Thúc đẩy kiểm toán gắn với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững

(BKTO) - Kiểm toán nhà nước (KTNN) Việt Nam đang nỗ lực khảo sát, thu thập thông tin và lập kế hoạch kiểm toán đối với cuộc kiểm toán hợp tác quốc tế về hành động thích ứng với biến đổi khí hậu do Cơ quan Sáng kiến phát triển (IDI) của Tổ chức Quốc tế các Cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) phối hợp với Nhóm công tác về kiểm toán môi trường INTOSAI (INTOSAI WGEA) chủ trì thực hiện giai đoạn 2023-2024.

kh.jpeg
Ứng phó với biến đổi khí hậu đang là thách thức của toàn cầu. Ảnh: ST

Theo KTNN chuyên ngành III, cuộc kiểm toán hợp tác này có sự tham gia của 38 Cơ quan Kiểm toán tối cao (SAI) thành viên của INTOSAI, nhằm tăng tường năng lực, hỗ trợ các SAI thành viên thực hiện kiểm toán hoạt động theo Chuẩn mực kiểm toán quốc tế (ISSAI) trong lĩnh vực thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tại kỳ họp lần thứ 70 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 9/2015, Chương trình nghị sự 2030 vì Sự phát triển bền vững đã được nhất trí thông qua với 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDG) đầy khát vọng mà cộng đồng quốc tế nói chung và mỗi quốc gia nói riêng cần đạt được để giải quyết các vấn đề về nghèo, đói, giáo dục, y tế, tăng trưởng kinh tế, biến đổi khí hậu... theo nguyên tắc “Suy nghĩ toàn cầu, hành động quốc gia”.

Để thực hiện thành công 17 SDG đòi hỏi các Chính phủ phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trên nhiều khía cạnh như công tác lập kế hoạch hành động, xây dựng chính sách, phân bổ nguồn lực tài chính... Tất cả nhiệm vụ này đều là đối tượng kiểm toán của các SAI.

Các SAI với vai trò là cơ quan độc lập, khách quan trong việc giám sát và đánh giá việc thực hiện các SDG của Chính phủ, thông qua hoạt động kiểm toán, có thể đem lại những đóng góp to lớn và giá trị gia tăng đối với sự phát triển bền vững của quốc gia.

INTOSAI có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy và hỗ trợ các SAI thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Trên cơ sở đó, INTOSAI xác định nhiệm vụ “đóng góp trong việc thực hiện thành công Chương trình nghị sự 2030 vì Sự phát triển bền vững” là một trong năm mục tiêu ưu tiên trong Kế hoạch chiến lược giai đoạn 2023-2028 của tổ chức.

kh2.jpg
Các SAI cần chung tay thúc đẩy thực hiện cuộc kiểm toán hợp tác đối với các vấn đề xuyên biên giới, trong đó có vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: ST

Theo Hướng dẫn 9000 về Kiểm toán hợp tác giữa các SAI của INTOSAI, các SAI thường thúc đẩy thực hiện cuộc kiểm toán hợp tác đối với các vấn đề xuyên biên giới, nằm ngoài sự kiểm soát của SAI nhưng có tác động tới quốc gia mà SAI đang tồn tại. Theo thống kê, đã có hơn 80 cuộc kiểm toán hợp tác về các chủ đề liên quan đến SDG được thực hiện bởi các SAI trong cộng đồng INTOSAI.

Theo chia sẻ của lãnh đạo KTNN chuyên ngành III, để thúc đẩy kiểm toán hợp tác nói chung và chuẩn bị cho cuộc kiểm toán hợp tác quốc tế về hành động thích ứng với biến đổi khí hậu nói riêng, việc tích lũy, chia sẻ kiến thức từ các cuộc kiểm toán hợp tác đã thực hiện là vô cùng quan trọng và cần thiết, nhất là đối với việc xây dựng, lập kế hoạch kiểm toán...

Chuẩn bị kiểm toán là khâu quan trọng nhất

Nhìn lại quá trình tổ chức thực hiện cuộc kiểm toán hợp tác “Việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công, gắn với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững” do KTNN Việt Nam chủ trì với sự tham gia của SAI Thái Lan, Myanmar, lãnh đạo KTNN chuyên ngành III nhấn mạnh, công tác chuẩn bị chính là khâu quan trọng nhất, quyết định sự thành công của cuộc kiểm toán hợp tác.

KTNN Việt Nam với vai trò là đơn vị chủ trì, có trách nhiệm dẫn dắt các SAI tham gia triển khai thực hiện cuộc kiểm toán, đã chủ động tiến hành khảo sát, phối hợp với cơ quan chuyên môn, các chuyên gia môi trường trong và ngoài nước trong việc tư vấn, xây dựng Đề cương kiểm toán sát với thực tiễn, mang tính khả thi cao để chia sẻ, thống nhất với các SAI cùng tham gia.

mc.jpg
Từ cuộc kiểm toán hợp tác đối với lưu vực sông Mê Công, KTNN Việt Nam đã tích lũy, chia sẻ nhiều kiến thức kiểm toán. Ảnh: ST

Đồng thời xây dựng cơ chế trao đổi thông tin và hợp tác với Ủy ban Chia sẻ kiến thức của INTOSAI; phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia đến từ SAI Malaysia, Indonesia, Ngân hàng thế giới (WB) và Quỹ Kiểm toán và Trách nhiệm giải trình Canada (CAAF) trong suốt quá trình kiểm toán; thực hiện điều phối giữa các bên liên quan nhằm đảm bảo tiến độ, hiệu quả và chất lượng của cuộc kiểm toán.

Trên cơ sở đó, các SAI đã xây dựng kế hoạch kiểm toán phù hợp với Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì Sự phát triển bền vững, Hiệp định về Hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công và điều kiện thực tiễn tại mỗi quốc gia.

Điểm nổi bật nữa là KTNN Việt Nam đã chủ động xây dựng Đề cương kiểm toán với 04 tiêu chí cụ thể nhằm đánh giá tác động do quản lý, khai thác và sử dụng nguồn nước lưu vực sông Mê Công đối với số lượng và chất lượng nước, phù sa, hệ sinh thái, nguồn lợi thủy sản và sinh kế của người dân ở các nước trong lưu vực sông Mê Công để các SAI cùng thực hiện.

Điều này vừa tạo thuận lợi cho việc tổng hợp kết quả kiểm toán và phác họa bức tranh tổng quan đầy màu sắc về việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công tại các quốc gia; vừa cung cấp các bằng chứng, số liệu bổ trợ cho việc xác định những ảnh hưởng do quản lý, khai thác và sử dụng bất hợp lý, thiếu bền vững nguồn nước sông Mê Công gây ra đối với các nước, đặc biệt là đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam nằm ở hạ lưu sông Mê Công.

Thực hiện nhiều sáng kiến kiểm toán nổi bật

Căn cứ kế hoạch kiểm toán được ban hành, các SAI chủ động thực hiện kiểm toán tại từng quốc gia và thường xuyên trao đổi, thảo luận, chia sẻ về các phương pháp kiểm toán giữa các SAI, cũng như với các chuyên gia của INTOSAI. Phương pháp “Tiếp cận toàn chính phủ” theo hướng dẫn của IDI đã được ứng dụng hiệu quả, giúp các SAI đánh giá một cách tổng thể, toàn diện hệ thống cơ chế, chính sách liên quan đến việc thực hiện các SDG, qua đó góp phần nâng cao tác động và giá trị mang lại của cuộc kiểm toán.

Ngoài ra, trong quá trình kiểm toán, các SAI còn chủ động và tích cực nghiên cứu, vận dụng linh hoạt những phương pháp kiểm toán mới, hiện đại nhằm thu thập các bằng chứng kiểm toán đa dạng, vững chắc, làm cơ sở cho việc đưa ra những phát hiện kiểm toán có giá trị.

Đáng chú ý, KTNN Việt Nam đã tăng cường truy cập, trích xuất, phân tích các số liệu về quản lý, giám sát chất lượng nước, tình hình khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước của các cơ quan quản lý từ trung ương đến địa phương.

SAI Thái Lan đã ứng dụng công nghệ viễn thám bằng hình ảnh vệ tinh để đánh giá các ảnh hưởng từ “Hiệu ứng dòng nước đói”; tổ chức khảo sát trực tuyến đối với các nhóm cư dân để đưa ra ý kiến về những tác động đến hệ sinh thái và thủy sản.

SAI Myanmar đã thu thập, kiểm tra, xác minh và phân tích các dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau; chú trọng xem xét mức độ liên kết giữa các SDG của Liên Hợp Quốc với các chiến lược và mục tiêu của Chính phủ Myanmar.

Việc nghiên cứu, ứng dụng linh hoạt các phương pháp kiểm toán và sự hỗ trợ của các chuyên gia giàu kinh nghiệm đã giúp các SAI thuận lợi hơn trong việc thu thập các bằng chứng kiểm toán và đưa ra những phát hiện kiểm toán có giá trị.

Theo dõi sát sao việc thực hiện kiến nghị kiểm toán

Các SAI đã lập, phát hành báo cáo kiểm toán theo quy định của từng quốc gia và chia sẻ kết quả kiểm toán cho các cơ quan quản lý, tổ chức quốc tế. KTNN Việt Nam đã xây dựng mẫu Báo cáo để tổng hợp kết quả kiểm toán chung của 3 SAI.

Kết quả kiểm toán đã cho thấy “bức tranh” toàn cảnh về thực trạng quản lý, sử dụng nguồn nước tại lưu vực sông Mê Công, qua đó cảnh báo về nguy cơ, rủi ro, hệ quả của tình trạng suy thoái tài nguyên nước, kèm theo những ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, sinh kế, đời sống của người dân đã và đang diễn ra tại 3 quốc gia, đặc biệt là quốc gia hạ nguồn như Việt Nam.

Trên cơ sở đó, các SAI đã đưa ra những kiến nghị và giải pháp hữu ích, có tính khả thi cao đến Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền. Việc theo dõi, thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán cũng được các SAI tiến hành theo quy định của từng quốc gia.

Đối với KTNN Việt Nam, đến nay, toàn bộ kiến nghị kiểm toán đã được thực hiện nghiêm túc, kịp thời.

Tiêu biểu như Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu Chính phủ ban hành 01 Nghị định hướng dẫn Luật Tài nguyên nước; đã nghiên cứu, sửa đổi 02 Thông tư quy định về đánh giá sức chịu tải của nguồn nước và quan trắc, giám sát tài nguyên nước.

UBND các tỉnh, thành phố được kiểm toán đã ban hành các văn bản quy định về phân vùng xả nước thải, khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước; phê duyệt danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ; sửa đổi quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong quản lý tài nguyên nước và kế hoạch thực hiện các SDG của địa phương; đồng thời đầu tư kinh phí lắp đặt các hệ thống tiếp nhận, quản lý, giám sát về chất lượng nguồn nước...

Cùng chuyên mục
Thúc đẩy kiểm toán gắn với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững