Tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi đối với dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)

(BKTO) - Sáng 18/01, ngay sau khi khai mạc Phiên họp thứ 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).



Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) đã được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2. Qua thảo luận, đa số các ý kiến tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung chủ yếu của dự thảo Luật.

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đã báo cáo về 6 nội dung lớn xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đó là, việc bổ sung danh hiệu thi đua “Xã tiêu biểu”, “Phường, thị trấn tiêu biểu”; việc bổ sung “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”; Huy hiệu và kỷ niệm chương cấp tỉnh; tổng kết khen thưởng thành tích kháng chiến; vấn đề khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách; xử lý vi phạm trong thi đua, khen thưởng.
                
   

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

   

Qua thảo luận, đa số các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao quá trình tiếp thu chỉnh lý dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); cho rằng dự thảo Luật lần này đã tổng hợp, tiếp thu khá đầy đủ các ý kiến đại biểu Quốc hội góp ý tại Kỳ họp thứ 2, đảm bảo chất lượng của dự thảo Luật.

Liên quan đến việc bổ sung “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”, đa số ý kiến thảo luận cơ bản đồng tình nên có hình thức khen thưởng cho thanh niên xung phong. Đảng đoàn Quốc hội sẽ trình Bộ Chính trị xin ý kiến về phương án trao tặng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang.

Theo Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, các thành tích, công lao của lực lượng thanh niên xung phong được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận, khẳng định trong nhiều báo cáo. Dù có nhiều lý giải khác nhau về vấn đề này, song Trưởng Ban Công tác đại biểu lưu ý, việc xét trao tặng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang thực hiện với những đối tượng này còn tồn đọng, thiếu sót, chưa được bổ sung kịp thời trong thời gian qua. Việc khen thưởng huy chương này còn giúp giáo dục truyền thống cách mạng, mang lại vẻ vang cho gia đình các thanh niên xung phong…

Cùng quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường đề nghị, cần bổ sung một số đối tượng được xét trao tặng huy chương này, vì ngoài thanh niên xung phong còn có dân quân hỏa tuyến, dân quân du kích là lực lượng có số lượng khá lớn trong miền Nam. Việc bổ sung thêm đối tượng được xét trao tặng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang sẽ giúp bao quát hết các đối tượng tham gia kháng chiến, tránh phải sửa đổi Luật Thi đua, khen thưởng nhiều lần.

Với các tiêu chí, tiêu chuẩn để xét trao tặng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, có thể cao hơn về phạm vi, yêu cầu so với phương án Chính phủ trình, song không được cao hơn tiêu chuẩn khen thưởng của quân đội.

Phát biểu kết thúc nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Ủy ban Xã hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban soạn thảo, Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Pháp luật, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan có liên quan tiếp thu đầy đủ, thấu đáo các ý kiến góp ý của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời, tiếp tục tổ chức tọa đàm, hội thảo lấy ý kiến rộng rãi đối với dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) để đảm bảo chất lượng của dự án Luật cũng như tiếp tục hoàn thiện Báo cáo giải trình, tiếp thu./.
Đ. KHOA



Cùng chuyên mục
Tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi đối với dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)