Đánh giá trên được Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chia sẻ với Bộ trưởng Phát triển kinh tế, Thương mại quốc tế và Xúc tiến xuất khẩu Canada Mary Ng tại Kỳ họp lần thứ II của Ủy ban hỗn hợp về Kinh tế Việt Nam - Canada, ngày 27/3, tại Hà Nội.
Bộ trưởng Bộ Công Thương nêu rõ, trên cơ sở hai nền kinh tế có tính bổ sung chặt chẽ cho nhau, cùng những nền tảng khuôn khổ hợp tác mà hai bên đã và đang thiết lập, tiềm năng phát triển quan hệ giữa hai nước vẫn còn rất lớn.
Ủy ban hỗn hợp về Kinh tế Việt Nam - Canada được thành lập vào tháng 1/2022 và tổ chức Kỳ họp lần thứ nhất tại Canada vào tháng 7/2022 ngay sau khi các nước mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19. Kỳ họp lần thứ nhất đã tạo kênh đối thoại mới giữa hai Chính phủ nhằm làm sâu sắc hơn mối quan hệ Đối tác toàn diện, trong đó hợp tác kinh tế là một trụ cột quan trọng.
Đặc biệt, Ủy ban hỗn hợp về Kinh tế Việt Nam - Canada có vai trò quan trọng của trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, nông nghiệp, khoa học công nghệ… Đồng thời củng cố và tăng cường chuỗi cung ứng giữa hai nước, thông qua việc rà soát tình hình hợp tác, tháo gỡ các vướng mắc và xác định các giải pháp cũng như các nội dung công việc cần ưu tiên triển khai cho giai đoạn tiếp theo.
Tại kỳ họp, Bộ trưởng Phát triển kinh tế, Thương mại quốc tế và Xúc tiến xuất khẩu Canada Mary Ng đánh giá cao vị trí hàng đầu của Việt Nam trong Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPS) của Canada công bố hồi tháng 11/2022.
Trong chuyến công tác này, Bộ trưởng Mary Ng đã dẫn đầu Phái đoàn Thương mại Canada gồm gần 250 thành viên đến từ gần 200 doanh nghiệp sang Việt Nam từ ngày 26-29/3/2024 nhằm gia tăng kết nối các cơ hội thương mại, đầu tư, tăng cường chuỗi cung ứng với Việt Nam để cụ thể hóa các mục tiêu của Chiến lược IPS.
Tại Kỳ họp lần thứ II của Ủy ban hỗn hợp về Kinh tế Việt Nam - Canada, đại diện lãnh đạo hai bên cùng ghi nhận sự thành công khi thống nhất điều khoản tham chiếu của Ủy ban hỗn hợp với mục tiêu thuận lợi hóa thương mại, đầu tư và chuyển đổi năng lượng ứng phó biến đổi khí hậu.
Kỳ họp cũng đề cập đến nhiều nội dung quan trọng bao trùm các lĩnh vực thương mại, đầu tư, nông nghiệp, năng lượng, tài chính, hải quan, khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo, chính sách chuyển đổi năng lượng, cũng như các đề xuất của Việt Nam hướng tới mục tiêu thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 tại COP26.
Đặc biệt, tại Kỳ họp lần này còn có sự tham gia của khu vực tư nhân của hai nước, bao gồm Hội đồng Kinh doanh Canada, Hội đồng Kinh doanh ASEAN - Canada, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng một số doanh nghiệp thành viên. Các tổ chức này đã có những đề xuất để hai Chính phủ có những hoạt động và tạo điều kiện thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.
Kết thúc Kỳ họp, hai bên đã ký kết ra Tuyên bố chung của Kỳ họp với sự chứng kiến của các Bộ, ngành, hiệp hội và doanh nghiệp của hai bên./.