TOD là hướng ra để giải quyết bài toán khó về phát triển đô thị

(BKTO) - Góp ý vào Luật Thủ đô (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội ủng hộ chủ trương phát triển đô thị của Hà Nội theo hướng giao thông công cộng (TOD), đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo tiền đề cho Thành phố thực hiện các cơ chế đặc thù.

271120230828-to-ai-vang.jpg
Đại biểu Quốc hội Tô Ái Vang phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

Đầu tư cho những dự án TOD trong khu vực nội đô

Phát biểu thảo luận, đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn Sóc Trăng) nêu quan điểm, việc phát triển đường sắt đô thị theo mô hình TOD là cơ hội để Hà Nội phát triển đô thị nén, góp phần giảm tắc đường, tránh cho người dân, doanh nghiệp của Thủ đô không bị thiệt hại từ nguyên nhân này khoảng 23.300 tỷ đồng đến 27.900 tỷ đồng/năm.

“Chính TOD là lối đi hướng ra để xây dựng hệ thống đường sắt đô thị và giải quyết bài toán khó về phát triển đô thị.” - đại biểu nhấn mạnh.

Tuy nhiên, với mô hình phát triển đô thị mới chưa từng có tại Việt Nam sẽ không tránh khỏi tình trạng xuất hiện hàng loạt các mối quan hệ và các xung đột lợi ích của nhiều bên, có thể nằm ngoài năng lực vận hành của thiết chế hiện tại như: Giao thông vận tải, kế hoạch và đầu tư, quy hoạch kiến trúc, xây dựng tài chính, tài nguyên môi trường... Do đó, đại biểu đề nghị cơ qua soạn thảo cần làm rõ, nếu xác định TOD là mô hình giao thông mới được quy định trong Luật Thủ đô thì mô hình này có sự khác biệt nào so với những quy định trong Dự thảo Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao an toàn giao thông đường bộ đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 này.

Mặt khác, với mô hình TOD, cần có thiết chế mới nào để có sự chuẩn bị, đảm bảo đầy đủ hơn nữa cơ sở pháp lý để điều chỉnh các mối quan hệ mới xuất hiện, đảm bảo năng lực quản lý tốt mô hình TOD này.

Nhấn mạnh việc quy định các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy hoạch phát triển thủ đô, phải hướng đến các tiêu chí "Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại", phải yêu cầu cao hơn các tiêu chuẩn, quy chuẩn chung của cả nước, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP. Hà Nội) cho rằng, việc phát triển mô hình đô thị TOD không chỉ với những đô thị mới mà cả với những khu vực tái thiết đô thị, cải tạo tạo chung cư cũ, nhà ở cũ, xây dựng tự phát trong khu vực nội đô; khai thác không gian ngầm cho phát triển thương mại, dịch vụ; không gian trên cao cho phát triển nhà ở và tái định cư người dân tại chỗ; không gian mặt đất dành cho cây xanh và các công trình hoạt động công cộng.

“Thành phố không nên dành tiền để xây dựng những con đường đắt nhất hành tinh mà nên dành ngân sách đó để đầu tư cho những dự án TOD trong khu vực nội đô” - đại biểu Cường nêu quan điểm.

Tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô

Góp ý vào Dự thảo Luật, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) cho rằng, quy định đẩy mạnh phân quyền cho chính quyền TP. Hà Nội trong quyết định một số nội dung thuộc tổ chức bộ máy, biên chế tại Dự thảo Luật là một bước đột phá quan trọng, tạo tiền đề cho Thành phố thực hiện các cơ chế chính sách đặc thù trong Dự thảo.

271120230947-duong-khac-mai.jpg
Đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

Theo đại biểu, việc phân quyền cho HĐND Thành phố được quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể các cơ quan chuyên môn đặc thù, tổ chức hành chính đặc thù thuộc UBND TP. Hà Nội, quận, huyện, thị xã, tạo sự chủ động, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu kịp thời trong công tác quản lý nhà nước hiện nay. Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng cần nghiên cứu quy định thêm một số điều kiện, yêu cầu đặt ra để đảm bảo sự thận trọng, chặt chẽ hơn đối với việc thành lập các cơ quan mới này.

Quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) nhấn mạnh, việc trao những thẩm quyền vượt trội cho chính quyền TP. Hà Nội là phù hợp với định hướng, chính sách thể hiện trong Dự án Luật. Đại biểu đề nghị Dự thảo Luật cần tiếp tục quy định cụ thể hơn về phân định nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp chính quyền. Đồng thời, khi quy định thẩm quyền của HĐND Thành phố trong việc quyết định mô hình các cơ quan chuyên môn giúp việc thì cần xác định phạm vi các cơ quan chuyên môn đặc thù, tổ chức hành chính đặc thù, điều kiện tiêu chí thành lập loại hình tổ chức này.

Theo đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Đoàn Yên Bái) việc phân quyền mạnh cho HĐND, UBND Thành phố trong việc quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư; phân quyền cho UBND TP. Hà Nội được quyết định việc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc tế và quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật, định mức chi phí, đơn giá trong các lĩnh vực; ban hành phương thức thanh toán áp dụng riêng cho thành phố Hà Nội… trong Dự thảo Luật sẽ tạo tính linh hoạt, chủ động cho Thành phố trong việc quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) cũng cho rằng, cùng với đổi mới mô hình tổ chức chính quyền đô thị thì cần mạnh dạn tăng cường phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ và tự quyết của Hà Nội; coi đây là sự thí điểm mạnh mẽ trong việc phân cấp, phân quyền, để thực hiện cải cách tốt nhất bộ máy, thủ tục hành chính rút ngắn thời gian, đảm bảo kịp thời và chất lượng, hiệu quả.

Tuy nhiên, đại biểu cũng lưu ý, cùng với việc giao thẩm quyền thì phải gắn với trách nhiệm giải trình, trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, trước cấp trên, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra…/.

Cùng chuyên mục
TOD là hướng ra để giải quyết bài toán khó về phát triển đô thị