Thụy Sĩ điều tra vụ thâu tóm Credit Suisse

(BKTO) - Cơ quan công tố có trụ sở tại thủ đô Bern của Thụy Sĩ đang xem xét khả năng vi phạm luật hình sự của các quan chức chính phủ, cơ quan quản lý và lãnh đạo ở cả hai ngân hàng UBS và Credit Suisse.

usb-cnn.jpg
Cuộc điều tra sẽ xem xét khả năng vi phạm luật hình sự của các quan chức chính phủ, cơ quan quản lý và lãnh đạo ở cả hai ngân hàng - Nguồn: CNN

Xem xét các khả năng vi phạm luật 

Cơ quan Công tố liên bang Thụy Sĩ đã mở cuộc điều tra về thương vụ tập đoàn UBS mua lại ngân hàng Credit Suisse với sự hậu thuẫn của nhà nước. Tháng trước, UBS đã khẩn cấp mua lại Credit Suisse nhằm tránh nguy cơ khủng hoảng trong hệ thống tài chính của Thụy Sĩ.

Theo Văn phòng Tổng chưởng lý Thụy Sĩ, cơ quan công tố có trụ sở tại thủ đô Bern đang xem xét khả năng vi phạm luật hình sự của các quan chức chính phủ, cơ quan quản lý và lãnh đạo ở cả hai ngân hàng trong quá trình này.

Trong một tuyên bố, cơ quan này cho biết có “nhiều khía cạnh trong các sự kiện liên quan Credit Suisse” cần được điều tra và phân tích “để xác định bất kỳ hành vi phạm tội nào có thể xảy ra thuộc thẩm quyền của cơ quan công tố.”

Cơ quan này nêu rõ: “Văn phòng Tổng chưởng lý muốn chủ động hoàn thành nhiệm vụ và trách nhiệm trong việc xây dựng trung tâm tài chính Thụy Sĩ trong sạch và đã thiết lập một hệ thống giám sát để có thể hành động ngay lập tức đối với bất kỳ vấn đề nào thuộc phạm vi trách nhiệm của mình.”

Cơ quan Công tố liên bang Thụy Sĩ không nêu cụ thể những khía cạnh nào của thỏa thuận mua lại cần phải xem xét hoặc cuộc điều tra sẽ kéo dài bao lâu. Cả UBS và Credit Suisse đều từ chối bình luận khi được hỏi về vấn đề này.

Ông Mark Pieth, Giáo sư danh dự giảng dạy về luật hình sự và tội phạm học tại trường Đại học Basel (Thụy Sĩ), cho rằng việc cơ quan công tố liên bang lên tiếng là “đáng ngạc nhiên,” nhưng thương vụ giải cứu cũng không bình thường.

Cá nhân ông Pieth cho rằng cơ quan công tố có thể đang điều tra hành vi vi phạm điều khoản bảo mật của các quan chức hoặc giao dịch sử dụng các thông tin nội bộ. Ông cũng lưu ý rằng việc xóa sổ một số chủ trái phiếu theo thỏa thuận sáp nhập cũng là vấn đề cần xem xét.

Công chúng và giới chính trị gia Thụy Sĩ đã bày tỏ quan ngại về mức độ can thiệp của nhà nước trong thương vụ này, khi Chính phủ và Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ sẵn sàng "bơm" gần 260 tỷ franc Thụy Sĩ (hơn 280 tỷ USD) để hỗ trợ UBS tiếp quản Credit Suisse.

Theo kết quả một cuộc khảo sát, có tới 50% số các nhà kinh tế Thụy Sĩ được hỏi cho rằng việc để UBS tiếp quản Credit Suisse không phải là giải pháp tốt nhất, đồng thời cảnh báo sự việc này đã làm "sứt mẻ" danh tiếng của Thụy Sĩ với tư cách là một trung tâm tài chính.

Cắt giảm 25.000-36.000 việc làm sau sáp nhập

sa-thai.jpg
Dự kiến có khoảng 25.000-36.000 việc làm bị cắt giảm sau khi 2 ngân hàng sáp nhập - Ảnh minh họa

Tuần báo SonntagsZeitung của Thụy Sĩ ngày 2/4 đưa tin việc sáp nhập giữa ngân hàng UBS và Credit Suisse có thể khiến 36.000 việc làm "bốc hơi" trên toàn thế giới.

Báo trên dẫn các nguồn tin nội bộ giấu tên cho biết ban quản lý đang cân nhắc cắt giảm khoảng 20-30% lực lượng lao động, tương đương khoảng 25.000-36.000 việc làm.

Theo SonntagsZeitung, riêng tại Thụy Sĩ, có tới 11.000 người có thể bị mất việc làm. Trước khi hai ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ nói trên sáp nhập, UBS tuyển dụng khoảng 72.000 người, trong khi Credit Suisse tuyển dụng khoảng 50.000 người.

Trước đó, UBS đã thông báo sẽ đưa cựu Giám đốc điều hành Sergio Ermotti trở lại để giải quyết những thách thức sau khi ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ này mua lại đối thủ trong nước đang gặp khó khăn Credit Suisse. Ông Ermotti, từng là Giám đốc điều hành UBS giai đoạn 2011-2020, được ghi nhận là người đã khôi phục danh tiếng của UBS nhờ các gói cứu trợ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Tuy được thiết kế nhằm mục tiêu góp phần đảm bảo ổn định tài chính trên toàn cầu trong giai đoạn hỗn loạn của lĩnh vực ngân hàng, nhưng thương vụ UBS thâu tóm Credit Suisse cũng làm dấy lên lo ngại về quy mô của ngân hàng mới được sáp nhập, với tổng tài sản lên tới 1.600 tỷ USD và 120.000 nhân viên toàn cầu.

UBS và Credit Suisse đều nằm trong số 30 ngân hàng trên thế giới "quá lớn để sụp đổ," do đó được coi là những Ngân hàng Quan trọng trong hệ thống toàn cầu (GSIB).

Các ngân hàng này được xếp hạng theo mức độ quan trọng trong hệ thống tài chính toàn cầu và phải tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt hơn, như mức vốn dự phòng để ứng phó khi xảy ra khủng hoảng. Như hiện nay, các quy định nghiêm ngặt nhất đang được áp dụng đối với ngân hàng có vốn hóa lớn nhất thế giới JPMorgan Chase của Mỹ.

Sau vụ sáp nhập trên UBS sẽ có thể tăng thứ hạng trong GSIB. Do đó, cơ quan chức năng Thụy Sĩ sẽ phải nghiên cứu cách quản lý một ngân hàng lớn hơn, với những nguy cơ mang tính hệ thống cao hơn.

Cùng chuyên mục
  • Cảnh báo gian lận trong chi tiêu công tại Anh
    một năm trước Tài chính
    (BKTO) - Văn phòng Kiểm toán nhà nước Anh (NAO), ngày 30/3 cho biết chính phủ nước này đã mất hàng chục tỷ bảng Anh do gian lận trong những năm gần đây và phần lớn các tổ chức công không nắm được mức độ nghiêm trọng của tình trạng này.
  • Khơi thông vốn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp
    một năm trước Tài chính
    (BKTO) - Sau giai đoạn tăng trưởng nóng với nhiều sai phạm được phát hiện, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) gần như đóng băng, niềm tin của nhà đầu tư giảm sút. Theo giới chuyên gia, để khơi thông vốn cho thị trường này, cần có các biện pháp dài hạn, vĩ mô để khắc phục các điểm yếu về hành lang pháp lý và quy chế quản lý thị trường…
  • Thu ngân sách quý I tăng 1,3% so với cùng kỳ
    một năm trước Tài chính
    (BKTO) – Chiều 30/3, Bộ Tài chính tổ chức Họp báo thường kỳ quý I/2023. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi chủ trì buổi Họp báo.
  • Nhật Bản duyệt chi 17 tỷ USD chống lạm phát
    một năm trước Tài chính
    (BKTO) - Trong phiên họp Nội các ngày 28/3, Chính phủ Nhật Bản đã duyệt chi 2.222,6 tỷ yen (khoảng 17 tỷ USD) từ quỹ dự phòng trong ngân sách tài khóa 2022 để thực hiện các biện pháp nhằm giảm bớt tác động tiêu cực của lạm phát tới các hộ gia đình ở nước này.
  • Ngành tài chính đã khơi thông huyết mạch của nền kinh tế
    một năm trước Tài chính
    (BKTO) - Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, ngành tài chính đã thực sự khơi thông huyết mạch của nền kinh tế, thúc đẩy, mở đường cho sự phát triển kinh tế nhanh, bền vững.
Thụy Sĩ điều tra vụ thâu tóm Credit Suisse