Tích cực hỗ trợ phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo

(BKTO) - Sau 5 năm triển khai Quyết định số 964/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015-2020 đã đem lại những kết quả tích cực về sản xuất, phân phối và tiêu dùng trên các địa bàn còn nhiều khó khăn.



                
   

Nhiều sản phẩm của khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa đã vươn ra thị trường trong nước và quốc tế. Ảnh: TTXVN

   

Đó là thông tin được nhấn mạnh tại Diễn đàn kinh tế “Kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo năm 2022” do Bộ Công Thương vừa chủ trì tổ chức.

Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá, Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo không chỉ kết nối và thu hút được các thương nhân, doanh nghiệp đầu tư, phát triển hoạt động thu mua, quảng bá sản phẩm hàng hóa nông, lâm, thủy sản của khu vực miền núi, hải đảo, mà còn góp phần hình thành những chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hiện đại, bền vững.

Tuy nhiên, những thách thức từ xung đột địa chính trị, từ dịch bệnh, biến đổi khí hậu ở cấp độ toàn cầu đã tác động đáng kể đến các chuỗi cung ứng, đòi hỏi phải có những quyết sách mạnh mẽ hơn.

Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã tiếp tục ký ban hành Quyết định 1162/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025 với những yêu cầu, nhiệm vụ cao hơn nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, ứng dụng thương mại điện tử, khuyến khích hàng hóa của khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo tham gia vững chắc hơn vào tiến trình hội nhập; tạo động lực phát triển hàng hóa của khu vực này vào hệ thống phân phối trong và ngoài nước.

Tại Diễn đàn, các doanh nghiệp đã chia sẻ những kinh nghiệm xây dựng thương hiệu sản phẩm địa phương chinh phục thị trường trong và ngoài nước. Một số nhà phân phối lớn cũng chỉ ra những vướng mắc trong quá trình doanh nghiệp miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đưa hàng hóa đặc sản của Việt Nam xuất khẩu qua sàn thương mại điện tử toàn cầu.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn đều cho rằng, Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025 có nhiều điểm mới, với những nội dung, yêu cầu cao hơn so với giai đoạn trước.

Nhân dịp này, các đại biểu đã cùng trao đổi, đóng góp nhiều ý kiến và đề xuất giải pháp thực hiện tốt Chương trình, nhất là việc huy động nguồn lực để hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; xây dựng thương hiệu đặc sản; kết nối tiêu thụ; thúc đẩy chuyển đổi số; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo qua sàn thương mại điện tử quốc tế…

Tổng kết Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách, hoàn thiện khung pháp lý nhằm khuyến khích phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa có thế mạnh của miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.

Đồng thời nghiên cứu xu hướng phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng đối với hàng hóa của khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực và kết nối thị trường cho thương nhân tham gia xuất khẩu hàng hóa của miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo qua biên giới.

Tại thị trường trong nước, Bộ Công Thương và các đơn vị thuộc Bộ sẽ phối hợp với các địa phương và hệ thống phân phối để tổ chức các hoạt động phân phối hàng hóa phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; kết nối đưa hàng hóa là lợi thế của khu vực này với các kênh phân phối trên thị trường cả nước./.
QUỲNH ANH
Cùng chuyên mục
Tích cực hỗ trợ phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo