Mang lại lợi ích thiết thực
Chỉ cần một chiếc căn cước công dân (CCCD) để giao dịch, thay vì nhiều loại giấy tờ cho từng lĩnh vực như trước đây; đi khám, chữa bệnh (KCB) tại cơ sở y tế không cần mang theo thẻ bảo hiểm y tế (BHYT)… đây là một trong những lợi ích trông thấy của việc triển khai Đề án 06, hiện đang được các ngành, trong đó có ngành BHXH tập trung triển khai thực hiện.
BHXH Việt Nam cho biết, để triển khai hiệu quả Đề án 06, ngành BHXH và các địa phương đã thường xuyên tuyên truyền, vận động và hướng dẫn các đơn vị thực hiện các thủ tục hành chính qua giao dịch điện tử; khuyến khích các cá nhân, đơn vị thực hiện thu nộp, chi trả các chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp bằng hình thức không dùng tiền mặt… nhằm giúp giảm tải tối đa thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí cho đơn vị sử dụng lao động và người lao động.
Theo BHXH tỉnh Đắk Lắk, với sự nỗ lực trong triển khai Đề án 06, BHXH tỉnh đã duy trì triển khai, thực hiện tốt quy trình liên thông điện tử đối với hai nhóm thủ tục hành chính thiết yếu gồm: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi; Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú... Về kết nối, chia sẻ dữ liệu khám sức khỏe phục vụ cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe trực tuyến nhằm phục vụ Đề án 06, BHXH tỉnh đã phối hợp với Sở Y tế, các cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả.
Tính đến ngày 11/9/2023, số lượt KCB thành công bằng CCCD trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk là 735.820 lượt trên tổng số 1.005.664 lượt tra cứu dữ liệu CCCD. Số cơ sở KCB thực hiện tra cứu là 224/224 cơ sở; số lượng CCCD được đồng bộ với thẻ BHYT còn hiệu lực để đi KCB bằng CCCD là 1.517.750 căn cước.
“Việc triển khai công tác chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 thời gian qua đã mang lại những thay đổi mang tính bước ngoặt trong mọi hoạt động của ngành, góp phần giảm thời gian, chi phí cho tổ chức, cá nhân khi giao dịch với cơ quan BHXH” - Giám đốc BHXH tỉnh Nguyễn Khắc Tuấn cho biết.
Tương tự, BHXH tỉnh Ninh Thuận cho biết, để triển khai hiệu quả Đề án 06, BHXH tỉnh đã phối hợp với các sở, ban, ngành các cấp trên địa bàn để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân sử dụng các dịch vụ công (DVC), tiện ích do ngành BHXH cung cấp như: Ứng dụng VssID, các DVC trên Cổng DVC của ngành và Cổng DVC quốc gia...
Bên cạnh đó, BHXH tỉnh đã thường xuyên tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo thực hiện Đề án như: Việc kê khai số định danh cá nhân, CCCD của người tham gia BHXH, BHYT; cập nhật bổ sung số CCCD của người tham gia; đẩy mạnh sử dụng CCCD gắn chíp trong KCB bằng thẻ BHYT...
Với việc triển khai quyết liệt Đề án 06, đến nay, thực hiện xác thực dữ liệu người tham gia BHXH, BHYT với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã xác thực được 484.188 trường hợp, chiếm 91,47% so với tổng số người tham gia BHYT. Phối hợp với các cơ sở KCB BHYT trên địa bàn tỉnh triển khai thí điểm dùng thẻ CCCD gắn chíp khi đi KCB BHYT thay thẻ BHYT giấy. Toàn tỉnh có 79/79 (100%) cơ sở y tế đã triển khai thí điểm dùng thẻ CCCD gắn chíp đi KCB BHYT thay thẻ BHYT giấy.
Theo Giám đốc BHXH tỉnh Nguyễn Mạnh Tú, lũy kế từ đầu năm 2023, đến nay có 697.906 trường hợp dùng thẻ CCCD gắn chíp tra cứu dữ liệu cấp thẻ BHYT, trong đó có 521.265 lượt tra cứu thành công và dùng thẻ CCCD gắn chíp để KCB BHYT, tỷ lệ tra cứu thành công là 74,7%. Đã có 521.265 lượt người dùng thẻ CCCD gắn chíp để KCB BHYT so với tổng số 1.032.129 lượt KCB BHYT, đạt 50,5%.
Tập trung tháo gỡ những vướng mắc...
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Đề án 06 tại BHXH một số địa phương còn gặp vướng mắc cần sớm được giải quyết.
Đơn cử, tại Đắk Lắk, một số trường hợp người tham gia BHYT được cấp thẻ CCCD gắn chíp nhưng thông tin số CCCD sai cấu trúc giới tính, năm sinh dẫn đến không xác thực được với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT theo quy trình liên thông giữa ba ngành Công an, Tư pháp và BHXH không xác thực được thông tin, mặc dù đã được cấp số định danh cá nhân.
Do đó, “BHXH tỉnh sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia; đôn đốc triển khai rà soát, làm sạch thông tin người tham gia BHXH, BHYT” - ông Tuấn cho biết.
Còn theo BHXH tỉnh Ninh Thuận, để triển khai Đề án 06 có hiệu quả, trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục phối hợp rà soát thông tin số định danh cá nhân, CCCD; cập nhật thông tin số định danh cá nhân, CCCD của người tham gia BHXH, BHYT vào cơ sở dữ liệu đang quản lý, phấn đấu đạt 100% theo chỉ đạo của BHXH Việt Nam.
Đồng thời, cơ quan BHXH sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành công an, bưu điện…, cùng các tổ chức tiếp tục tuyên truyền, đẩy mạnh việc thí điểm dùng thẻ CCCD gắn chíp thay thẻ BHYT giấy khi đi KCB BHYT.
Phân công cán bộ tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn tại các điểm thu BHYT, các khu dân cư về tiện ích của việc sử dụng dịch vụ công “Gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình tích hợp giảm trừ mức đóng”, đồng thời ngành BHXH kịp thời đưa ra giải pháp để tích hợp dịch vụ công này vào ứng dụng VssID- BHXH số để giản tiện cho người tham gia BHYT.
Đặc biệt, xác định công tác truyền thông phải đi đầu và xuyên suốt, cơ quan BHXH sẽ tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, trong đó tập trung truyền thông về tiện ích dịch vụ công “Đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí” và “Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi” trên Cổng dịch vụ công quốc gia theo Đề án 06./.