Tìm kiếm động lực mới thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững

(BKTO) - Dưới những góc nhìn đa chiều, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 đã tập trung đánh giá, phân tích rõ những vấn đề nổi lên của nền kinh tế, những khó khăn, thách thức đang phải đối mặt; từ đó đề xuất những giải pháp căn cơ nhằm thúc đẩy kinh tế bứt phá và phát triển bền vững.

dien-dan.jpg
Toàn cảnh Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023. Ảnh: VPQH

Động lực tăng trưởng suy giảm

Đánh giá tổng quan về tình hình kinh tế Việt Nam, tại Diễn đàn, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đều có chung nhận định, dù vững vàng trước “các cơn gió ngược” và đang dần hồi phục song kinh tế nước ta vẫn đứng trước không ít khó khăn, thách thức lớn. Bên cạnh những rủi ro, thách thức từ bối cảnh quốc tế, ở trong nước, hoạt động của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; tín dụng tăng trưởng thấp, nợ xấu tăng cao do khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế còn yếu…

Những khó khăn, thách thức này đã và đang tác động trực tiếp, tạo áp lực đến mục tiêu tăng trưởng. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá: Việc đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023, giai đoạn 5 năm 2021-2025 và cả thời kỳ chiến lược 2021-2030 trở nên hết sức khó khăn. Nhiều động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong 8 tháng đầu năm nay đang có dấu hiệu chậm lại, thậm chí suy giảm và đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài.

Chung quan điểm, ông Nguyễn Xuân Thành - Đại học Fulbright Việt Nam - cho rằng, nền kinh tế Việt Nam hiện đang đứng trước những thách thức rất lớn trong ngắn hạn và trung hạn về mặt tốc độ tăng trưởng. Theo ông Thành, ngay cả khi không có nhiều thay đổi về cơ cấu kinh tế và phát huy được tác động tích cực của một số động lực tăng trưởng mới thì việc đạt mục tiêu GDP tăng trưởng bình quân 6,5% trong giai đoạn 2021-2025 là vô cùng khó khăn...                         

Phân tích rõ hơn thực trạng nền kinh tế, PGS,TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - lưu ý, xu hướng suy giảm động lực tăng trưởng kinh tế liên tục và kéo dài. Trong gần 40 năm đổi mới, dù mức tăng trưởng bình quân không thấp, song cứ sau mỗi giai đoạn 10 năm, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam lại bị giảm gần 1% tốc độ bình quân. Cùng với đó, quá trình phát triển kinh tế diễn ra với “nghịch lý” tăng trưởng cao - lạm phát thấp. Thực tế này “nghịch chiều” với xu hướng lạm phát tăng, GDP suy giảm mạnh ở đa số các nền kinh tế trên thế giới. “Tăng trưởng GDP cao trong điều kiện lạm phát thấp - mức lạm phát thường thấp hơn nhiều tốc độ tăng trưởng GDP, đặc biệt trong năm 2023 chỉ chưa bằng 1/2 - được duy trì suốt mấy năm qua, trong tình trạng doanh nghiệp bị “khát vốn” cao độ, gây tác động tiêu cực không nhỏ đến nỗ lực tăng trưởng” - ông Trần Đình Thiên đánh giá.

Cần tư duy mới, động lực mới trong bối cảnh mới

Theo các chuyên gia, nhìn trên bình diện tổng quát, Việt Nam cùng cả thế giới đang trong một bước chuyển với sự thay đổi lớn về nền tảng phát triển từ không gian vật lý chuyển sang không gian “số”; từ thời đại “lao động chân tay - kinh nghiệm” sang thời đại “lao động trí tuệ - sáng tạo”. Cấu trúc phát triển đang chuyển từ thời đại kinh tế vật thể - thủ công chuyển sang kinh tế số, công nghệ cao... Quá trình đó tạo ra những cơ hội và thách thức, đòi hỏi tầm nhìn, năng lực và cách tiếp cận mới.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương sTrần Thị Hồng Minh cho rằng, bối cảnh quốc tế đặt ra yêu cầu phải tăng cường thúc đẩy hợp tác, đối thoại trên nhiều lĩnh vực. Việc cơ cấu lại nền kinh tế sẽ giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng chất lượng hơn gắn với xử lý hiệu quả những tương tác giữa Nhà nước - thị trường - hội nhập trong bối cảnh mới. “Lúc này, để thực hiện thành công cơ cấu kinh tế, cần có tư duy mới, nội lực mới, động lực mới. Đồng thời, tăng cường năng lực nội sinh là hết sức cấp thiết” - bà Minh nhấn mạnh và đề xuất Quốc hội tiếp tục đồng hành với Chính phủ trong quá trình tạo dựng các động lực mới cho tăng trưởng và phát triển bền vững; nhất là nghiên cứu, cụ thể hóa các chính sách khuyến khích, hoàn thiện khung pháp lý theo hướng tạo thuận lợi hơn cho các mô hình kinh tế mới…

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng, Viện trưởng Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV - nhấn mạnh, để lấy lại đà phát triển nhanh và bền vững đòi hỏi Quốc hội và Chính phủ cần thực hiện nhiều chính sách, giải pháp vừa đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao khả năng chống chịu, củng cố các động lực tăng trưởng truyền thống vừa tạo không gian đủ rộng để khai thác hiệu quả các mô hình, động lực tăng trưởng mới, cho cả trước mắt và lâu dài.

Đặc biệt, nhiều chuyên gia nhấn mạnh, chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là một trong những động lực phát triển mà Việt Nam cần hướng đến. Theo TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không thể tiếp tục dựa trên lợi thế chi phí thấp mà phải đầu tư để đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất, chuyển đổi sản xuất xanh hơn, tuần hoàn, giảm phát thải; phải đa dạng hóa thị trường… “Đổi mới sáng tạo phải trở thành động lực nội sinh của doanh nghiệp, để doanh nghiệp thực sự có động lực đổi mới” - TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.

TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam - cũng cho rằng, đầu tư vào chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng là các dự án có tiềm năng lớn. Đầu tư vào lĩnh vực này mở đường cho các dòng đầu tư mới vào Việt Nam, sẽ là mũi tên trúng được nhiều đích, kích hoạt làn sóng đầu tư, tăng trưởng mới vào Việt Nam theo hướng đảm bảo chất lượng hơn./.

Cùng chuyên mục
  • Cửu Long JOC đóng góp cho ngân sách nhà nước 13,1 tỷ USD
    7 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Công ty Liên doanh Điều hành Cửu Long (Cửu Long JOC) hiện là nhà điều hành dầu khí có sản lượng khai thác lớn thứ 2 tại Việt Nam. Sau 25 năm hoạt động, Công ty đã sở hữu thành tích sản xuất kinh doanh rất ấn tượng, mang về cho ngân sách nhà nước hơn 13 tỷ USD.
  • PV GAS tuổi 33: Khí thế mới, vận hội mới - Vững nội lực, vươn tầm cao
    7 tháng trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Từ những bước đầu tiên gian khó để đưa dòng khí về phục vụ Tổ quốc (năm 1990), sau hơn 3 thập kỷ nỗ lực và trưởng thành, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đã vươn lên trở thành doanh nghiệp chủ lực của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Lá cờ đầu ngành công nghiệp khí, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. 2023 là một năm đặc biệt, đánh dấu tuổi 33 của PV GAS với những vận hội mở ra một thời kỳ phát triển mới.
  • Sửa Luật Thủ đô: Cần quy chuẩn khác biệt, vượt trội về phòng cháy, chữa cháy
    7 tháng trước Địa phương
    (BKTO) - Từ vụ cháy chung cư mini vừa qua, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giao TP. Hà Nội quy định tiêu chuẩn quy chuẩn riêng trong một số lĩnh vực về phòng cháy, chữa cháy, giao thông…; đồng thời, triển khai sớm và quyết liệt chủ trương di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở y tế, giáo dục ra khỏi nội đô.
  • Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thông qua 107 nghị quyết quan trọng
    7 tháng trước Địa phương
    (BKTO) - Hội đồng nhân dân (HĐND) TP. Hồ Chí Minh đã thống nhất thông qua 107 nghị quyết, trong đó có 9 nghị quyết cụ thể hóa thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố.
  • Không đẩy khó cho nhà đầu tư
    7 tháng trước Đầu tư
    (BKTO) - Được đánh giá là mô hình đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) thành công nhất từ trước đến nay, thế nhưng Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả (Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả là Nhà đầu tư) đang gặp phải khó khăn trong thu phí, phần vốn Nhà nước dự án chưa được giải ngân, gây khó khăn cho Nhà đầu tư...
Tìm kiếm động lực mới thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững