Phối hợp chặt chẽ, có biện pháp cụ thể để xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán

(BKTO) - Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong khẳng định, thời gian tới, Thanh tra Chính phủ sẽ phối hợp chặt chẽ hơn cùng với Kiểm toán nhà nước, có biện pháp cụ thể để xử lý hiệu quả việc chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.

0034c550064ac014995b.jpg
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: VPQH

Xử lý chồng chéo từ khâu lập kế hoạch và trong quá trình thanh tra, kiểm toán

Sáng 05/11, ngay sau khi kết thúc phần chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh tra, Quốc hội tiến hành chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong. 

Tại phiên chất vấn, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) đặt vấn đề, thời gian qua còn xảy ra tình trạng cùng một đơn vị, địa phương nhưng trong một thời gian ngắn phải tiếp và làm việc với nhiều đoàn thanh tra nhà nước, thanh tra chuyên ngành, kiểm tra, kiểm toán, nội dung có thể khác nhau nhưng làm việc liên tục như vậy sẽ ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các đơn vị.

“Đề nghị Tổng Thanh tra cho biết, giải pháp trong phối hợp với các cơ quan kiểm tra, kiểm toán để khắc phục sự chồng chéo, trùng lặp này trong thời gian tới.

Cùng mối quan tâm, đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) cũng phản ánh tình trạng có quá nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và giám sát đến làm việc làm ảnh hưởng đến công tác điều hành, chỉ đạo của chính quyền.

Trả lời chất vấn, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, thời gian qua, các cơ quan thanh tra, kiểm toán đã phối hợp với nhau để từng bước khắc phục, xử lý chồng chéo. Tuy nhiên, trong thực tế, vẫn còn xảy ra việc chồng chéo.

Để xử lý, cơ quan Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán nhà nước đã ban hành quy chế phối hợp triển khai, xử lý chồng chéo từ khâu xây dựng kế hoạch thanh tra cũng như tổ chức thực hiện thanh tra.

Trong quá trình tổ chức thanh tra, khi phát hiện ra sự chồng chéo (chủ yếu chồng chéo ở thanh tra Bộ, ngành, địa phương với Kiểm toán nhà nước khu vực), hai cơ quan đã trao đổi với nhau.

Trường hợp giữa thanh tra Bộ, ngành với thanh tra các địa phương, với Kiểm toán nhà nước khu vực không xử lý được thì sẽ báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ và Tổng Kiểm toán nhà nước trực tiếp trao đổi, thống nhất xử lý chồng chéo.

Về giải pháp trong thời gian tới, Tổng Thanh tra Chính phủ nêu rõ, trong Luật Thanh tra trước đây chưa có điều nào quy định về xử lý chồng chéo.

Lần này, Luật Thanh tra (sửa đổi) có quy định 5 điều về xử lý chồng chéo, tập trung vào lĩnh vực hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, trong đó có quy định "một nội dung hoạt động của tổ chức, cá nhân chỉ là đối tượng của một cơ quan thanh tra hoặc cơ quan Kiểm toán nhà nước".

Đồng thời, định kỳ giữa Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán nhà nước sẽ rà soát để sửa đổi, bổ sung quy chế phối hợp cho phù hợp với từng thời kỳ.

Tới đây, Thanh tra Chính phủ cũng sẽ chủ trì cùng với Bộ, ngành, địa phương xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về các cuộc thanh tra, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc theo dõi, phát hiện và xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra.

“Về lâu dài, Thanh tra Chính phủ kiến nghị cấp có thẩm quyền nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về thanh tra, kiểm toán theo hướng quy định rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan để đảm bảo không có sự chồng chéo, giao thoa với nhau về chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền” - Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.

Hạn chế số lượng đoàn thanh tra, tập trung nâng cao chất lượng

Chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ, đại biểu Nguyễn Thị Yến (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, thời gian qua, Tổng Thanh tra Chính phủ đã nỗ lực phấn đấu triển khai thực hiện, đạt được nhiều kết quả tích cực.

752f92b49e9158cf0180.jpg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Yến chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ. Ảnh: VPQH

Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân khiến chất lượng một số cuộc thanh tra chưa đảm bảo yêu cầu và kết luận thanh tra còn chậm, còn chồng chéo giữa thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, ngoài các nguyên nhân mà Tổng Thanh tra đã nêu thì còn thiếu một nội dung rất quan trọng, đó là số lượng tổ chức thanh tra, kiểm tra quá nhiều.

Dẫn số liệu 9 tháng đầu năm 2022, toàn ngành thanh tra đã tổ chức 6.301 cuộc thanh tra hành chính và 157.974 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, đại biểu Yến chỉ ra, bình quân mỗi ngày có 608 cuộc thanh tra, kiểm tra. Điều này gây bức xúc cho các cơ quan, địa phương, đồng thời làm ảnh hưởng đến chất lượng cũng như kết luận của ngành thanh tra.

“Tôi đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ quan tâm, có giải pháp khắc phục để nâng cao chất lượng của các cuộc thanh tra, kiểm tra cũng như thực hiện tốt Nghị định 45, đối với kết luận thanh tra phải đảm bảo được thời gian và yêu cầu đã đề ra” - đại biểu phát biểu.

Phản hồi ý kiến đại biểu, Tổng Thanh tra Chính phủ thừa nhận, thực tế hiện nay, có tình trạng nhiều đoàn thanh tra tiến hành ở một địa phương. Ngoài cơ quan thanh tra, kiểm toán còn có kiểm tra, điều tra, truy tố, thanh tra các Bộ, ngành, thanh tra địa phương…

Để khắc phục vấn đề này, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, thời gian tới sẽ tham mưu cho thủ trưởng cơ quan quyết định về định hướng chương trình thanh tra hằng năm, lưu ý hạn chế số lượng đoàn thanh tra để đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, không vì số lượng mà vì chất lượng.

Tổng Thanh tra Chính phủ cũng nêu rõ, thực tế mỗi năm, Thanh tra Chính phủ chỉ thực hiện 15 - 16 cuộc thanh tra, bao gồm cả thanh tra đột xuất; con số này không phải là nhiều. Song quan trọng là thanh tra Bộ, ngành xuống các địa phương và thanh tra địa phương.

“Tiếp thu ý kiến của đại biểu, tới đây, chúng tôi định hướng Thanh tra Chính phủ sẽ phối hợp chặt chẽ hơn cùng với Kiểm toán nhà nước trên tinh thần là phải có biện pháp cụ thể và tính toán để xử lý triệt để về kế hoạch, đặc biệt là vấn đề phối hợp các Bộ, ngành và địa phương, nhất là Bộ, ngành, để hạn chế số lượng thanh tra nhiều như hiện nay. Cũng không vì số lượng, chúng tôi sẽ tập trung nâng cao chất lượng và tiến độ ban hành kết luận thanh tra” - Tổng Thanh tra Chính phủ cam kết.

Cùng chuyên mục
Phối hợp chặt chẽ, có biện pháp cụ thể để xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán