Phấn khởi, kì vọng và tin tưởng
Đó là cảm xúc của các thầy, cô giáo Trường THPT Trần Quang Khải (tỉnh Hưng Yên) khi hay tin về chính sách phụ cấp thâm niên cho nhà giáo được ban hành và áp dụng từ ngày 01/8/2021. Cô Hoàng Thị Huế (giáo viên Lịch sử) cho hay: Trước đây, khi nghe thông tin sẽ bãi bỏ phụ cấp thâm niên nhà giáo, hầu hết giáo viên đều có chút băn khoăn, lo lắng, thậm chí là hụt hẫng. Bởi phụ cấp thâm niên là nguồn động viên, khích lệ thiết thực đối với đội ngũ nhà giáo.
Cô Hoàng Thị Huế (bên phải ảnh) cùng đồng nghiệp. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Phụ cấp thâm niên nhà giáo mang ý nghĩa thiết thực cả về vật chất lẫn tinh thần Cô Hoàng Thị Huế chia sẻ, với nhà giáo, đặc biệt là những nhà giáo đã cống hiến phần lớn cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục, những khó khăn về vật chất, nhưng trăn trở trong nghề đều đã được các thầy, các cô vượt qua. Điều các thầy, cô mong chờ hơn qua những chính sách như thế này, đó chính là sự tin tưởng, tôn trọng và ghi nhận của Nhà nước, của ngành giáo dục đối với những cống hiến không biết mệt mỏi của nhà giáo đang ngày đêm vì sự nghiệp trồng người. |
Còn nhớ, thời điểm Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực (01/7/2020), nhiều nhà giáo bày tỏ băn khoăn, lo lắng trước quy định bỏ phụ cấp thâm niên. Sau đó, có địa phương ra quyết định tạm dừng chi trả phụ cấp này, khiến không ít giáo viên gặp thêm khó khăn.
Sự ra đời của Nghị định 77 sẽ tạo động lực cho giáo viên tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Ảnh: N.LỘC |
Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ thầy, cô giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có Công văn báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện phụ cấp thâm niên nhà giáo. Điều đó giúp giáo viên phần nào yên tâm, vì luôn nhận được sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo Bộ GD&ĐT. Bởi thế, khi Nghị định 77 được ban hành, giáo viên trên cả nước, cả xã hội đều hân hoan chào đón.
Cô Bùi Thị Thanh. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Tiếp sức cho giáo viên trong dịch bệnh Cô Bùi Thị Thanh (giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) chia sẻ, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của đội ngũ thầy, cô giáo; việc ban hành Nghị định 77 đã phần nào giúp đội ngũ nhà giáo vơi bớt khó khăn, ổn định cuộc sống trong mùa dịch. Dù nguồn tài chính hỗ trợ theo chính sách cho mỗi giáo viên không lớn, nhưng giá trị tinh thần và ý nghĩa chính sách lại lan tỏa sâu rộng, làm nức lòng thầy, cô giáo. |
Hàng chục năm gắn bó với giáo dục vùng cao, cô Cồ Thị Sợi (Trường Tiểu học Pa Cheo, xã Pa Cheo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) cho biết, vì nhiều lý do, trong đó phần lớn vì sự trăn trở, mong muốn cống hiến cho ngành giáo dục, mong muốn mang con chữ cho học sinh vùng cao, nhiều giáo viên đã gắn bó với mái trường vùng cao đến trọn đời nghề. Mọi khó khăn, giáo viên nơi đây đều đã trải hết. Tuy nhiên, sự hỗ trợ về chính sách dành cho nhà giáo nói chung, giáo viên vùng cao nói riêng luôn cần thiết. “Trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, sự hỗ trợ của Nhà nước dành giáo viên càng trở nên đáng quý, đáng trân trọng” - cô Sợi chia sẻ.
Kịp thời và cần thiết
Thực tế cho thấy, thu nhập của nhà giáo vẫn thấp so với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nói chung, vì thế nhà giáo vẫn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, đặc biệt khi về hưu.
Trao đổi về Nghị định 77, ông Vũ Minh Đức – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) chia sẻ: Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2020 đã bãi bỏ Luật Giáo dục 2005. Theo Luật Giáo dục năm 2019, chính sách tiền lương đối với nhà giáo không còn quy định về chế độ phụ cấp thâm niên.
Việc ban hành Nghị định 77 quy định chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo, nhằm tiếp tục thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo trong thời gian chưa thực hiện chính sách tiền lương mới. Đồng thời, thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước và Bộ GD&ĐT đối với đội ngũ thầy, cô giáo.
“Các quy định của Nghị định không làm phát sinh thêm đối tượng hưởng phụ cấp thâm niên theo quy định quy định trước. Đồng thời, bảo đảm tính toàn diện, khả thi, phù hợp với thực tiễn, thiết thực; tạo hành lang pháp lý để các địa phương thực hiện” - ông Vũ Minh Đức cho biết.
Cô Cồ Thị Sợi trong một buổi lên lớp cho học sinh. Ảnh: N.LỘC |
Trong khi chờ chính sách mới về tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Trung ương, PGS,TS. Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng: Việc Chính phủ ban hành Nghị định 77 là kịp thời và cần thiết, đáp ứng lòng mong mỏi của hơn 1 triệu giáo viên trên cả nước. Nghị định là hành lang pháp lý để các địa phương triển khai việc chi trả chế độ phụ cấp thâm niên cho đội ngũ nhà giáo; đồng thời thể hiện sự tri ân đối với những cống hiến thầm lặng của các thầy, cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục trong cả nước.
Như vậy, có thể thấy, sự ra đời của Nghị định 77 của Chính phủ chính là một bước đệm cần thiết, đảm bảo nguồn hỗ trợ chính sách đối với thâm niên nhà giáo cho đến khi thực hiện chính sách tiền lương mới.