Dòng vốn ngân hàng góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN trong hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế |
Tín dụng duy trì tốc độ tăng trưởng tích cực và phân bổ phù hợp
Theo Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), bình quân giai đoạn 2016-2020, dư nợ tín dụng tăng 15,25%/năm, đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nguồn vốn tín dụng được tăng cường sử dụng hiệu quả và phân bổ phù hợp. Riêng năm 2020, trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, tín dụng vẫn có mức tăng trưởng khá tốt (12,17%), đóng góp vào mức tăng chung 2,91% của GDP - mức tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất thế giới.
“Đây là mức tăng phù hợp trong bối cảnh cầu tín dụng của nền kinh tế còn yếu do tác động của đại dịch COVID-19” - Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định.
Về cơ cấu tín dụng, theo NHNN, giai đoạn vừa qua, dòng vốn tín dụng có xu hướng chuyển dịch phù hợp với chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế. Tỷ trọng tín dụng ngành thương mại, dịch vụ tiếp tục có xu hướng tăng, chiếm từ 57 - 63% tổng dư nợ nền kinh tế; tỷ trọng tín dụng ngành nông, lâm, thủy sản và tín dụng ngành công nghiệp, xây dựng có xu hướng giảm, lần lượt chiếm khoảng 8 - 10% và 28 - 30% tổng dư nợ.
Xét về tốc độ tăng trưởng, dư nợ tín dụng đối với ngành thương mại và dịch vụ có mức tăng trưởng ổn định và cao nhất với mức tăng bình quân đạt 17,43%. Dư nợ tín dụng đối với ngành công nghiệp và xây dựng bình quân tăng 12,41%. Dư nợ tín dụng ngành nông, lâm, thủy sản bình quân tăng 11,02%.
Tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ. Cụ thể, một số lĩnh vực có mức tăng trưởng tín dụng khá và cao hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Giai đoạn 2016-2020, tín dụng đối với: lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 18,17%, chiếm tỷ trọng 24,77% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế; lĩnh vực DN nhỏ và vừa tăng 16,07%, chiếm 19,79% tổng dư nợ tín dụng chung; lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 15,31%, chiếm 2,47% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Tín dụng xuất khẩu tăng 8,38%, chiếm 2,96% tổng dư nợ tín dụng chung và tín dụng cho DN ứng dụng công nghệ cao tăng 3,13%, chiếm 0,35% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. |
Bình quân giai đoạn 2018-2020, tín dụng đối với: lĩnh vực bất động sản là 20,64%; lĩnh vực đầu tư kinh doanh chứng khoán là 23,86%, chiếm tỷ trọng 0,5% trong tổng dư nợ nền kinh tế.
Xóa đói giảm nghèo, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh
Nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã trở thành nguồn lực quan trọng (chiếm trên 50% tổng nguồn lực), góp phần hoàn thành sớm các mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Giai đoạn 2016-2020, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã cho vay trên 10 triệu lượt khách hàng vay vốn với tổng doanh số cho vay đạt 320.988 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp hơn 2,1 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 1,3 triệu lao động; giúp hơn 24 nghìn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; gần 346 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng hơn 7,3 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, gần 142 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách.
Ngành ngân hàng đã triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN thông qua Chương trình kết nối ngân hàng - DN với trên 300 nghìn khách hàng được vay vốn.
Đặc biệt, năm 2020, trong bối cảnh nền kinh tế bị tác động và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngành ngân hàng đã triển khai hiệu quả các chính sách của Chính phủ, NHNN về tháo gỡ khó khăn cho người dân, DN như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, cho vay mới... Điều này thể hiện tinh thần chia sẻ, tháo gỡ, tạo điều kiện cho khách hàng vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế và tạo đà tăng trưởng trong và sau dịch.
Năm 2021, NHNN tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng quyết liệt triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tính đến ngày 05/4/2021, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 262 nghìn khách hàng với dư nợ khoảng 357 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 663 nghìn khách hàng với dư nợ 1,27 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ ngày 23/01/2020 đến đầu tháng 4/2021 đạt hơn 3,16 triệu tỷ đồng cho 456,6 nghìn khách hàng.
Đối với Chương trình cho vay người sử dung lao động để trả lương ngừng việc, đến ngày 31/1/2021 (thời điểm dừng giải ngân theo quy định), NHNN đã giải ngân cho NHCSXH với tổng số tiền khoảng 42,9 tỷ đồng. NHCSXH đã cho vay trên địa bàn 56 tỉnh, thành phố với dư nợ gần 42 tỷ đồng đối với 245 người sử dụng lao động trên 11.276 người lao động ngừng việc; dư nợ của Chương trình tại NHCSXH đến nay là gần 40 tỷ đồng.
Tham luận tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng hồi đầu năm 2021, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã đúc kết: Các giải pháp, chính sách tín dụng của NHNN đã đi đúng hướng, vừa bảo đảm an toàn, cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế vừa phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát. Điều hành tín dụng đã gắn với việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.../.
Đ.THÀNH
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)