Thúc đẩy thương mại qua các cửa khẩu biên giới Việt Nam - Trung Quốc

(BKTO) - Bộ Công Thương đề ra nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa các địa phương của Việt Nam với các địa phương của Trung Quốc có chung đường biên giới.

Bộ Công Thương vừa tổ chức Hội nghị Thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại các tỉnh biên giới phía Bắc với Trung Quốc theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, ngày 09/12.

ct.jpg
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: BCT

Hội nghị nhằm đánh giá tình hình, nguyên nhân, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương vùng biên giới và đánh giá tình hình triển khai hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa các địa phương của Việt Nam với các địa phương của Trung Quốc có chung đường biên giới.

Trung Quốc và Việt Nam có chung đường biên giới trên bộ, trên biển và đường thủy. Chiều dài biên giới đường bộ lên tới gần 400 km, đi qua địa phận của 7 tỉnh phía Bắc của Việt Nam (gồm Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Lạng Sơn, Quảng Ninh). Đặc điểm này đã mang lại cho hai nước có lợi thế để phát triển kinh tế, nhất là kinh tế thương mại khu vực biên giới, cửa khẩu.

Trong nhiều năm vừa qua, Trung Quốc là một đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam và Trung Quốc chiếm 1/4 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc với thế giới và là đối tác lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN - Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên cho biết.

Sau chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc từ cuối năm 2022 đến nay, đã có rất nhiều sự thay đổi trong quan hệ chính trị, ngoại giao giữa hai nước. Các hoạt động về kinh tế, thương mại, trong đó có thương mại biên giới đã sôi động trở lại…

Một số cửa khẩu đã ứng dụng công nghệ, giúp thúc đẩy tần suất thông quan và hoạt động thương mại biên giới tốt hơn. Các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương truyền thống giữa các tỉnh biên giới của Việt Nam với Trung Quốc được khôi phục với nhiều hình thức đa dạng.

Kinh tế - xã hội của các địa phương vùng biên cũng có nhiều khởi sắc. Một số dự án đầu tư đã được triển khai ở khu vực biên giới, bao gồm cả đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, trao đổi thương mại vùng biên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, chưa khai thác hết năng lực hạ tầng cửa khẩu; xuất khẩu nông thủy sản chủ yếu vẫn là tiểu ngạch, số lượng, chất lượng, giá cả đều thiếu ổn định; việc nâng cấp, mở mới các cặp cửa khẩu chưa theo kịp nhu cầu thương mại; việc ứng dụng công nghệ mới trong quản lý hoạt động của các cửa khẩu cũng mới chỉ mang tính thí điểm, chưa phổ biến…

Tại Hội nghị, đại diện 7 địa phương biên giới phía Bắc với Trung Quốc đã chia sẻ những kết quả đạt được về tình hình thương mại, đầu tư ở khu vực vùng biên; cũng như nêu ra những tồn tại, hạn chế, đề xuất giải pháp nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại.

Đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính); các Cục, Vụ thuộc Bộ Công Thương cũng giải đáp những kiến nghị liên quan đến vấn đề mở, nâng cấp, công nhận cửa khẩu; kiểm dịch động thực vật tại các cửa khẩu đường mòn, lối mở; mở cửa thị trường nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc…

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt chủ trương của lãnh đạo hai nước về hợp tác toàn diện, hiệu quả, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, kinh tế thương mại biên giới.

Cần khẩn trương đánh giá, tổng kết việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại với Trung Quốc nói chung, hợp tác kinh tế - thương mại khu vực biên giới nói riêng để tìm ra nguyên nhân, giải pháp thiết thực, tích cực và khả thi.

Các Bộ, ngành cần tập trung rà soát để sửa đổi hoặc đề xuất sửa đổi các nghị định, thông tư, các cơ chế chính sách có liên quan và tăng cường giao thiệp với đơn vị đồng cấp nhằm tạo thuận lợi hóa thương mại, đầu tư giữa hai nước.

Các địa phương cần tập trung rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy hoạch tỉnh; kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch, kế hoạch đầu tư về hạ tầng kinh tế - xã hội vùng biên, nhất là hạ tầng kinh tế - thương mại biên giới, kể cả hạ tầng thương mại truyền thống và hạ tầng thương mại số.

Các tỉnh biên giới khẩn trương rà soát, quy hoạch lại vùng trồng, vùng nuôi và tổ chức lại sản xuất, chế biến theo Đề án xuất khẩu chính ngạch; đẩy mạnh xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, chú trọng phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, tăng cường giao thương để doanh nghiệp hai nước có điều kiện tìm hiểu cơ hội hợp tác thương mại đầu tư ở khu vực biên giới.

Các tỉnh Quảng Tây và Vân Nam của Trung Quốc đều là thị trường truyền thống, đóng vai trò rất quan trọng không chỉ với 07 tỉnh biên giới phía Bắc mà đối với tổng thể quan hệ hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc.

Theo thống kê của Việt Nam, 10 tháng năm 2023, kim ngạch thương mại qua các cửa khẩu biên giới đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt 34,57 tỷ USD, tăng 87,3% so với cùng kỳ 2022.

Cùng chuyên mục
Thúc đẩy thương mại qua các cửa khẩu biên giới Việt Nam - Trung Quốc