Chuyển nguồn sang năm sau gần 10 tỷ đồng kinh phí sự nghiệp KHCN
Cụ thể, dự toán được giao cho sự nghiệp KHCN của tỉnh là 29.268 triệu đồng, địa phương thực hiện chi 14.769 triệu đồng, đạt 50,46%, tương đương số tiền còn thừa cuối năm là 14.499 triệu đồng.
Báo cáo giải trình và báo cáo về tình hình thực hiện kiến nghị của KTNN, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời cho biết, nguyên nhân thực hiện không đạt dự toán Trung ương giao là do còn nhiều đề tài khoa học được cấp có thẩm quyền quyết định thực hiện nhiều năm, nên năm 2021 chưa thực hiện nghiệm thu với số tiền 9.960 triệu đồng.
Căn cứ điểm e khoản 1 Điều 43 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chuyển nguồn ngân sách từ năm trước sang năm sau, tỉnh Vĩnh Long đã thực hiện chuyển nguồn kinh phí của các đề tài khoa học chưa thực hiện xong sang năm 2022 để tiếp tục thực hiện.
Cụ thể gồm 12 đề tài, trong đó có Đề tài: Phân vùng môi trường nước mặt phục vụ phát triển bền vững tỉnh Vĩnh Long (1.975 triệu đồng); Nghiên cứu sản xuất sản phẩm Cider và trà túi lọc từ bưởi năm roi và cam sành (786 triệu đồng); Nghiên cứu chế tạo dây chuyền tự động hóa chế biến thức ăn gia súc nhai lại từ cây khoai lang (966 triệu đồng).
Cùng với đó là các Đề tài: Đánh giá tác động của KHCN và đổi mới sáng tạo đối với nền kinh tế tỉnh Vĩnh Long (536 triệu đồng); Giải pháp nâng cao năng lực nghề nghiệp của người lao động đáp ứng nhu cầu cách mạng công nghiệp 4.0 (585 triệu đồng); Đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long (376 triệu đồng); Nghiên cứu đề xuất các biện pháp thực hiện chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 (366 triệu đồng); Nghiên cứu xây dựng giải pháp hỗ trợ giám sát cách ly tại nhà: 273 triệu đồng.
Một số Đề tài có kinh phí thực hiện lớn đã được chuyển nguồn như: Dự báo tác động của xâm nhập mặn và biến đổi khí hậu đối với phát triển kinh tế - xã hội, môi trường của tỉnh Vĩnh Long và giải pháp ứng phó 1.035 triệu đồng; Dự án sản xuất thử nghiệm Ứng dụng quy trình kỹ thuật công nghệ Aquaponic trong nuôi lươn kết hợp với trồng rau thủy canh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long 1.121 triệu đồng; Nghiên cứu ứng dụng vật liệu tái chế từ rác thải nhựa và phế thải nông nghiệp để chống sạt lở bờ sông 952 triệu đồng; Xây dựng mô hình và triển khai hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo 989 triệu đồng.
Đối với số kinh phí còn lại là 4.432 triệu đồng, UBND tỉnh đã thực hiện cắt giảm, tiết kiệm chi thường xuyên theo chủ trương của Trung ương tại Nghị quyết số 58/NQ-CP của Chính phủ và Công văn số 6299/BTC-NSNN ngày 11/6/2021 của Bộ Tài chính vào bổ sung dự phòng ngân sách tỉnh để thực hiện chi công tác phòng, chống dịch Covid-19 - ông Lữ Quang Ngời nêu rõ.
Chưa sử dụng hết kinh phí chi cho chương trình MTQG
Liên quan đến chi chương trình MTQG, dự toán Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh Vĩnh Long là 20.277 triệu đồng, địa phương đã thực hiện chi 14.148 triệu đồng, đạt 69,77%, như vậy số tiền còn thừa cuối năm 2021 là 6.129 triệu đồng.
Lý giải nguyên nhân thực hiện không đạt dự toán, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, đối với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho NSĐP cuối năm 2021 (tháng 12/2021) tại Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 08/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về bổ sung dự toán năm 2021 thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, số tiền 689 triệu đồng.
Đồng thời, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 208/QĐ-TTG ngày 28/01/2022 về phương án phân bổ kinh phí thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2021 để hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình nuôi bò thịt, số tiền 689 triệu đồng, trong đó tại huyện Trà Ôn là 470 triệu đồng và huyện Mang Thít 219 triệu đồng), nên trong năm 2021 chưa giải ngân.
Đối với Chương trình MTQG nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, tính đến cuối năm 2021, địa phương chưa sử dụng hết 5.440 triệu đồng, trong đó có Công trình cải tạo, mở rộng tuyến ống trạm cấp nước xã Hòa Tịnh, huyện Mang Thít và xã Hòa Bình, huyện Trà Ôn với số tiền 4.116 triệu đồng. Việc thực hiện các thủ tục điều chỉnh báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng và nguồn vốn thực hiện dự án năm 2021-2022 đối với 02 dự án này đến đầu tháng 12/2021 đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Số còn lại 1.324 triệu đồng kinh phí thực hiện công tác truyền thông, tập huấn kiến thức và xây dựng mô hình sáng - xanh - sạch - đẹp tham gia bảo vệ môi trường và hoạt động kiểm tra giám sát… Do đó, đối với nguồn kinh phí này còn nhiệm vụ chi, nên tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện năm tiếp theo.
Đề cập đến tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán tại Báo cáo kiểm toán ngân sách địa phương năm 2021, lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, khi KTNN có kết luận và kiến nghị, Bộ Tài chính đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện gửi về Bộ Tài chính và KTNN để tổng hợp.
UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN tại Công văn số 332/UBND-KTNV ngày 01/02/2023 và giao Sở Tài chính làm đầu mối đôn đốc, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán về UBND tỉnh.
Đối với báo cáo kiểm toán ngân sách địa phương năm 2020, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở Tài chính phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện kiến nghị của KTNN. Trên cơ sở đó, Sở Tài chính đã tham mưu UBND tỉnh báo cáo KTNN về kết quả thực hiện các báo cáo kết luận, kiến nghị của KTNN từ năm 2020 trở về trước./.