Tổ chức lại Trung tâm Tin học là yêu cầu cấp bách, phù hợp với thực tiễn phát triển của Kiểm toán nhà nước

ĐĂNG KHOA - YẾN TRANG | 08/04/2024 20:30

(BKTO) - Các thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành sự cần thiết tổ chức lại Trung tâm Tin học (TTTH) thành Cục Công nghệ thông tin và dữ liệu kiểm toán thuộc Kiểm toán nhà nước (KTNN).

Chiều 08/4, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Phiên họp toàn thể lần thứ 21, Ủy ban Pháp luật thẩm tra Tờ trình của KTNN về tổ chức lại Trung tâm Tin học (TTTH) thành Cục Công nghệ thông tin và dữ liệu kiểm toán thuộc KTNN. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì Phiên họp.

qc8.jpg
Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: PHẠM THẮNG

Tham dự Phiên họp có Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn; Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng; các thành viên Ủy ban Pháp luật; đại diện Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ và một số Bộ, ngành liên quan.

Trình bày tóm tắt Tờ trình của KTNN về việc cho ý kiến tổ chức lại TTTH thành Cục Công nghệ thông tin và dữ liệu kiểm toán thuộc KTNN, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng nêu rõ, sau hơn 22 năm hoạt động, TTTH trực thuộc KTNN đã có sự trưởng thành về mọi mặt, thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng, nhiệm vụ được giao. Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của KTNN đã có sự phát triển nhất định, góp phần tăng cường tính chuyên nghiệp, hiện đại và hiệu quả hoạt động kiểm toán.

“Những kết quả đạt được của TTTH trong thời gian qua tương đối toàn diện, căn bản và quan trọng” - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước  khẳng định.

z5327870491737_3186b99a53347b6c4-1712568627696.jpg
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: PHẠM THẮNG

Tuy nhiên, mô hình tổ chức bộ máy của TTTH hiện nay còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, chưa đáp ứng tốt nhiệm vụ đặt ra trước mắt và lâu dài.

Trước bối cảnh đổi mới của đất nước, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội, đồng thời đặt ra nhiều thách thức, cùng với yêu cầu đặt ra trong công tác kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số, cụ thể hóa Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, việc tổ chức lại TTTH thành Cục Công nghệ thông tin và dữ liệu kiểm toán là yêu cầu cấp bách, phù hợp với thực tiễn phát triển của ngành.

Theo Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, KTNN đã xác định “công nghệ” là một trong ba trụ cột phát triển của Ngành với quan điểm phát triển KTNN phải gắn với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó, việc ứng dụng CNTT vào mọi hoạt động của KTNN phải được coi là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, cả trước mắt và lâu dài.

Đây cũng là sự kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển, có sự tham khảo từ bài học thành công của các cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới và kinh nghiệm triển khai mô hình tổ chức hoạt động CNTT tại một số Bộ, ngành trong nước.

Theo đó, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng nêu rõ: Về vị trí và chức năng, Cục Công nghệ thông tin và dữ liệu kiểm toán là tổ chức trực thuộc KTNN, có chức năng tham mưu, giúp Tổng Kiểm toán nhà nước quản lý nhà nước lĩnh vực CNTT của KTNN và là đơn vị chuyên trách về an toàn thông tin của KTNN; tổ chức thực hiện ứng dụng CNTT, chuyển đổi số; xây dựng và khai thác dữ liệu số, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh thông tin mạng trong hoạt động của KTNN; cung cấp các dịch vụ về CNTT theo quy định.

dung8.jpg
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng trình bày Tờ trình tại Phiên họp. Ảnh: PHẠM THẮNG

Theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, hệ thống tổ chức bộ máy đơn vị chuyên trách CNTT của KTNN được kiện toàn sẽ là cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan KTNN thực hiện đầy đủ hơn và hiệu quả hơn đối với quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; nâng cao năng lực, chất lượng và hiệu quả hoạt động của KTNN để đáp ứng ngày càng tốt hơn trong kiểm tra, đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công và tài sản công.

Đồng thời, đây là cơ sở khoa học cho việc hoàn thiện tổ chức bộ máy KTNN tinh gọn, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với quy định của Đảng và Nhà nước; quy hoạch, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với yêu cầu và sự phát triển của KTNN; tích cực phòng, chống tham nhũng, ngăn chặn tình trạng thất thoát, lãng phí nguồn lực quốc gia và sử dụng hiệu quả các nguồn lực công…

Việc tổ chức lại TTTH thành Cục Công nghệ thông tin và dữ liệu kiểm toán thuộc KTNN đảm bảo không làm tăng biên chế công chức hành chính, do KTNN sẽ sắp xếp, cân đối nhân sự của Cục trong số chỉ tiêu biên chế đã được giao. Sau khi Đề án được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, KTNN sẽ trình phương án giảm biên chế sự nghiệp và thực hiện quy trình xét tuyển công chức đối với các trường hợp viên chức đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định; cùng với đó xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.

Tại Phiên họp, các thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành về sự cần thiết kiện toàn tổ chức bộ máy của đơn vị chuyên trách về CNTT của KTNN, tạo nền tảng cho quá trình chuyển đổi phương pháp kiểm toán truyền thống sang kiểm toán hiện đại dựa trên dữ liệu số phù hợp với chủ trương của Đảng về đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số.

Đánh giá cao hồ sơ trình được xây dựng khá công phu, đầy đủ, một số ý kiến đề nghị Tờ trình, Đề án của KTNN và Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện thêm, đảm bảo sự thống nhất về tên gọi.

Bên cạnh đó, chủ trương của Đảng, Nhà nước hiện nay đặt ra yêu cầu việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy không được tăng thêm đầu mối và biên chế, không chuyển vụ thành cục… Do đó, một số đại biểu đề nghị KTNN báo cáo bổ sung, làm rõ về số lượng biên chế thực tế của TTTH cũng như căn cứ, điều kiện để tổ chức lại thành đơn vị cấp Cục, vì khi thành lập Cục thì khối lượng công việc sẽ nhiều và nặng nề hơn.

Tại Phiên họp, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đã phát biểu, làm rõ thêm một số nội dung các đại biểu quan tâm về cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, về biên chế khi thực hiện sắp xếp TTTH thành Cục Công nghệ thông tin và dữ liệu kiểm toán. “Chúng tôi kỳ vọng việc sắp xếp lại sẽ thực hiện tốt việc đào tạo tại chỗ nguồn kiểm toán viên có kiến thức về công nghệ thông tin để phục vụ cho công tác kiểm toán” - Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh.

Phát biểu kết luận Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị, KTNN tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại phiên họp, làm rõ hơn nữa cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, yêu cầu đặt ra khi tổ chức lại TTTH trong Tờ trình; hoàn thiện hồ sơ kèm theo báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến để kịp tiến độ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến tại phiên họp tới.

Cùng chuyên mục
Tổ chức lại Trung tâm Tin học là yêu cầu cấp bách, phù hợp với thực tiễn phát triển của Kiểm toán nhà nước