Thương hiệu quốc gia Việt Nam phát triển bền vững trong hội nhập quốc tế

(BKTO) - Mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam không ngừng được cải thiện, đi ngược với xu hướng sụt giảm trên toàn cầu. Để thúc đẩy hơn nữa giá trị thương hiệu Việt, trong vai trò cơ quan quản lý Chương trình Thương hiệu quốc gia, Bộ Công Thương đã và đang tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng DN xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, hỗ trợ các DN “nâng tầm vị thế, chắp cánh bay xa”.



                
   

Quang cảnh khai mạc Tuần lễ Thương hiệu quốc gia năm 2022. Ảnh: VOV

   

Nâng tầm giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam

Chuyển tải thông điệp tới cộng đồng doanh nhân, DN Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, ngày Thương hiệu Việt Nam 20/4 năm nay diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tình hình địa chính trị bất ổn trên thế giới, tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội, đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN. Mặc dù vậy, bằng bản lĩnh, trí tuệ, tư duy sáng tạo và tinh thần chủ động, trách nhiệm đối với đất nước, cộng đồng DN Việt Nam đã không lùi bước trước khó khăn, thách thức, nỗ lực hành động để phục hồi và phát triển, góp phần nâng cao giá trị hình ảnh quốc gia Việt Nam trên trường quốc tế, ghi tên Việt Nam vào nhóm các nước có thương hiệu mạnh.

Kết quả ghi nhận rõ nhất được thể hiện qua con số năm 2021, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam tiếp tục tăng 21,6% so với năm 2020, từ 319 tỷ USD lên 388 tỷ USD, duy trì thứ hạng 33 thế giới. Theo đánh giá của Brand Finance - Tổ chức định giá thương hiệu hàng đầu thế giới - giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đi ngược với xu hướng sụt giảm trên toàn cầu.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải - Phó Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam - đây là bệ phóng rất lớn để tăng hạng cho sức cạnh tranh của DN Việt Nam trên bảng xếp hạng thế giới. Nhờ sự tăng hạng vượt bậc về giá trị thương hiệu quốc gia, cùng với những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam khẳng định được uy tín và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, đồng thời thể hiện sự chủ động và tầm vóc của cộng đồng doanh nhân, DN Việt, nhất là các DN Thương hiệu quốc gia trong hội nhập quốc tế.

Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg ngày 25/11/2003, giao Bộ Công Thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các Bộ, ngành thực hiện. Đây là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn của Chính phủ nhằm xây dựng, phát triển Thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm được đánh giá dựa trên 03 trụ cột: Chất lượng - Đổi mới, sáng tạo - Năng lực tiên phong. Trải qua gần 20 năm, Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã đạt được những thành quả tích cực.

Thương hiệu quốc gia gắn liền với thương hiệu doanh nghiệp

Minh chứng Chương trình Thương hiệu quốc gia đã hỗ trợ, tạo động lực cho nhiều DN Việt nhận rõ tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển thương hiệu DN, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải ví von, thương hiệu như chìa khóa giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm, giá trị DN, giúp DN gây được tiếng vang trên thị trường khu vực và thế giới. Đặc biệt, số lượng và chất lượng đóng góp của các DN đạt Thương hiệu quốc gia ngày càng lớn.

Trong Top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam, tỷ lệ DN đạt Thương hiệu quốc gia không ngừng tăng qua từng năm, từ 28% năm 2018 lên 34% năm 2021. Đặc biệt, trong Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam, tỷ lệ DN đạt Thương hiệu quốc gia đã tăng từ 20% năm 2018 lên 60% năm 2021. Bên cạnh số lượng, tỷ trọng gia tăng về giá trị của các DN Thương hiệu quốc gia trong Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam cũng tăng đáng kể, từ 21,9% năm 2018 lên gần 68% năm 2021.
                
   

Vinamilk là một trong những DN đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam. Ảnh: TTXVN

   

Đồng cảm với những khó khăn, thách thức mà các DN đã và đang tiếp tục phải ứng phó, khắc phục sau 02 năm bị đứt gãy do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên bày tỏ mong muốn cộng đồng DN Việt Nam, nhất là các DN Thương hiệu quốc gia tiếp tục phát huy vai trò tiên phong, đổi mới sáng tạo, làm động lực quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã chính thức bình thường hóa các hoạt động kinh tế, hướng tới phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ.

Đồng quan điểm với Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải rằng giá trị Thương hiệu quốc gia và giá trị của các thương hiệu DN có mối tương quan mật thiết, PGS.Nguyễn Quốc Thịnh - thành viên Ban chuyên gia Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam - cũng nhấn mạnh, Thương hiệu quốc gia không chỉ là một logo, một danh xưng mà là thương hiệu bảo chứng - thương hiệu ẩn chứa sức mạnh bảo trợ cho sự phát triển của thương hiệu, chất lượng sản phẩm của DN, giúp gây dựng lòng tin của người tiêu dùng với DN.

Theo các chuyên gia, Thương hiệu quốc gia như bệ đỡ cho DN trong giai đoạn khó khăn vừa qua, tuy nhiên, việc xây dựng, phát triển thương hiệu ngày càng vững chắc phải có nguồn lực tự thân của chính các DN. Đại diện một DN lương thực cho biết, trong 02 năm qua, dịch Covid-19 ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh, tìm kiếm khách hàng của DN, tuy nhiên, những sản phẩm của DN đạt Thương hiệu quốc gia luôn được đối tác tin tưởng, ký hợp đồng. Thương hiệu quốc gia đã tạo động lực cho DN đầu tư hoàn thiện hơn nữa sản phẩm để tăng sức cạnh tranh của DN trên thị trường./.
PHÚC KHANG

Cùng chuyên mục
Thương hiệu quốc gia Việt Nam phát triển bền vững trong hội nhập quốc tế