Xúc tiến, quảng bá du lịch: Chỉ tiền thôi chưa đủ!

(BKTO) - Sau đại dịch Covid-19, thị trường du lịch đã có những thay đổi đáng kể, định hình xu hướng mới của du khách khi lựa chọn điểm đến. Cùng với việc đổi mới, nâng cao chất lượng điểm đến, việc chú trọng ngay từ khâu xúc tiến, quảng bá về điểm đến sẽ góp phần thu hút du khách tới Việt Nam…

435575016_836097931879865_1446486340835048006_n.jpg
Đổi mới công tác xúc tiến, quảng bá để thu hút khách du lịch, trong đó chú trọng sự tham gia chủ động, tích cực của doanh nghiệp. Ảnh: N.Lộc

Xúc tiến du lịch vừa thiếu, vừa yếu

Ông Hà Văn Siêu - Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - VH,TT&DL) cho biết, năm 2023 là năm phục hồi mạnh mẽ của du lịch, Việt Nam đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế, 108 triệu lượt khách nội địa, tổng thu 678 nghìn tỷ đồng.

Trong 4 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã thu hút 6,2 triệu lượt khách quốc tế, tăng 68,3% so với cùng kỳ năm 2023. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 4 tháng đầu của năm 2024 ước đạt 237.300 tỷ đồng, tăng 15,3%; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 19.400 tỷ đồng, tăng 49,3% so với cùng kỳ năm trước... 

Bên cạnh những kết quả tích cực, thực tế cần phải thừa nhận là du lịch Việt vẫn đuối sức trong cuộc đua cạnh tranh thu hút khách với các thị trường trong khu vực. 

Một trong những nguyên nhân dẫn đến bất cập, hạn chế này được các chuyên gia chỉ ra là công tác quảng bá, xúc tiến du lịch vừa thiếu, vừa yếu. Kết quả này cũng được chính lãnh đạo Bộ VH,TT&DL nhìn nhận: Công tác truyền thông chính sách, cập nhật, quảng bá thông tin về những quy định mới còn hạn chế, thiếu kịp thời tại các thị trường nguồn quốc tế do thiếu hệ thống văn phòng xúc tiến du lịch quốc gia; sự phối hợp chưa thực sự chặt chẽ giữa các cơ quan trong nước với các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài…

_dsc8787.jpg
Tính chung 4 tháng qua, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 6,2 triệu lượt người, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19. Ảnh: N.Lộc

Trong khi đại diện một doanh nghiệp lữ hành cho rằng, việc đầu tư ngân sách cho quảng bá du lịch còn chưa tương xứng. Do đó, cần ưu tiên ngân sách, đồng thời huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, hàng không để quảng bá tại các thị trường trọng điểm.

Sau đại dịch Covid-19, chúng ta đã ghi nhận sự phục hồi của du lịch. Với đà tăng trưởng như hiện nay, ngành du lịch có thể đạt được mục tiêu đề ra hoặc vượt cao hơn. Tuy nhiên, mọi việc không phải tự dưng đạt được mà cần có kế hoạch thật tốt ngay từ khâu quảng bá, trong đó cần chú trọng sự liên kết, phối hợp các nguồn lực xã hội tham gia vào quảng bá, xúc tiến du lịch

Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hồ An Phong

Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam thừa nhận, khó khăn lớn đối với hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam là kinh phí. Hiện ngân sách quảng bá du lịch của Việt Nam vẫn dao động ở mức 2 triệu USD mỗi năm, trong khi các nước trong khu vực như Thái Lan chi khoảng 86 triệu USD, Malaysia khoảng 130 triệu USD và Singapore chi 100 triệu USD…

Tăng cường liên kết, không ngừng đổi mới công tác xúc tiến, quảng bá

Với hàng loạt khó khăn, thách thức đặt ra, yêu cầu đổi mới công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, gắn với tăng cường liên kết giữa các bên, đồng thời huy động nguồn lực xã hội hóa tham gia vào công tác này là yêu cầu cấp thiết hiện nay. 

Để giải quyết bài toán kinh phí, cuối năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch - quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách sử dụng cho mục đích xúc tiến du lịch trong nước và nước ngoài; hỗ trợ nghiên cứu thị trường và phát triển sản phẩm du lịch. 

Theo đó, Nhà nước bỏ vốn mỗi năm 100 tỷ đồng và sau ba năm sẽ có nguồn tiền khoảng 300 tỷ đồng. Ngoài ra, Quỹ được bổ sung nguồn thu từ visa (10%); phí tham quan (5%) và các nguồn xã hội hóa... 

Liên quan đến nguồn Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch, qua kiểm toán và tổng hợp số liệu, Kiểm toán nhà nước cho biết, nguồn Quỹ đã cơ bản được đảm bảo cấp vốn theo đúng yêu cầu. 

Đến ngày 24/5/2023, Bộ Tài chính đã cấp đủ số vốn điều lệ cho Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch với số tiền 300 tỷ đồng theo quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, trong đó, Quỹ đã gửi 150 tỷ đồng (ngày 29/3/2023) vốn của năm 2022 vào NHTM và sử dụng tiền lãi tiền gửi để chi trả cho hoạt động quản lý bộ máy.

Trích Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài kinh phí, làm tốt công tác quảng bá còn phụ thuộc vào con người, cách thức thực hiện, sản phẩm du lịch, định hướng thị trường. Bởi tiền có nhiều mà sản phẩm du lịch không tốt, xác định thị trường sai, người làm xúc tiến thiếu chuyên nghiệp, mỗi người mỗi hướng thì cũng không thu hút được khách.

Do đó, để xúc tiến đầu tư du lịch hiệu quả, cơ quan quản lý nhà nước cần có cơ sở dữ liệu phân tích giá trị trải nghiệm điểm đến và bộ tiêu chí chi tiết để chọn nhà đầu tư phù hợp với từng đặc tính của điểm đến. Xét chọn càng kỹ, càng chi tiết thì sẽ giúp được nhà đầu tư kinh doanh bền vững.

Các cơ quan xúc tiến du lịch đóng vai trò như một nhà tư vấn điểm đến chuyên nghiệp, có đầy đủ thông số, chỉ số phát triển bền vững về kinh tế về du lịch, các hỗ trợ khác và các chế tài để định hướng được quá trình đưa kinh tế du lịch địa phương đúng với giá trị văn hóa bản địa.

Dưới góc độ quản lý nhà nước, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu cho biết, trước mắt, để tạo đột phá cho hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, ở cấp Trung ương, năm 2024 ngành du lịch sẽ tập trung tham gia 3 Hội chợ quốc tế gồm: WTM London, CITM Trung Quốc và ASEAN - Trung Quốc; tổ chức 6 chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại Bắc Mỹ, Australia, Trung Quốc, châu Âu, ASEAN và Ấn Độ; 3 Lễ hội du lịch - văn hóa Việt Nam tại Nhật Bản, Hàn Quốc... Ngoài ra, thực hiện chương trình xúc tiến du lịch - điện ảnh tại Los Angeles (Mỹ) sẽ diễn ra vào quý III năm nay.

Ông Nguyễn Hồng Minh - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Hà Nội nhấn mạnh việc truyền thông trong quảng bá xúc tiến du lịch rất quan trọng. Ngoài ra cần đẩy mạnh việc liên kết, hợp tác giữa các đơn vị thay vì hoạt động riêng lẻ, đồng thời tận dụng các liên hoan phim quốc tế, đưa du lịch gắn với điện ảnh, thông qua đó lồng ghép những điểm đến đẹp của Việt Nam bằng các câu chuyện, nội dung phim.

_dsc2649.jpg
Cần huy động các nguồn xã hội hóa tham gia vào công tác xúc tiến, quảng bá điểm đến. Ảnh: N.Lộc

Trong tổ chức sự kiện quảng bá, cần xác định các sự kiện xúc tiến trọng điểm, xuyên suốt trong năm, tạo hiệu ứng thu hút du lịch, từ đó, xây dựng thành sự kiện thường niên, tạo dấu ấn với du khách trong và ngoài nước. 

Lưu ý công tác xúc tiến, quảng bá du lịch đóng vai trò rất quan trọng để thu hút du khách, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hồ An Phong nhấn mạnh yêu cầu cần phải đổi mới, nâng tầm sự kiện, làm sao cho ấn tượng và phải chú ý thị trường tiềm năng, chú ý tới đối tác chiến lược. Bên cạnh xúc tiến ngoài nước, cần phải chú ý đẩy mạnh xúc tiến trong nước... 

Liên quan đến kinh phí cho công tác xúc tiến, quảng bá, Thứ trưởng Hồ An Phong cho rằng cần thúc đẩy xã hội hóa công tác quảng bá, xúc tiến, bởi ngoài giúp huy động thêm nguồn lực, sự tham gia của các thành phần từ xã hội sẽ tạo động lực đổi mới cho chính doanh nghiệp, điểm đến. “Muốn đi xa phải đi cùng nhau” - Thứ trưởng nhấn mạnh. 

Cùng chuyên mục
Xúc tiến, quảng bá du lịch: Chỉ tiền thôi chưa đủ!