Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Kiểm toán nhà nước

(BKTO) - Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động Kiểm toán nhà nước (KTNN) luôn tin tưởng mạnh mẽ rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tư tưởng, tâm nguyện của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về vai trò quan trọng của KTNN đã được hiến định trong Hiến pháp; là cơ quan trọng yếu trong kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và kiểm soát quyền lực…

z5665491725407_60aaf2a1f11d1397d4fb5e2000d8f686(1).jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc với Lãnh đạo KTNN, tháng 3/2012. Ảnh: TRẦN SOẠN

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra đi, bỗng lòng tôi tràn ngập cảm xúc bàng hoàng xúc động và thương tiếc. Mới đây thôi, trên báo Kiểm toán, số Đặc biệt chào mừng 30 năm thành lập Ngành (11/7/1994 - 11/7/2024) đăng toàn văn Thư chúc mừng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động KTNN. Trong lá thư tràn đầy những tình cảm chân tình ấy, Tổng Bí thư căn dặn: “Nhiệm vụ của ngành Kiểm toán Nhà nước là rất nặng nề, nhưng cũng rất vẻ vang. Tôi tin tưởng, với truyền thống 30 năm bản lĩnh, trí tuệ, luôn tiên phong trong đổi mới, sáng tạo, toàn Ngành sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đáp ứng được kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân...

Lá thư mộc mạc chân tình ấy vẫn còn đây mà Người đã đi xa...

Tôi bỗng nhận ra rằng, dù chỉ được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần trong đời nhưng những gì mà tôi cảm nhận về ông vẫn còn đọng mãi trong tôi. Đó là vào ngày 08/3/2012, tôi được vinh dự tháp tùng Đoàn cán bộ lãnh đạo KTNN khi Tổng Bí thư có buổi làm việc với lãnh đạo Ngành tại Văn phòng Trung ương Đảng.

Đoàn Lãnh đạo KTNN do Tổng Kiểm toán nhà nước Đinh Tiến Dũng dẫn đầu, gồm có các Phó Tổng Kiểm toán nhà nước: Hoàng Hồng Lạc, Lê Minh Khái, Cao Tấn Khổng và GS. TS Đoàn Xuân Tiên.

Nơi làm việc chính là phòng làm việc thường ngày của Tổng Bí thư. Căn phòng thật gọn gàng và đơn giản; bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đang đọc báo ở Phủ Chủ tịch được treo trang trọng trên bức tường màu vàng nhạt giữa căn phòng; đối diện với bàn làm việc của Tổng Bí thư là tấm bản đồ Việt Nam; đằng sau và bên phải bàn làm việc là tủ sách bày rất ngăn nắp; mảng tường bên phải là tấm bản đồ thế giới.

Tổng Bí thư với khuôn mặt phúc hậu và nụ cười trìu mến bắt tay từng người và ngồi vào chiếc bàn vuông góc với phía trước bàn làm việc của Tổng Bí thư. Đến lúc này, tôi mới để ý thấy Tổng Bí thư mặc chiếc áo khoác đã cũ nhưng được là thẳng nếp.

Tôi đang loay hoay chọn góc chụp thì Tổng Bí thư giơ tay nói: “Phóng viên cứ đứng vào chỗ bàn làm việc mà chụp cho đẹp!”. Mọi người cùng cười rộ lên vui vẻ và thân tình.

Tổng Bí thư mở lời: “Hôm nay, tôi muốn mời các đồng chí sang đây để được nghe các đồng chí báo cáo trực tiếp về tình hình và hoạt động của KTNN - một cơ quan mới ra đời, lại không có tổ chức tiền thân trong bộ máy nhà nước và nghe các đề xuất, kiến nghị của các đồng chí. Có vấn đề gì thì các đồng chí cứ nói, đừng ngại...”

2.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh lưu niệm với Lãnh đạo KTNN, tháng 3/2012. Ảnh: TRẦN SOẠN

Tổng Kiểm toán nhà nước thay mặt các Phó Tổng Kiểm toán nhà nước báo cáo với Tổng Bí thư về kết quả hoạt động của KTNN từ ngày thành lập đến nay cũng như những đề xuất, kiến nghị với Đảng và Nhà nước về những băn khoăn về địa vị pháp lý của KTNN, về tình hình thực hiện kết luận và kiến nghị của KTNN đối với các đơn vị được kiểm toán...

Tổng Bí thư chăm chú lắng nghe và đôi lần nhìn sang bên cạnh, nơi đồng chí Đào Đức Toàn - Trợ lý Tổng Bí thư, phụ trách Văn phòng Tổng Bí thư đang mải miết ghi chép.

Được tận mắt chứng kiến và theo dõi buổi làm việc giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Lãnh đạo KTNN, tôi cảm nhận sâu sắc về 4 nhiệm vụ mà Tổng Bí thư giao cho KTNN cần tập trung thực hiện:

Thứ nhất, cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền giáo dục công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức; kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối không được dao động, mơ hồ... Tất cả vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Thứ hai, theo dõi và giám sát chặt chẽ tiến độ triển khai thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch được giao; đồng thời phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm kịp thời đối với những tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công của các đơn vị được kiểm toán. Tập trung làm rõ những vấn đề bất cập, phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; góp phần quan trọng vào việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Thứ ba, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên cường, trí tuệ và tâm huyết, có dũng khí đấu tranh; có trình độ chuyên môn cao, nói được, làm được; có phẩm chất đạo đức công tâm, trong sáng, không bị cám dỗ hoặc bị mua chuộc bởi tiền tài và của cải. Bởi "Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất", thức tỉnh đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay, nhất là người đứng đầu về phẩm chất, đạo đức liêm chính và danh dự. Điều thiêng liêng, cao quý ấy chính là ý thức giữ gìn và vun đắp phẩm giá và nhân cách một con người.

Thứ tư, hoạt động giám sát của Quốc hội ngày càng được tăng cường tính pháp quyền, dân chủ, công khai, minh bạch; nỗ lực hành động quyết liệt và hiệu quả vì lợi ích chung trên hết và trước hết của Nhân dân, của đất nước. Tích cực, chủ động trong nhận diện, đấu tranh, xử lý kịp thời, nghiêm minh một số tổ chức, cá nhân vi phạm, cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe và ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên. Nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN cũng chính là góp phần đổi mới hoạt động và tổ chức của Quốc hội, là xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam thật sự của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn thể hiện vai trò hạt nhân lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sát sao công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc; đặc biệt là công tác xây dựng Đảng và chỉnh đốn Đảng về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng sự đoàn kết, thống nhất tư tưởng, ý chí, hành động trong Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh toàn diện. Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng, tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ, giữ vững ổn định chính trị xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra đi để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với toàn Đảng, toàn quân và toàn thể dân tộc Việt Nam, đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè trên khắp năm châu. Trong niềm tiếc thương vô hạn ấy, trong trái tim này, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động KTNN luôn tin tưởng mạnh mẽ rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tư tưởng, tâm nguyện của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về vai trò quan trọng của KTNN đã được hiến định trong Hiến pháp, từng bước khẳng định là cơ quan kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công do Quốc hội thành lập; là cơ quan trọng yếu, hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và kiểm soát quyền lực; nâng cao trách nhiệm giải trình và đảm bảo tính công khai, minh bạch của các cơ quan sử dụng tài chính, tài sản công, phục vụ hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Chính phủ trong thực hiện chức năng lập pháp, giám sát, quản lý điều hành và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước./.

Cùng chuyên mục
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Kiểm toán nhà nước