Tìm giải pháp tăng năng suất lao động

(BKTO) - Theo Tổng cục Thống kê, từ năm 2011 đến nay, năng suất lao động (NSLĐ) tăng 2,7 lần, từ 70 triệu đồng/lao động (2011) lên 188,7 triệu đồng/lao động (2023). Đây là mức cao so với khu vực và đang thu hẹp dần khoảng cách với các nước. Tuy nhiên, về cơ bản, việc thực hiện mục tiêu tăng NSLĐ còn nhiều hạn chế, khó khăn và thách thức dẫn đến NSLĐ vẫn thấp hơn mục tiêu đề ra…

2.jpg
Thủ tướng Chính phủ tham dự Diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động Quốc gia năm 2024” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức. Ảnh: Nguyễn Ly

Đẩy nhanh phát triển doanh nghiệp tư nhân trong nước

Thông tin tại Diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động Quốc gia năm 2024” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức, TS. Nguyễn Tú Anh - Ban Kinh tế Trung ương cho biết, phần lớn lao động Việt Nam làm việc trong khu vực phi chính thức và hộ gia đình, còn số lượng lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp (DN) chỉ chiếm 29,2% lao động có việc làm (năm 2022) nhưng tạo ra gần 60% GDP (khu vực tư nhân tạo ra khoảng 10%, khu vực DN FDI tạo ra khoảng 20,14% và khu vực DN nhà nước tạo ra khoảng 29% GDP).

Ngoài ra, NSLĐ của khu vực DN tư nhân của Việt Nam còn rất thấp. Các DN tư nhân tạo ra khoảng 59% việc làm trong khu vực DN nhưng chỉ đóng góp giá trị gia tăng bằng 1/6 của toàn bộ khu vực DN, nên NSLĐ trong khu vực DN tư nhân Việt Nam chỉ bằng 3,6% khu vực DN nhà nước và 28,5% khu vực DN FDI. Giai đoạn 2018-2022, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng năng suất lao động của Việt Nam vẫn tăng bình quân 7,06%/năm, và những ngành có NSLĐ cao vượt trội so với mức trung bình của cả nước lại có tỷ trọng lao động rất thấp trong tổng lao động.

Vì vậy, một trong những việc cần làm để tăng NSLĐ là phải đẩy nhanh phát triển hệ thống DN và dịch chuyển lao động từ khu vực NSLĐ thấp, khu vực dư thừa lao động sang khu vực NSLĐ cao hơn, từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính để tăng NSLĐ - TS. Nguyễn Tú Anh nhấn mạnh.

Đại diện Ban Kinh tế Trung ương đề xuất, thời gian tới cần tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, cải thiện môi trường kinh doanh, tăng khả năng tiếp cận nguồn lực như đất đai, vốn, tri thức, lao động, giảm chi phí tuân thủ các thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước để phát triển nhanh hơn số lượng DN mà tăng quy mô của DN. Chỉ khi tỷ trọng lao động trong DN tăng lên thì NSLĐ mới tăng nhanh và bền vững

Bên cạnh đó, trọng tâm của chính sách kinh tế trong giai đoạn 2021-2030 nên tập trung vào ngành chế biến chế tạo vì đây là khu vực động lực thúc đẩy NSLĐ cả nền kinh tế. Khi NSLĐ của ngành chế biến chế tạo tăng lên thì chi tiêu cho ngành dịch vụ tăng thêm, qua đó làm tăng NSLĐ ngành dịch vụ, hay nói cách khác NSLĐ ngành dịch vụ là phái sinh theo sau ngành chế biến chế tạo. Thúc đẩy NSLĐ ngành chế biến chế tạo cùng với mở rộng quy mô của ngành sẽ là động lực chính thúc đẩy NSLĐ trong cả nền kinh tế.

Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ hình thành nên các DN lớn, DN có thể dẫn dắt ngành phát triển theo một chuỗi cung ứng do DN Việt Nam làm chủ như ngành sản xuất ô tô, ngành điện tử, ngành công nghệ thông tin, ngân hàng, tài chính, chế biến nông lâm thủy sản, ngành thép… Đồng thời, thúc đẩy cụm liên kết ngành thông qua tích tụ các ngành gần nhau vào các khu công nghiệp, khu kinh tế.

Thúc đẩy chuyển dịch lao động từ khu vực có NSLĐ thấp sang khu vực có NSLĐ cao, từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức bằng các giải pháp: Chăm lo tốt hơn cho cuộc sống người lao động bằng các chính sách nhà ở xã hội, hỗ trợ không phân biệt hộ khẩu cho con em công nhân lao động trong học tập, tiếp cận, dịch vụ y tế; Nâng cao vai trò của Công đoàn để thực sự là chỗ dựa của người lao động trong việc ổn định cuộc sống ; Xử lý hài hòa vấn đề quan hệ lao động, đảm bảo lợi ích chính đáng cho người lao động nhưng cũng đảm bảo lợi ích lâu dài cho nhà đầu tư; Nâng cao nhận thức cho người lao động về sự cần thiết phải học nghề, học kỹ năng lao động để có đủ điều kiện dịch chuyển lao động. 

TS. Nguyễn Tú Anh - Ban Kinh tế Trung ương

Đào tạo gắn kết với nhu cầu sử dụng lao động

NGƯT, TS. Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội đánh giá, Việt Nam có nguồn cung lao động dồi dào và khả năng thích nghi cao, tiếp thu nhanh những tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất và kỹ năng quản lý. Cơ cấu lao động đang chuyển dịch theo hướng tích cực, chất lượng việc làm, thu nhập của người lao động đều đặn được tăng lên. Tuy nhiên, thị trường lao động vẫn còn nhiều hạn chế, các DN vẫn rơi vào tình trạng thiếu lao động do dư thừa lao động có chất lượng thấp, thiếu đội ngũ có trình độ chuyên môn cao.

Trong bối cảnh đó, việc đổi mới và nâng cao chất lượng dạy và học, tập trung đào tạo chất lượng cao, linh hoạt, chuyển từ hướng "cung" sang hướng "cầu", đào tạo gắn kết với nhu cầu sử dụng lao động của DN, đặc biệt là các DN thuộc lĩnh vực công nghệ. Để nâng cao chất lượng đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao, các cơ sở đào tạo chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế cần được mở rộng, thực hiện được chức năng trung tâm vùng, quốc gia về đào tạo và thực hành chất lượng cao. Trong đó, chú trọng ưu tiên đầu tư đồng bộ cho một số ngành nghề công nghệ cao, công nghiệp mũi nhọn như công nghệ bán dẫn, năng lượng thông minh, chế biến chế tạo mà Chính phủ đang ưu tiên đầu tư phát triển.

Cần có thêm các hình thức giảng dạy, trang bị tác phong công nghiệp cho người lao động từ từ sớm để trở thành "thói quen, nếp nghĩ, nếp làm" khi còn ngồi trên ghế nhà trường, xem xét định hướng ở các cấp bậc phù hợp, ví dụ như học cơ bản từ cấp Trung học phổ thông cho đối tượng lao động phổ thông, học nâng cao cho các cấp bậc Trung cấp, cao đẳng, đại học và xem xét nội dung học phù hợp với ngành nghề họ đang theo học, vì mỗi nghề nghiệp khác nhau cũng cần có tác phong công nghiệp khác nhau.Anh Mai Thiên Ân - đoàn viên công đoàn cơ sở Công ty TNHH Intel Products Việt Nam

Đặc biệt, Hội đồng kỹ năng ngành, nghề (Industrial Skills Board) cần được thành lập trong một số lĩnh vực với sự tham gia của cơ quan quản lý Nhà nước dự báo nhu cầu nhân lực theo cơ cấu ngành, nghề, giới tính và trình độ đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội theo từng giai đoạn, làm căn cứ cho các cơ sở đào tạo xây dựng chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh trước mắt và lâu dài.

Đồng thời, Chính phủ, các cơ quan quản lý cần hướng dẫn, cho phép thành lập DN trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm gia tăng nguồn thu từ các hoạt động sản xuất khoa học công nghệ, kinh doanh, dịch vụ, góp phần gia tăng các nguồn thu để tái đầu tư, tăng thu nhập cho người lao động, từng bước thực hiện thành công cơ chế tự chủ, bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư.

Bên cạnh đó, các văn bản quy phạm pháp luật, Luật giáo dục nghề nghiệp cần được rà soát, sửa đổi đồng bộ; ban hành các chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật; rà soát, bổ sung, điều chỉnh danh mục ngành, nghề đào tạo mới; xây dựng và ban hành các chuẩn kiến thức, kỹ năng (chuẩn đầu ra) cho các ngành, nghề tương ứng với từng cấp trình độ đào tạo với sự tham gia của DN, đảm bảo phù hợp với khung trình độ và tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia; ban hành các danh mục nghề nghiệp bắt buộc phải sử dụng lao động qua đào tạo để hạn chế tuyển dụng lao động phổ thông không qua học nghề vừa góp phần tăng năng suất lao động cho DN vừa bảo đảm an toàn lao động cho người lao động.

Đảm bảo chính sách tiền lương, thưởng và phúc lợi xã hội

TS. Phạm Thu Lan - Viện Công nhân Công đoàn, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng, tiền lương, thưởng, phúc lợi và động lực làm việc có mối quan hệ chặt chẽ và tỉ lệ thuận với nhau. Người lao động dù muốn gắn bó nhưng cũng không thể ở lại mãi với công ty khi lương thấp. Thêm vào đó, người lao động lương thấp không thể dành thời gian, tâm trí và sức lực cho việc học tập nâng cao trình độ, dẫn đến Việt Nam sẽ không thể nâng cấp chuỗi giá trị, theo kịp xu hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong nền kinh tế toàn cầu.

Từ thực tế hoạt động tại May 10, người lao động chúng tôi thấy rằng doanh nghiệp có trường mầm non, có trung tâm y tế, có trường cao đẳng nghề May 10 sẽ giúp cho người lao động có đủ điều kiện để phát triển bản thân, yên tâm công tác góp phần tăng năng suất lao động. Chúng tôi mong muốn Chính phủ có các chính sách để nhân rộng mô hình này cho các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ.Chị Phùng Thị Hạnh - công nhân Xí nghiệp Sơ mi Hà Nội - Tổng Công ty May 10

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, tăng năng suất giai đoạn tới không thể dựa vào việc đi tiếp con đường đã đi mà đòi hỏi sự chuyển đổi mô hình, chuyển đổi nền kinh tế đi liền với chuyển đổi về việc làm, lực lượng lao động và kỹ năng. Để thực hiện thành công sự chuyển đổi đồng bộ này, chính sách tiền lương, tiền thưởng và phúc lợi đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Theo đó, mức lương tối thiểu cần được xác lập thỏa đáng, đảm bảo trang trải chi phí cơ bản cần thiết cho người lao động và gia đình. Đồng thời, độ bao phủ bảo hiểm xã hội đến năm 2030 phải đạt 60% như kế hoạch đề ra, đáp ứng mong mỏi của người lao động. Đề án 1 triệu nhà ở xã hội của Chính phủ là sự quan tâm riêng dành cho công nhân lao động, vì vậy người lao động muông muốn Chính phủ đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở xã hội đi kèm với cơ sở hạ tầng về trường học, bệnh viện và các tiện tích cơ bản khác để người lao động có thu nhập thấp đạt được ước mơ sở hữu căn nhà riêng của mình trong những năm tới.

Một vấn đề nữa cần giải quyết là DN cần tuân thủ pháp luật lao động, thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý về thiện chí trong thương lượng tập thể, tạo điều kiện để thành lập tổ chức công đoàn đại diện cho người lao động trong thương lượng, đặc biệt ở khu vực DN vừa và nhỏ và khu vực hợp tác xã.

Nhờ có chính sách tiền lương đặc thù, Viettel đã xây dựng hệ thống ngạch, bậc rõ ràng, có cơ chế trả lương thưởng cao trên thị trường lao động, tương xứng với năng lực, trách nhiệm và kết quả hoàn thành nhiệm vụ của từng cán bộ, nhân viên. Tại các đơn vị kinh doanh mang tính cạnh tranh cao, Viettel áp dụng cơ chế khoán để khuyến khích cán bộ, nhân viên tìm tòi, sáng tạo, nâng cao NSLĐ và được thưởng tương xứng theo giá trị tăng thêm. Tập đoàn còn quan tâm đến việc đa dạng hóa các chương trình phúc lợi như khám sức khỏe định kỳ, mua bảo hiểm sức khỏe trong nước & nước ngoài, bảo hiểm nhân thọ... Giám đốc nhân sự Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel Vũ Thị Mai

Cùng chuyên mục
Tìm giải pháp tăng năng suất lao động