Tiếp tục sứ mệnh làm cho đất nước hùng cường, thịnh vượng

(BKTO) - Sau gần bốn thập kỷ đổi mới, cộng đồng doanh nghiệp (DN) đã góp phần hoàn thành sứ mệnh đưa đất nước “thoát nghèo”. Giờ đây, đất nước đang đứng trước yêu cầu phát triển mới trong “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, đòi hỏi cần tiếp tục xây dựng cộng đồng DN lớn mạnh, đủ năng lực ngang tầm khu vực và thế giới, để tiếp tục hoàn thành sứ mệnh làm cho đất nước hùng cường, thịnh vượng trong những thập niên phát triển tiếp theo.

25.jpeg
Cả nước có gần 800.000 DN tư nhân đang hoạt động, chiếm 96,6% tổng số DN. Ảnh minh họa

Cộng đồng doanh nghiệp góp phần làm thay đổi diện mạo đất nước

Sau 50 năm thống nhất đất nước, một trong những thành tựu nổi bật nhất của kinh tế ở Việt Nam là sự nổi lên của một khu vực tư nhân năng động và sự gia tăng nhanh chóng số lượng DN tư nhân. Theo các số liệu thống kê, ước tính hiện tại, cả nước có gần 800 nghìn DN tư nhân đang hoạt động, chiếm 96,6% tổng số DN, chiếm khoảng 60% tổng số lao động, 60% tổng nguồn vốn; tạo ra 57% doanh thu, 38% lợi nhuận của toàn bộ khu vực DN.

Đặc biệt, một tín hiệu đáng mừng theo TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh là số DN khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam tăng đáng kể trong thời gian qua, từ con số khá khiêm tốn là 400 DN vào năm 2012 đã tăng lên khoảng 4.000 DN đến cuối năm 2024, trong đó có 2 kỳ lân công nghệ và 11 DN được định giá trên 100 triệu USD. Điểm đáng lưu ý nữa là ngày càng có nhiều DN, tập đoàn Việt Nam xây dựng, phát triển thành công thương hiệu DN được quốc tế thừa nhận và trở thành yếu tố then chốt để duy trì đà tăng trưởng của thương hiệu quốc gia. Theo đánh giá của Tổ chức tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới - Brand Finance, giá trị thương hiệu của Việt Nam năm 2024 xếp thứ 32/193 quốc gia, đạt 507 tỷ USD. Trong giai đoạn 2019-2023, Việt Nam không chỉ lọt vào Top 100 quốc gia có thương hiệu mạnh, mà còn là quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị thương hiệu nhanh nhất thế giới… “Hiện tại, chúng ta có thể nhìn thấy hình ảnh một khu vực kinh tế tư nhân năng động với nhiều DN, doanh nhân Việt được nhiều tổ chức uy tín trên thế giới vinh danh. Điều đó cho thấy sự phát triển vượt bậc của DN Việt trong những năm qua, qua đó đã và đang góp phần làm thay đổi diện mạo đất nước” - TS. Thành nhấn mạnh.

Mặc dù cộng đồng DN tư nhân không ngừng lớn mạnh, tuy nhiên, chuyên gia ngành Thống kê Nguyễn Thị Hương nêu rõ, nhìn nhận khách quan cũng phải thừa nhận rằng DN tư nhân vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế. Cụ thể, các DN chủ yếu là DN nhỏ và siêu nhỏ, quy mô lao động và nguồn vốn bình quân một DN rất nhỏ (khoảng 13 lao động/DN và 50 tỷ đồng/DN), chỉ bằng 1-2% quy mô bình quân của một DN nhà nước và bằng từ 6-9% quy mô bình quân của một DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Bên cạnh đó, năng suất lao động của DN chậm cải thiện, trình độ công nghệ còn lạc hậu, trình độ quản trị DN còn yếu, thiết hụt lao động có kỹ năng đáp ứng được sự phát triển của thời đại… dẫn tới hiệu quả hoạt động của DN còn thấp. So với DN nhà nước và DN FDI, nhiều năm gần đây, DN tư nhân có tỷ lệ DN kinh doanh có lãi thấp nhất và tỷ lệ DN kinh doanh thua lỗ cao nhất; các chỉ tiêu phản ánh hiệu quả sản xuất kinh doanh như tỷ suất lợi nhuận trên tài sản (ROA), tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) và tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu (ROS) cũng đạt mức thấp nhất…

Nâng cấp doanh nghiệp là “đôi cánh” để nền kinh tế Việt Nam bay lên

Năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cả hệ thống chính trị nỗ lực quyết tâm thực hiện hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, hướng tới mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc. Các chuyên gia cho rằng, để hiện thực hoá những mục tiêu trên đòi hỏi những cố gắng, nỗ lực của toàn nền kinh tế, trong đó lực lượng DN đóng vai trò chủ công.

Nhấn mạnh đến vai trò trên của cộng đồng DN, chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong chia sẻ, trong bất kỳ giai đoạn phát triển nào của đất nước, DN luôn là “xương sống” của nền kinh tế. Tuy nhiên, khi đất nước tiến đến những “nấc thang” phát triển càng cao thì đòi hỏi “xương sống” ấy càng phải khoẻ hơn, phải vững chắc hơn. Muốn vậy, các DN cần phát huy tinh thần năng động, đổi mới sáng tạo, nhất là nắm bắt cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ mới…, để tự “nâng cấp” mình, vươn tới những chuẩn mực toàn cầu, nhằm nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của DN Việt trên “sân chơi” quốc tế. Cùng với đó, DN cần nâng cao chất lượng quản trị, bởi đây là yếu tố rất quan trọng để cải thiện hiệu quả hoạt động, gia tăng quy mô sản xuất kinh doanh, cũng như tạo cơ hội cho các DN tham gia sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu. “Chính cộng đồng DN là bộ phận sẽ định hình nên diện mạo nền kinh tế Việt Nam trong những thập niên tới. Chỉ có sự thành công của cộng đồng DN mới mang lại sự thịnh vượng cho đất nước, hiện thực hóa khát vọng phồn vinh của dân tộc Việt Nam” - ông Phong nhấn mạnh.

Đồng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế PGS,TS. Đinh Trọng Thịnh chia sẻ thêm, như người xưa từng nói “muốn đi nhanh hãy đi một mình, nếu muốn đi xa hãy cùng đi”, do đó, cùng với việc phát huy thế mạnh nội lực, DN Việt cần tăng cường liên kết với nhau để cùng tạo nên một cộng đồng vững chắc, để hình ảnh DN Việt vươn ra “biển lớn” không chỉ là những chiếc “thuyền thúng” đơn lẻ, mà là cả một “hải đội” cùng ra khơi, từng bước ghi dấu ấn của DN Việt trên trường quốc tế.

Về phía DN, các DN cũng bày tỏ mong muốn Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương sẽ tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, cũng như tiếp tục hỗ trợ, đồng hành với quá trình hoạt động, phát triển của DN, nhằm tạo môi trường và bệ đỡ cho sự phát triển nhanh, bền vững của DN, từ đó tạo nên cộng đồng DN vừa đông, vừa “khoẻ”, để tạo thế “sâu rễ, bền gốc” cho nền kinh tế Việt Nam./.

Tại Nghị quyết số 66/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới đặt ra mục tiêu, đến năm 2030, cả nước có ít nhất 2 triệu DN. Khu vực DN đóng góp khoảng 65-70% GDP cả nước, 98 - 99% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu; tỷ lệ DN tham gia vào các hoạt động xuất nhập khẩu trong tổng số DN đạt khoảng 10%

Cùng chuyên mục
  • Tháng 1, nhiều công trình lưới điện được hoàn thành trên cả nước
    26 ngày trước Kinh tế
    (BKTO) - Trong tháng 01/2025, nhiều công trình lưới điện lớn trên cả nước đã hoàn thành đóng điện, qua đó tăng cường năng lực cấp điện dịp Tết Nguyên đán và cả năm 2025.
  • “Nắn” dòng vốn ngoại vào thị trường bất động sản
    29 ngày trước Kinh tế
    (BKTO) - Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một trong những kênh dẫn vốn quan trọng, góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam phát triển. Tuy nhiên, thu hút vốn FDI vào lĩnh vực BĐS không chỉ ở số lượng vốn, mà quan trọng hơn là cần nâng cao chất lượng dòng vốn và “nắn” dòng vốn này đáp ứng sự phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững của thị trường, qua đó đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
  • Nhiều điểm mới, đột phá trong phát triển kinh tế đến năm 2030
    29 ngày trước Kinh tế
    (BKTO) - Trước thềm Xuân mới Ất Tỵ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã chia sẻ với Báo Kiểm toán một số định hướng lớn về phát triển kinh tế trong xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026-2030 gắn với lộ trình hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc…
  • Đột phá cải cách thể chế để nền kinh tế “cất cánh”
    29 ngày trước Kinh tế
    (BKTO) - Thể chế vừa là nguồn lực vừa là động lực của tăng trưởng, do đó đẩy mạnh cải cách thể chế sẽ tạo ra “đường ray” thông thoáng để nền kinh tế Việt Nam phát triển tăng tốc, bứt phá, “cất cánh” bước vào kỷ nguyên mới.
  • Kỳ vọng Việt Nam tiếp tục là “điểm sáng” kinh tế trên toàn cầu
    29 ngày trước Kinh tế
    (BKTO) - Năm 2024, kinh tế Việt Nam đã cho thấy sự kiên cường, vững vàng “vượt gió ngược” để trở thành một trong những “điểm sáng” nổi bật trong bức tranh kinh tế toàn cầu. Đây là nền tảng để các chuyên gia, tổ chức quốc tế bày tỏ tin tưởng và kỳ vọng, năm 2025, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc, bứt phá, từng bước hiện thực hoá mục tiêu phát triển đất nước thịnh vượng, hùng cường.
Tiếp tục sứ mệnh làm cho đất nước hùng cường, thịnh vượng