Thước đo hiệu quả phòng, chống tham nhũng

TS. NGUYỄN MINH PHONG | 20/04/2023 11:12

Liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng năm 2022, theo Thanh tra Chính phủ, tổng số phải thi hành là 3.973 việc, tương ứng với 89.609,972 tỷ đồng; trong đó, số có điều kiện thi hành là 2.739 việc, tương ứng với 43.593,296 tỷ đồng; đã thi hành xong 1.895 việc, tương ứng với 15.989,592 tỷ đồng (tăng hơn 11.895 tỷ đồng, tương đương tăng 290,51% về tiền so với năm 2021).

fxrku7we0szqrosophong-chong-tham-nhung-1512377424894_xwsq_thumb.jpg
Thu hồi tài sản tham nhũng là mệnh lệnh và nhiệm vụ chính trị, kinh tế và xã hội của các cơ quan chức năng. Ảnh minh họa

Liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng năm 2022, theo Thanh tra Chính phủ, tổng số phải thi hành là 3.973 việc, tương ứng với 89.609,972 tỷ đồng; trong đó, số có điều kiện thi hành là 2.739 việc, tương ứng với 43.593,296 tỷ đồng; đã thi hành xong 1.895 việc, tương ứng với 15.989,592 tỷ đồng (tăng hơn 11.895 tỷ đồng, tương đương tăng 290,51% về tiền so với năm 2021).

Nếu trước năm 2013, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trung bình chỉ đạt khoảng 10% trên tổng số phải thu hồi, thì đến giai đoạn 2013-2020, kết quả bình quân đã đạt hơn 26%. Tính cả giai đoạn 10 năm (2012-2022) đã thu hồi 61.000 tỷ đồng, đạt 34,7%, trong đó riêng trong các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi có gần 50.000 tỷ đồng được thu hồi, cũng chỉ đạt 41,3%.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do vụ án chậm bị phát hiện, số tiền thu hồi rất lớn, thời gian giải quyết các vụ việc dài, tài sản đã bị tẩu tán, che giấu hoặc tình trạng pháp lý của tài sản chưa rõ ràng, người phải thi hành án không có tài sản hoặc tài sản bảo đảm giá trị thấp; vướng mắc về cơ chế, thể chế trong việc xử lý tài sản, làm ảnh hưởng tới quá trình thi hành án...

Theo khoản 3, Điều 4 Luật Phòng, chống tham nhũng: “Tài sản tham nhũng phải được thu hồi, tịch thu; người có hành vi tham nhũng gây thiệt hại thì phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật” và Điều 70: “Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phải áp dụng các biện pháp cần thiết để thu hồi, tịch thu tài sản tham nhũng; tài sản tham nhũng phải được trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc sung quỹ nhà nước”...

Đặc biệt, Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế” đã yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện nghiêm túc 7 nhiệm vụ, giải pháp nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác này, trong đó có nhấn mạnh: “Nghiên cứu rà soát, sửa đổi, bổ sung pháp luật về thanh tra, kiểm toán, tố tụng hình sự, thi hành án dân sự và các quy định pháp luật liên quan theo hướng bổ sung cho thanh tra viên, kiểm toán viên thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn việc tẩu tán tài sản khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, kinh tế.

Thực tế cho thấy, để nâng cao tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, một mặt, cần tăng năng lực phát hiện nhanh và lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng; chú trọng xác minh, áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản của các đối tượng phạm tội tham nhũng ngay từ giai đoạn điều tra, không để tẩu tán, rửa tiền, hợp pháp hóa tài sản tham nhũng; tăng thẩm quyền pháp lý thực tế cho các cơ quan trước và sau khi ban hành các kết luận kiểm toán và các kết luận thanh tra. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, người tiến hành tố tụng, chấp hành viên trong việc áp dụng các biện pháp điều tra để truy nguyên tài sản phạm tội, phong tỏa, kê biên và bán đấu giá tài sản là tang vật của vụ án.

Mặt khác, cần kiện toàn, củng cố đội ngũ cán bộ, cơ quan thi hành án dân sự, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, phẩm chất và năng lực đội ngũ cán bộ này, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm liên quan đến công tác thu hồi tài sản, nhất là việc thẩm định giá, bán đấu giá tài sản trong thi hành án; xác định rõ trách nhiệm của từng chủ thể trong việc truy nguyên, truy tìm, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản ngay từ giai đoạn thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử”; làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc chậm thi hành một số bản án có điều kiện thi hành, việc tổ chức bán đấu giá nhiều tài sản bị mất giá so với thị trường.

Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế xử lý hình sự đối với hành vi làm giàu bất hợp pháp và thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội phù hợp với thực tiễn Việt Nam; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác thu hồi tài sản, nhất là việc kê biên, phong tỏa, tạm giữ phục vụ cho việc tổ chức thi hành, thu hồi tối đa tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế; sớm xây dựng Luật Đăng ký tài sản và Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; công khai rộng rãi và xử lý nghiêm khắc sự thiếu trung thực, trách nhiệm trong kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức; đẩy mạnh giao dịch không dùng tiền mặt trong xã hội và có cơ chế khuyến khích người phạm tội chủ động tự nguyện giao nộp tài sản, khắc phục hậu quả tham nhũng; tăng cường hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự, tiếp nhận xử lý yêu cầu tương trợ tư pháp hình sự trong xác minh, phong tỏa, thu giữ, chuyển giao tài sản tham nhũng có nguồn gốc từ Việt Nam ở nước ngoài về cho Nhà nước Việt Nam.

Thu hồi tài sản tham nhũng là mệnh lệnh và nhiệm vụ chính trị, kinh tế và xã hội của các cơ quan chức năng. Đây cũng là yêu cầu bức thiết của nhân dân và phải trở thành thước đo hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng, là bước tiếp theo tất yếu phải làm tốt trên hành trình hoàn thiện và nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả thể chế, để tạo sức răn đe nghiêm khắc theo tinh thần: Không chỉ “không dám, không thể, không cần” tham nhũng, mà còn “không được phép thụ hưởng” tài sản có được từ tham nhũng, giúp triệt tiêu động lực tham nhũng.../.

Cùng chuyên mục
  • Thông điệp từ tăng trưởng kinh tế quý I/2023
    một năm trước Góc nhìn
    Những kết quả về kinh tế quý I/2023 cho thấy mặt trái bất cập và rủi ro khi nền kinh tế vĩ mô và vi mô có sự phụ thuộc cao vào một số ngành, một số thị trường và một vài đối tác, tập đoàn kinh tế và cả dòng vốn đầu tư nước ngoài trong một thế giới ngày càng nhiều bất định, khó lường hơn.
  • Hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó năm 2023
    một năm trước Góc nhìn
    năm 2023, Việt Nam tiếp tục chịu sức ép lạm phát tiền tệ, lạm phát chi phí đẩy và lạm phát ngoại nhập cao. Trong bối cảnh đó, Quốc hội và Chính phủ đã chủ động kịp thời ban hành nhiều nghị quyết và biện pháp hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp.
  • Nghịch lý kinh tế quý I/2023
    một năm trước Góc nhìn
    Cuối tháng 3/2023, thị trường chứng khoán đã chính thức công bố hệ thống số liệu kinh tế vĩ mô quý I/2023. Theo đó, tình hình kinh tế quý I/2023 là đáng lo ngại với nhiều chỉ tiêu quan trọng tăng thấp, thậm chí bất ngờ sụt giảm mạnh.
  • Thông điệp “Nhà ở phải có người ở”…!
    một năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - “Nhà ở phải có người ở” là thông điệp mới mang tính nguyên tắc theo tinh thần của Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
  • Đảo chiều chính sách
    một năm trước Góc nhìn
    Đón đầu chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), ngay từ ngày 15/3/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chủ động giảm 0,5-1% tất cả lãi suất điều hành ngoại trừ lãi suất tái cấp vốn khi áp lực lên tỷ giá hối đoái đã giảm và lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát.
Thước đo hiệu quả phòng, chống tham nhũng