Tiếp tục lấy ý kiến công chúng về chính sách bảo hiểm xã hội một lần

(BKTO) - Thường trực Ủy ban Xã hội nhấn mạnh, quy định về chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần là vấn đề phức tạp, nhạy cảm. Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ tiếp tục tham vấn công chúng rộng rãi hơn về các phương án sửa đổi, bổ sung theo Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi).

dung.jpg
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung báo cáo tại phiên họp. Ảnh: VPQH

Chính phủ đề xuất 2 phương án

Sáng 17/8, báo cáo tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự án Luật BHXH (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, về quy định hưởng BHXH một lần, Dự thảo Luật đề xuất 02 phương án.

Phương án 1 quy định việc hưởng BHXH một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau.

Nhóm 1: Đối với người lao động đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc, có nhu cầu thì được nhận BHXH một lần.

Nhóm 2: Đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực trở đi (dự kiến 01/7/2025) không được nhận BHXH một lần (trừ các trường hợp: đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định tại Điều 60 Luật BHXH hiện hành).

Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH".

"Đây là vấn đề lớn, hết sức nhạy cảm, phức tạp, Chính phủ báo cáo xin ý kiến Quốc hội đối với 2 phương án nêu trên"- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ.

Thẩm tra Dự án Luật, Thường trực Ủy ban Xã hội cho biết, quy định về BHXH một lần trong Dự thảo Luật còn có nhiều loại ý kiến khác nhau. Mỗi phương án Chính phủ đưa ra đều có ưu điểm, nhược điểm nhất định.

Do đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, có ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và vấn đề an sinh xã hội lâu dài, tác động nhất định đến tâm lý xã hội, người lao động, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ tiếp tục tham vấn, lấy ý kiến công chúng, đối tượng chịu tác động trực tiếp vấn đề này.

Đồng thời, tiếp tục rà soát, cân nhắc thêm các phương án khác, đánh giá toàn diện về cả bối cảnh, điều kiện thực tiễn về đời sống, tâm lý của người lao động, dư luận xã hội để quyết định phương án theo hướng bảo đảm tốt nhất quyền lợi lâu dài của người lao động tham gia bảo hiểm nhưng cũng hài hòa với nguyên tắc đóng - hưởng, có chia sẻ của BHXH.

Cùng với đó, đề nghị cân nhắc để nghiên cứu quy định rõ ràng hơn để đảm bảo quyền lợi lâu dài cho người lao động, cần thiết bổ sung điều khoản chuyển tiếp hợp lý.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền để cho ý kiến chỉ đạo trước khi trình Quốc hội cho ý kiến.

Tiếp tục cân nhắc thêm các phương án

Nêu ý kiến về vấn đề này tại phiên họp, ông Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, việc hưởng BHXH một lần là quyền lợi chính đáng của người lao động khi tham gia BHXH. Tuy nhiên, việc người lao động hưởng BHXH một lần có xu hướng gia tăng như giai đoạn vừa qua là một thực trạng đáng lo ngại; không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động mà còn ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến mục tiêu cũng như quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc bảo đảm an sinh xã hội.

ong-anh.jpg
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VPQH

Đối với hai phương án Chính phủ đề xuất trong Dự thảo Luật, ông Phan Văn Anh đánh giá, các phương án này đang thể hiện theo hướng hạn chế người lao động hưởng BHXH một lần. Mỗi phương án đều có những ưu điểm, nhược điểm nhất định.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, có các nhóm giải pháp đồng bộ hơn nữa để hỗ trợ người lao động giải quyết các khó khăn trước mắt, duy trì cuộc sống, hạn chế rút BHXH như vay vốn tín dụng ưu đãi, hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp…

Đồng thời, tăng cường các biện pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của người lao động khi tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí.

Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đề xuất, để khuyến khích người lao động gắn bó lâu dài với hệ thống BHXH, hạn chế rút BHXH một lần, cần nghiên cứu, xem xét để nâng mức hưởng trợ cấp một lần đối với người lao động có thời gian đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ lương hưu 75%.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, mỗi phương án theo Tờ trình phân tích có ưu điểm và các ý kiến, các mặt khác nhau, trong đó Phương án 2 mềm dẻo, hài hòa hơn. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gợi mở, cần nghiên cứu tích hợp, sử dụng những mặt tốt nhất của hai phương án này để đưa ra một phương án.

Theo đó, với những người tham gia sau khi Luật này có hiệu lực thì không được rút BHXH một lần khi đang trong độ tuổi lao động.
Còn với người tham gia trước khi Luật có hiệu lực thì vẫn được rút BHXH một lần nhưng chỉ được rút một phần; phần còn lại được tích lũy, lưu lại trong hệ thống BHXH. Như vậy, người lao động vừa giải quyết được khó khăn trước mắt, vừa có thể quay trở lại hệ thống và tham gia đóng, để mạng lưới an sinh không bị “thủng.”

Làm rõ thêm về nội dung này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, đây là nội dung phức tạp nhất trong Dự thảo Luật. Vì vậy, cơ quan soạn thảo đã có những tính toán kỹ lưỡng để bảo đảm hài hòa giữa việc bảo đảm an sinh xã hội lâu dài với bài toán giải quyết những khó khăn trước mắt của người lao động, đặc biệt là không tạo ra cú "sốc" với người lao động, nhất là người lao động khó khăn.

"Trong hai phương án trên, thực sự chưa có một phương án tối ưu nhưng là phương án "tạm thời chấp nhận được". Trong đó, phương án 2 là phương án đúng theo tinh thần của Nghị quyết số 28, đồng thời cũng bảo đảm hài hòa giữa người đang tham gia và người sẽ tham gia BHXH” - Bộ trưởng nêu rõ./.

Sau 07 năm thực hiện Luật BHXH năm 2014, tổng số lượt người hưởng BHXH một lần là khoảng 4,5 triệu lượt người, trong đó có gần 1,3 triệu lượt người sau khi nhận BHXH một lần tiếp tục quay trở lại thị trường lao động và tiếp tục tham gia BHXH, chiếm gần 28% tổng số lượt người nhận BHXH một lần giai đoạn 2016-2022.

Cùng chuyên mục
Tiếp tục lấy ý kiến công chúng về chính sách bảo hiểm xã hội một lần