Không đẩy khó cho nhà đầu tư

(BKTO) - Được đánh giá là mô hình đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) thành công nhất từ trước đến nay, thế nhưng Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả (Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả là Nhà đầu tư) đang gặp phải khó khăn trong thu phí, phần vốn Nhà nước dự án chưa được giải ngân, gây khó khăn cho Nhà đầu tư...

ham-deo-ca.jpg
Hầm Đèo Cả sau khi hoàn thành, từng được chọn làm công trình tiêu biểu của ngành xây dựng. Ảnh: Đèo Cả

Chậm bố trí vốn của Nhà nước

Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả bao gồm các hạng mục: hầm Đèo Cả, hầm Cù Mông, hầm Hải Vân 2 được triển khai theo hình thức PPP với tổng mức đầu tư là 21.642 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước tham gia là 5.048 tỷ đồng (bằng 23% tổng mức đầu tư và thấp hơn 50% so với quy định luật PPP), Nhà đầu tư là Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả sẽ được thu phí hoàn vốn tại 7 trạm thu phí: An Dân, Ninh Lộc, Đèo Cả, Cù Mông, Bắc Hải Vân, Nam Hải Vân, La Sơn - Túy Loan.

Dự án hoàn thành đưa vào khai thác từ năm 2021, các hạng mục đều vượt tiến độ, tiết giảm được chi phí và được Bộ Giao thông vận tải coi là cơ sở thực tiễn để cơ quan nhà nước và các bên liên quan nghiên cứu, hoàn thiện mô hình đầu tư theo phương thức PPP lĩnh vực giao thông. Hiện, Nhà đầu tư đã hoàn thành trách nhiệm và nghĩa vụ theo Hợp đồng, tuy nhiên, trong quá trình khai thác Dự án, Nhà đầu tư gặp phải một số khó khăn và đã được các cơ quan: Thanh tra Bộ Xây dựng, Kiểm toán nhà nước qua thanh tra và kiểm toán chỉ ra.

Theo đó, phần vốn Nhà nước tham gia dự án là 5.048 tỷ đồng và đã giải ngân 3.868 tỷ đồng, còn lại 1.180 tỷ đồng chưa được giải ngân, gây ảnh hưởng nặng nề cho doanh nghiệp. Thậm chí, việc chậm giải ngân này còn khiến cho DN phải chịu thêm lãi vay từ ngân hàng. Theo tính toán của DN dự án, từ 2017-2023, phát sinh lãi do chưa được giải ngân nguồn vốn 1.180 tỷ đồng là 628 tỷ đồng. Từ năm 2024 trở đi, với lãi suất nhận nợ ngân hàng 10,5%/năm hiện nay thì mỗi năm lãi sẽ phát sinh thêm 125 tỷ đồng.

Hiện, Chính phủ đã đề xuất bố trí lại 1.180 tỷ đồng trong kế hoạch trung hạn 2021-2025 và đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 29/2021/QH15. Do đó, Nhà đầu tư mong muốn Chính phủ sớm chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện các thủ tục để giao vốn 1.180 tỷ đồng cho Dự án.

“Đây là dự án đầu tư theo hình thức PPP cung cấp sản phẩm dịch vụ công thay cho Nhà nước. Số tiền 1.180 tỷ đồng là phần vốn nhà nước đã cam kết tham gia dự án theo Hợp đồng đã ký, nhưng sau hơn 05 năm vẫn chưa được giải ngân, gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp (DN) dự án” - đại diện DN cho biết.

Bên cạnh đó, việc giảm 2 trạm thu phí là La Sơn - Tuý Loan và Nam Hải Vân (không đúng nội dung giao kết trong hợp đồng đã ký) ảnh hưởng không nhỏ đến phương án tài chính. Tuyến La Sơn - Túy Loan không thu phí là lý do phân lưu phương tiện, giảm nguồn thu tại Hải Vân; trạm Nam Hải Vân chia sẻ doanh thu tại trạm Bắc Hải Vân với dự án hầm Phú Gia Phước Tượng. Theo tính toán, từ 2018-2023 thất thu 485 tỷ đồng, từ 2024-2045 sẽ thất thu khoảng 9.574 tỷ đồng.

103921-tram-thu-gia-ban-thach.jpg
Trạm thu giá An Dân (tỉnh Phú Yên) được doanh nghiệp vận hành thu phí theo đúng quy định, người dân trên địa bàn xã được miễn thu phí khi qua trạm. Ảnh sưu tầm

Theo quy định của hợp đồng đã được ký kết khi triển khai dự án, một số trạm thu phí sẽ được tăng giá theo lộ trình: Trạm An Dân tăng từ 01/01/2019, Trạm Cù Mông từ 01/01/2022... Theo Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả, đơn vị đã trình Bộ Giao thông vận tải điều chỉnh tăng giá vé nhưng đến nay vẫn chưa được chấp thuận...

Mặc dù Nhà đầu tư và Ngân hàng (Vietinbank) đã nhiều lần báo cáo cơ quan Nhà nước có thẩm quyền các vướng mắc nêu trên nhưng chưa được giải quyết dứt điểm dẫn đến: Nợ đọng chi phí giải phóng mặt bằng với địa phương; thiếu nguồn để trả nợ cho Ngân hàng Vietinbank; thiếu nguồn để thanh toán cho các Nhà thầu do ngân hàng dừng giải ngân...

Nhà đầu tư cũng kiến nghị Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải làm việc với các bên liên quan, thống nhất phương án trả nợ theo tình hình thực tế của Dự án; tháo gỡ các vướng mắc về nguồn vốn NSNN, nghiên cứu các phương án giá vé phù hợp để có cơ sở quyết toán, xác định thời gian thu phí hoàn vốn của Dự án... 

Công bằng, bình đẳng trong quan hệ “đối tác công tư”

Những bất cập, khó khăn Nhà đầu tư Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả gặp phải cũng chính là những khó khăn chung trong triển khai dự án PPP được nhiều chuyên gia, nhà quản lý đề cập vừa qua.

Nhấn mạnh nhu cầu đầu tư hạ tầng giao thông còn rất lớn, song các nhà đầu tư tư nhân còn ngại “xuống tiền”, TS. Vũ Đình Ánh cho biết, PPP với quan hệ của các bên (Nhà nước, nhà đầu tư) được coi là “đối tác công tư”, song thực tế, các chủ thể trong quan hệ này vẫn chưa được được coi là “đối tác”, chưa thực sự bình đẳng. Trong quan hệ đó, nhà đầu tư vẫn bị coi là đối tượng chịu sự quản lý, Nhà nước là cơ quan quản lý. Hệ quả của tình trạng này, như trường hợp Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả, nhà đầu tư sẽ rơi vào cảnh khó khăn - khi nhiều điều khoản hợp đồng không được thực thi. “Vấn đề ở đây là cần phải có cơ chế đảm bảo quyền bình đẳng giữa các bên khi thực hiện hợp đồng” - TS. Ánh nhấn mạnh.

ham.jpg
Hầm Bao biển là một hạng mục thuộc dự án đường Bao biển nối TP. Hạ Long với TP. Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Đèo Cả

Từng có tham luận tại hội thảo “Thúc đẩy đầu tư theo phương thức PPP trong phát triển hạ tầng một số lĩnh vực kinh tế - xã hội của Việt Nam”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú đề xuất, để xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc trong việc đầu tư, khai thác các dự án PPP lĩnh vực giao thông, đặc biệt là các tồn tại, bất cập liên quan đến thu phí hoàn vốn cho các dự án, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên (Nhà nước - nhà đầu tư - người dân và tổ chức tín dụng), cần xây dựng cơ chế hỗ trợ chủ đầu tư về các rủi ro phát sinh như cơ chế kéo dài thời gian hoàn vốn BOT, cơ chế thu phí... do tăng tổng mức đầu tư, chậm giải phóng mặt bằng…

Trao đổi với báo chí, Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ từng chỉ ra rằng, nhiều nhà đầu tư, DN tư nhân có thương hiệu sẵn sàng đấu thầu “sòng phẳng” để tham gia thực hiện dự án, nhưng cũng rất ngại khi bỏ ra một khoản tiền lớn đầu tư nhưng khi quá trình triển khai gặp khó thì không được hỗ trợ giải quyết kịp thời, dứt điểm. Trong khi đó, nhà đầu tư phải đi vay vốn ngân hàng để đầu tư, lãi suất vay hàng năm vẫn phải trả, dẫn đến rơi vào vòng nợ nần.

Để tháo gỡ nút thắt thu hút đầu tư, theo TS. Phạm Hoài Chung - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải, cơ quan có thẩm quyền cần tiếp tục tập trung nghiên cứu, rà soát, xây dựng cơ chế sòng phẳng với nhà đầu tư. Về mức thu phí, DN cần được đối xử công bằng trong kinh doanh; xem xét cho phép DN áp dụng mức phí theo lộ trình trong hợp đồng đã ký kết. 

Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ với DN Nhà nước trên phạm vi toàn quốc về thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển diễn ra ngày 14/9, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trên tinh thần “người dân, DN, Nhà nước - lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm cho DN"; các Bộ, ngành phải theo dõi sát diễn biến tình hình, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bao gồm tháo gỡ cả những vấn đề đã tích tụ nhiều năm; đưa ra các chính sách sát thực tế, mang tính khả thi và hiệu quả cao; đồng hành, kề vai, sát cánh cùng DN đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí đầu vào, chi phí tuân thủ cho DN

Nhìn lại những bất cập nổi cộm trong triển khai PPP vừa qua, các ý kiến cho rằng, việc giải quyết vướng mắc, đảm bảo quyền lợi chính đáng của Nhà đầu tư Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả không chỉ giải quyết một trường hợp dự án PPP cụ thể, mà còn nhằm tạo niềm tin cho các nhà đầu tư khác mạnh dạn tham gia các dự án PPP.

Và điều quan trọng, cùng với các bất cập cần sớm được các cơ quan chức năng rà soát, sửa đổi để thúc đẩy đầu tư PPP, Nhà nước cần phải được đặt vào vị trí đối tác của tư nhân khi ký kết, thực hiện hợp đồng PPP và thực hiện đúng các quy định của hợp đồng./.

Cùng chuyên mục
Không đẩy khó cho nhà đầu tư