hình không bình thường thì chúng ta phản ứng chính sách chưa kịp thời. Tình hình không bình thường đáng lẽ phải có biện pháp khác thường, nhưng tình hình không bình thường ta vẫn dùng biện pháp bình thường. Cái này Chính phủ sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan liên quan phản ứng chính sách kịp thời, phối hợp hiệu quả để khắc phục bằng được hạn chế, yếu kém nêu trên, bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong mọi tình huống.
Cùng với đó, khẩn trương rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả trong quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; tăng cường phòng chống buôn lậu, đầu cơ xăng dầu và công tác giám sát, kiểm tra, xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan để xử lý nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật.
Chính phủ cũng nghiên cứu, thực hiện nâng tổng mức dự trữ quốc gia và tăng cường năng lực sản xuất trong nước.