BHXH Việt Nam xây dựng dự toán thu, chi bảo hiểm, gửi Bộ Tài chính trước ngày 20/7 hằng năm

(BKTO) - Đó là một trong những nội dung được Bộ Tài chính nêu tại dự thảo nghị định quy định cơ chế quản lý tài chính về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT) và chi phí quản lý BHXH, BHTN, BHYT.

bh1012.jpg
Bộ Tài chính đề xuất cơ chế quản lý tài chính về BHXH, BHTN, BHYT. Ảnh: TS

Nghị định quy định rõ nguồn tài chính, gồm: Quỹ BHXH, gồm khoản kinh phí ngân sách nhà nước cấp hằng năm để chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH cho người thụ hưởng thuộc đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo; quỹ BHTN; quỹ BHYT; các nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Về lập dự toán, phân bổ và giao dự toán thu, chi, quy trình và trình tự thời gian lập dự toán: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an lập dự toán thu, chi chế độ BHXH, BHTN, BHYT, dự toán chi phí quản lý BHXH, BHTN, BHYT thuộc phạm vi quản lý.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lập dự toán chi chế độ BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, dự toán chi phí quản lý BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp gửi BHXH Việt Nam trước ngày 30/6 hằng năm.

BHXH Việt Nam xây dựng dự toán thu, chi chế độ BHXH, BHTN, BHYT, dự toán chi phí quản lý BHXH, BHTN, BHYT thuộc phạm vi quản lý và tổng hợp dự toán thu, chi của các cơ quan, đơn vị liên quan, trình Hội đồng quản lý BHXH thông qua, gửi Bộ Tài chính trước ngày 20/7 hằng năm.

Đối với dự toán chi lương hưu, trợ cấp BHXH cho người thụ hưởng thuộc đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo, Bộ Tài chính tổng hợp vào dự toán chi ngân sách nhà nước, trình cấp thẩm quyền quyết định theo quy định.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ quyết định giao dự toán thu, chi cho BHXH Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trước ngày 31/12 hằng năm. Trong đó, dự toán chi phí quản lý giao chi tiết thành hai phần: kinh phí thường xuyên giao tự chủ; kinh phí thường xuyên không giao tự chủ.

Dự thảo nghị định đang được xin ý kiến góp ý trước khi trình Chính phủ ký ban hành./.

Theo dự thảo, BHXH Việt Nam có trách nhiệm đảm bảo số dư trên tài khoản thanh toán tổng hợp để thực hiện chi trả các chế độ, chính sách BHXH, BHTN, BHYT, chi phí quản lý BHXH, BHTN, BHYT, chi thực hiện đầu tư tài chính và các khoản chi khác theo quy định.

Ngoài việc đảm bảo số dư theo quy định trên, BHXH Việt Nam có trách nhiệm bảo đảm thanh khoản trên tài khoản thanh toán tổng hợp với mức tối đa là 1,1 tháng của tổng dự toán chi các chế độ BHXH (gồm dự toán chi từ nguồn ngân sách nhà nước), BHTN, BHYT được giao hằng năm. Số dư trên tài khoản thanh toán tổng hợp trong thời gian tạm thời nhàn rỗi, được gửi tiền kỳ hạn 01 tháng theo phương thức chuyển tiền tự động và được rút tại bất kỳ thời điểm nào phát sinh nhu cầu chi trả quyền lợi BHXH, BHTN, BHYT.

Trường hợp phát sinh nhu cầu chi đột xuất được cấp có thẩm quyền quyết định mà mức bảo đảm thanh khoản quy định không đảm bảo nguồn để chi trả, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam xem xét, quyết định số tiền bảo đảm thanh khoản cao hơn để đảm bảo nguồn chi trả đầy đủ, kịp thời nhu cầu chi theo quy định…

Cùng chuyên mục
BHXH Việt Nam xây dựng dự toán thu, chi bảo hiểm, gửi Bộ Tài chính trước ngày 20/7 hằng năm