Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa, triển vọng của Hiệp định EVFTA đối với Việt Nam?
Năm 2019 là năm đặc biệt, khi từ ngày 01/01, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực và chỉ 6 tháng sau, vào ngày 30/6, Hiệp định tự do thương mại Việt Nam- EU (EVFTA) được ký kết. Đây có thể được coi là niềm vui “song hỷ” của Việt Nam. Như vậy, việc ký kết Hiệp định CPTPP và EVFTA là hành trình chinh phục Đại Tây Dương và Thái Bình Dương của Việt Nam, cộng đồng DN đánh giá rất cao nỗ lực của Chính phủ và các đoàn đàm phán trong tiến trình này. Đây là hiệp định tốt nhất với tự do cao nhất và công bằng nhất.
Hành trình tiến tới ký kết Hiệp định EVFTA. Nguồn: VNE |
Trong nội dung các hiệp định, nhấn mạnh đến việc ngoài nguyên tắc tự do và công bằng, chúng ta còn có tầm nhìn chung về phát triển bền vững, đây là mẫu số để DN EU- Việt Nam hợp tác với nhau. Hiện nay, Việt Nam hướng đến việc thu hút FDI thế hệ mới có trách nhiệm hơn, có công nghệ cao hơn, có giá trị gia tăng lớn hơn, thân thiện với môi trường hơn, cam kết, gắn kết với cộng đồng trong nước lớn hơn. Hiệp định này sẽ là nền tảng để các DN EU thực hiệp hợp tác theo công thức như vừa nêu với DN Việt Nam.
Đại diện cho tiếng nói của cộng đồng DN Việt Nam, ông nhận thấy cơ hội phát triển của các DN, nhất là các SME, trong EVFTA như thế nào, thưa ông?
Cộng đồng DN Việt Nam vui mừng khi thấy rằng trong khuôn khổ hợp tác EVFTA này, các DN nhỏ và vừa (SME) là chủ thể, đối tượng ưu tiên, không chỉ Việt Nam mà cả EU, khi 98% DN của hai bên là SME. Việc đặt SME là chủ thể, đặt con người ở vị trí trung tâm, đặt yêu cầu môi trường phải được chung ta gìn giữ, yêu cầu phát triển phải sáng tạo bao trùm, chúng ta cũng đặt thương mại phải tự do công bằng, và phát triển bền vững là đích đến. Đây chính là những điểm tương đồng để thực hiện thành công Hiệp định này. Mặc dù giữa Việt Nam và EU đang có sự khác biệt về trình độ phát triển, tuy nhiên, nếu có cùng một tầm nhìn, một con đường, một mục tiêu hướng tới thì EU và Việt Nam có thể bắt tay nhau và thành công.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Ảnh: TTXVN |
Ngoài ra, một số DN da giày của Việt Nam hiện nay cũng đã không còn làm ở các công đoạn mang lại giá trị gia tăng thấp như làm theo đơn đặt hàng, mà còn thiết kế mẫu mã, sau đó, giới thiệu mẫu mã với các các DN, chuỗi giá trị của EU. Đã có những đơn hàng được tạo ra từ chính các mẫu mã, thiết kế đó. Bằng cách này, cả Việt Nam và EU đều được hưởng lợi. Bằng cách này mối quan hệ hợp tác giữa DN Việt Nam và EU mới được hợp tác một cách bền vững. Cộng đồng DN mong mỏi sẽ có những mô hình tốt nhất trong hợp tác giữa các DN công nghệ cao của EU và Việt Nam trong thời gian tới…
Khi DN EU hợp tác thành công với DN Việt Nam, cùng với DN Việt Nam phát triển trong khuôn khổ EVFTA thì EU sẽ thuyết phục được cả thế giới. Bởi, điều quan trọng hiện nay, đó là làm sao để các nền kinh tế đang phát triển có thể thu hút được công nghệ cao, các DN FDI có thể bắt rễ sâu vào nền kinh tế đang phát triển và cùng phát triển. Các DN Việt Nam cũng mong muốn điều này.
Cơ hội cho các DN trong EVFTA là rất lớn, tuy nhiên, các thách thức cũng rất nhiều. Từ góc nhìn của các DN, những thách thức đó cụ thể là gì, thưa ông?
Với EVFTA, đương nhiên chúng ta có điều kiện xâm nhập thuận lợi hơn vào thị trường EU, nhưng các DN EU cũng thâm nhập thuận lợi hơn vào thị trường Việt Nam. Như vậy, hàng hóa châu Âu và thế giới sẽ cạnh tranh “ngay trước cửa nhà mình” nhưng sẽ không quá nghiêm trọng bởi tôi tin vào nội lực của DN Việt Nam. Việt Nam đã mở cửa thị trường cho hàng hóa của nhiều quốc gia khác như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia, New Zealand… nên việc mở cửa cho DN EU cũng tương tự như vậy. Đối với một số sản phẩm mà DN Việt Nam có lợi thế thì đoàn đàm phán đã thành công trong việc cam kết thực hiện theo lộ trình 3 năm, 7 năm, thậm chí 10 năm, có tính đến sự vươn lên của DN Việt Nam. Hơn nữa, có rất nhiều sản phẩm của EU không cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm của Việt Nam.
Cam kết về thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và EU trong EVFTA. |
Do đó, các DN Việt Nam cần được tạo thuận lợi về mặt chính sách, cần sự hợp tác của EU thông qua các chương trình hỗ trợ kỹ thuật để giúp DN Việt Nam đạt được các yêu cầu đặt ra. Hiệp định cũng kèm theo những điều kiện rất gắt gao về lao động và môi trường, do đó các DN Việt Nam phải đầu tư chi phí tuân thủ rất lớn. Đây cũng là một khó khăn. Vì thế, Chính phủ cần phải có chính sách hỗ trợ DN đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cấp quy trình sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực.
DN Việt Nam phải hiểu được các cam kết, cơ cấu lại thị trường, cơ cấu lại đối tác, đổi mới công nghệ, hoàn thiện quy trình sản xuất. Tóm lại, DN phải hiểu về EVFTA để vận dụng thành công, đây cũng là một thách thức không nhỏ…
HỒNG THOAN (ghi)