Thu về hơn 6 tỷ USD, xuất khẩu gỗ tăng trưởng ngoạn mục

(BKTO) - Trong 5 tháng đầu năm, nhóm sản phẩm từ gỗ đã gây bất ngờ khi có mức tăng trưởng xuất khẩu vượt các mặt hàng truyền thống như dệt may, da giày... Dù vậy, trước những diễn biến thị trường còn phức tạp, ngành gỗ vẫn cần phải thận trọng và có giải pháp tích cực hơn nữa để duy trì giá trị tăng trưởng trong thời gian tới.

10-anh-chot-trang-10-18-8-16608332149801444935289-1670250453-1670310863.jpeg
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ tiếp tục tăng trưởng ngoạn mục. Ảnh ST

Xuất khẩu gỗ tạo đột phá

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, gỗ và sản phẩm từ gỗ đang có mức tăng trưởng đột phá chưa từng có sau giai đoạn giảm mạnh vì Covid-19.

Cụ thể, tính riêng tháng 5/2024, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đạt 1,25 tỷ USD tăng trưởng 18,1% trong khi xuất khẩu dệt may giảm 9%; thủy sản giảm gần 4%. Tổng cộng sau 5 tháng, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 6,1 tỷ USD và có mức tăng trưởng 23,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi tăng trưởng xuất khẩu dệt may ở mức 3,3%...

Như vậy, ngoại trừ điện tử, máy tính và linh kiện là mặt hàng xuất khẩu chủ yếu thì gỗ và sản phẩm gỗ tăng cao bỏ xa các nhóm hàng còn lại. Những năm trước, nhóm gỗ và sản phẩm gỗ luôn có mức tăng trưởng thấp hơn nhiều so với dệt may, da giày.

Năm 2024, ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 17,5 tỷ USD, đây là chỉ tiêu khá cao, trong bối cảnh xung đột chính trị đang leo thang và khó đoán định, cả yếu tố đầu ra và đầu vào của xuất khẩu đều khó khăn.

Trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng trưởng tích cực trong 5 tháng đầu năm 2024 được nhận định là nhờ nhu cầu tăng tại các thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chính như Hoa Kỳ và các thị trường châu Âu.

Phân tích cụ thể, đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cho biết, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tới các thị trường chính đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng tích cực. Dẫn đầu là xuất khẩu tới thị trường Hoa Kỳ đạt gần 3 tỷ USD; tiếp theo là xuất khẩu tới thị trường Trung Quốc đạt hơn 700 triệu USD…

Ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Viforest cho biết, tại thị trường Hoa Kỳ, Chính phủ nước này đang có những động thái về cắt giảm lãi suất, qua đó kích cầu tiêu dùng trở lại, mở rộng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, khu vực Liên minh châu Âu (EU) cũng đã vượt qua giai đoạn suy thoái và bắt đầu tăng nhập khẩu trở lại.

z5222607614640-807056ba3f2ffd5c6a2bf4c9e4864a9a.jpg
Nhờ tận dụng tốt các sự kiện quảng bá ngành gỗ, gỗ Việt ngày càng thu hút thị trường. Ảnh ST

Bên cạnh đó, Hiệp hội đã phối hợp tổ chức thành công các sự kiện hội chợ ngành gỗ vào tháng 3, gồm: Hội chợ xuất khẩu đồ gỗ & Nội thất 2024 tại TP. HCM và Hội chợ Quốc tế hàng phong cách ngoài trời tại Quy Nhơn 2024. Đây cũng là hội chợ đầu tiên và lớn nhất của ngành gỗ về các hàng ngoài trời, là nơi giao thương và tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với khách hàng quốc tế.

Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã phối hợp cùng Viforest và các Bộ Công Thương, Ngoại giao tham gia vào nhiều chương trình giao ban ngoại giao kinh tế của Bộ Ngoại giao để mở hội chợ cho những doanh nghiệp mở các văn phòng, kho hàng tại các công ty, trung tâm mua hàng lớn, đặc biệt là tại thị trường EU và Mỹ…

Còn nhiều thách thức…

Dù đạt mức tăng trưởng cao, song ngành gỗ vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như vấn đề logistics; vấn đề cạnh tranh thương mại đang diễn ra khốc liệt..., có thể ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng của ngành hàng năm nay.

Đáng chú ý, nhiều nước nhập khẩu đang muốn bảo hộ nền sản xuất trong nước và đưa ra quy định khắt khe... Đơn cử, các quốc gia EU đã có yêu cầu về Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon, có hiệu lực từ tháng 10/2023. Theo đó, hàng hóa nhập khẩu vào thị trường EU sẽ phải chịu thêm chi phí, chuyển đổi mô hình sản xuất ít phát thải hơn để có tín chỉ carbon.

dsc_5631.jpg
Vấn đề giảm phát thải qua trồng rừng, khai thác gỗ cần phải được tăng cường thực hiện để đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường. Ảnh: N.Lộc

Chủ tịch Viforest Đỗ Xuân Lập cho biết, bên cạnh các quy định về nguồn gốc gỗ nguyên liệu ngày càng chặt chẽ, chính sách phòng vệ thương mại của Mỹ đang sửa đổi, bổ sung tổng cộng 22 nội dung liên quan một số quy định trong điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp, bao gồm cả những cách xác định 1 số trợ cấp mới như bảo hiểm xuất khẩu, xóa nợ và thuế trực tiếp… cũng đang làm khó các doanh nghiệp gỗ trong nước.

Hiện, Viforest đã và đang hỗ trợ tư vấn cho các doanh nghiệp sản xuất giảm phát thải thông qua hoạt động tư vấn cho một số doanh nghiệp đầu ngành của ngành gỗ về vấn đề giảm phát thải, từ đó lan tỏa ra toàn ngành, hướng tới sản xuất giảm phát thải và coi đây là tiêu chuẩn.

Đồng thời, ngành gỗ đã kiến nghị với Bộ NN&PTNT phát triển các khu cung ứng, đẩy mạnh vấn đề sản xuất trồng rừng, đặc biệt là trồng rừng cây gỗ lớn đảm bảo nguồn cung nguyên liệu về gỗ rừng trồng cho các doanh nghiệp. Cùng với đó, cần giảm thiểu nhập khẩu gỗ rừng tự nhiên.

Các hiệp hội, các doanh nghiệp tiếp tục đoàn kết, sáng tạo, cùng nhau vượt qua khó khăn; kịp thời thông tin cho nhau về các cơ chế, chính sách, các quy định mới, tình hình chế biến gỗ và thị trường lâm sản trong nước và thế giới để có định hướng sản xuất phù hợp, cũng như có giải pháp tránh các rủi ro trong hoạt động. Bên cạnh đó, các hiệp hội và các doanh nghiệp cùng bàn giải pháp để nâng cao giá trị sản phẩm, xuất khẩu trực tiếp sản phẩm sang nước ngoài.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Trị

Trong khi đó, đại diện Cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) cho biết, tăng trưởng xuất khẩu gỗ 5 tháng đầu năm 2024 dù cao, song chủ yếu thuộc về các doanh nghiệp FDI.

Các doanh nghiệp Việt Nam đơn hàng khá yếu, công suất hoạt động của doanh nghiệp ngành gỗ trong nước chỉ đạt khoảng 40-70%. Đơn hàng ngắn, thời gian đặt hàng ngắn, giá nguyên liệu tăng cao khiến chi phí tăng cao.

“Đây là vấn đề cần được đánh giá kỹ lưỡng, từ đó có giải pháp hiệu quả để nâng cao năng lực của doanh nghiệp Việt, đảm bảo sự phát triển bền vững hơn” - ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường cho biết.

Ngay trong bức tranh sáng màu của xuất khẩu gỗ vừa qua, sức mua của thị trường có nhiều thời điểm bị rung lắc, dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu. Có thời điểm, nhiều thị trường quay trở lại nhập khẩu dòng ván ép giá rẻ, thay vì các dòng gỗ hạng sang. Theo Viforest, sức mua yếu khiến chính các nhà bán hàng tại thị trường nhập khẩu gỗ Việt hàng đầu là Hoa Kỳ cạnh tranh nhau, họ yêu cầu các nhà bán hàng phải giảm giá nhằm mua được giá tốt nhất... 

"Tất cả những khó khăn này khiến các doanh nghiệp trong chuỗi, từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ đều gặp khó khăn, lợi nhuận của doanh nghiệp bị thu hẹp, đòi hỏi phải có sự chung tay hỗ trợ từ Nhà nước, đến sự nỗ lực của chính doanh nghiệp" - đại diện Viforest nêu. 

Cùng chuyên mục
Thu về hơn 6 tỷ USD, xuất khẩu gỗ tăng trưởng ngoạn mục