Tinh giản biên chế giúp tiết kiệm hơn 25.000 tỷ đồng, thêm nguồn để tăng lương

(BKTO) - Chiều 04/11, ngay sau phần chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Quốc hội tiếp tục tiến hành phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.

Trong số các nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của ngành nội vụ, công tác tinh giản biên chế, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức… là những vấn đề được các đại biểu Quốc hội đặt ra ngay từ đầu phiên chất vấn.

540c24cb17d4d18a88c5.jpg
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: VQPH

Nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị

Đặt vấn đề chất vấn Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, đại biểu Tao Văn Giót (Đoàn Lai Châu) cho biết, một trong những mục tiêu tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, tiết kiệm, giảm chi phí thường xuyên, cải cách chính sách tiền lương.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết trong giai đoạn vừa qua, việc tinh giản biên chế có tác động thế nào đến việc thực hiện cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức, đảm bảo đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức?

Đồng thời, đại biểu cũng cho rằng, việc tinh giản biên chế trong giai đoạn vừa qua còn mang tính cơ học, cào bằng giữa các địa phương, đơn vị, lĩnh vực, dẫn đến thiếu nhân sự cục bộ trong một số lĩnh vực, địa phương.

“Đề nghị Bộ trưởng cho biết đâu là nguyên nhân chính, giải pháp giải quyết vấn đề này trong thời gian tới và bao giờ thì giải quyết được?”- đại biểu chất vấn.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, suốt thời gian qua, công tác sắp xếp bộ máy, giảm tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp, giảm biên chế, giảm số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước đã có tác động rất lớn và cũng tạo điều kiện để nâng lương cho đội ngũ công chức, viên chức.

“Từ 2019-2021 đã tiết kiệm được trên 25.600 tỷ đồng, đây là nguồn để đưa vào làm lương. Điều đó cho thấy việc tinh gọn bộ máy, giản biên chế tác động rất rõ, tạo ra nguồn lực thực hiện cải cách chính sách tiền lương” - Bộ trưởng nhấn mạnh và cho biết công tác này tới đây sẽ tiếp tục thực hiện để cơ cấu lại đội ngũ và có nguồn lực lớn hơn để cải thiện đời sống người lao động ở khu vực công.

Nữ Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, số biên chế giảm trong giai đoạn vừa qua là nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị vì chưa bao giờ chúng ta làm được như vậy. “Chúng ta giảm được 10,01% biên chế công chức, giảm được 11,67% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Từ đó góp phần rất quan trọng vào việc tinh gọn đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, giảm được số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng thừa nhận, việc tinh giản biên chế thời gian qua vẫn có sự cào bằng. Bởi trong số giảm thì tinh giản chỉ khoảng 22%, còn lại là nghỉ hưu đối với công chức. Hơn nữa, với những biên chế giao thì các đơn vị không sử dụng và không tuyển nữa.

Theo Bộ trưởng, trong quá trình cơ cấu lại đội ngũ, thực hiện tinh giản thì bước đầu làm theo hướng cơ học và phải giao chỉ tiêu cho tất cả các cơ quan, đơn vị để thực hiện mục tiêu là giảm 10% thì chúng ta mới đạt được mục tiêu này. “Dù có những hạn chế do còn cào bằng, cơ học nhưng chúng ta vẫn đạt được mục tiêu này để làm cơ sở tiếp tục cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức” - Bộ trưởng nhìn nhận.

Đánh giá cán bộ, công chức chưa sát thực tiễn

Quan tâm đến vấn đề đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức, đại biểu Hà Sỹ Huân (Đoàn Bắc Kạn) cho rằng, việc đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức vẫn còn biểu hiện chưa thực chất, thậm chí có hiện tượng nể nang, né tránh, ngại va chạm, dĩ hòa vi quý.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết những giải pháp mà Bộ đã và sẽ triển khai giúp cho công tác đánh giá cán bộ được chính xác và phản ánh thực chất trong thời gian tới?

fe423066807b46251f6a.jpg
Đại biểu Hà Sỹ Huân chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Ảnh: VPQH

Hồi âm vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định trong thời gian qua, Đảng, Chính phủ hết sức quan tâm đến công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức.

Theo Bộ trưởng, kết quả đánh giá trong những năm gần đây đã có chuyển biến tích cực hơn. Theo số liệu năm 2021, số cán bộ, công chức, viên chức được đánh giá là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chỉ khoảng 22% mà trước đó số liệu này khoảng 30%; số cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ là 1,72%, những năm trước tỷ lệ này chỉ khoảng từ 0,56-0,64%.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thẳng thắn nhìn nhận: “Nhìn một cách tổng thể, chúng ta thấy việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức của chúng ta chưa sát với thực tiễn, chưa căn cứ vào sản phẩm, kết quả công việc đầu ra và mặt khác cũng chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ”.

Trong thời gian tới, để đánh giá cán bộ, công chức, viên chức tốt hơn, Bộ trưởng cho rằng, trước hết phải hoàn thiện hệ thống thể chế pháp luật về đánh giá đảm bảo đồng bộ, liên thông với các quy định của Đảng theo hướng xuyên suốt, đa chiều và phải có tiêu chí bằng sản phẩm cụ thể.

Cùng với đó, phải tập trung để hoàn thành xong việc xác định vị trí việc làm, khung năng lực, từ đó làm cơ sở để đánh giá đội ngũ cán bộ, công chức theo vị trí việc làm.

“Chỉ có đánh giá công bằng, chính xác thì mới làm cơ sở, là động lực để cán bộ, công chức của chúng ta hoàn thành tốt nhiệm vụ” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cùng chuyên mục
Tinh giản biên chế giúp tiết kiệm hơn 25.000 tỷ đồng, thêm nguồn để tăng lương