Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Tổng cục Du lịch |
Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết, trong 6 tháng đầu năm, tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 413.400 lượt khách.
Tổng số khách du lịch nội địa 6 tháng đầu năm 2022 đạt 60,8 triệu lượt khách (tăng 1,9 lần so với cùng kỳ năm 2021; tăng 1,3 lần so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19).
Tổng thu từ khách du lịch đạt 265 nghìn tỷ đồng.
Tính đến hết tháng 6 năm 2022, cả nước có 2.415 doanh nghiệp lữ hành quốc tế (tăng 226 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2021) và 1.060 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa…
Theo báo cáo của các Sở Du lịch, Sở VH,TT&DL, lượng khách, doanh thu du lịch trong 6 tháng đầu năm 2022 của các địa phương đều tăng so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể: Hà Nội ước đón 8.610.000 lượt khách, tổng thu ước đạt 25.200 tỷ đồng; TP.HCM đón gần 15 triệu lượt khách, tổng thu đạt 49.681 tỷ đồng; Ninh Bình đón 1.780.000 lượt khách, tổng thu đạt 1.054 tỷ đồng; Lâm Đồng đón 3.720.000 lượt khách…
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, điểm nhấn trong hoạt động 6 tháng đầu năm của Tổng cục Du lịch là đã tham mưu Bộ VH,TT&DL trình Chính phủ, các cấp có thẩm quyền cho phép chủ trương mở cửa lại hoạt động du lịch, trên phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với Covid-19.
Tăng trưởng khách du lịch nội địa đã hoàn thành kế hoạch chỉ tiêu của năm 2022. Doanh nghiệp lữ hành đã bắt đầu trở lại thị trường. Số doanh nghiệp lữ hành quốc tế đăng ký hoạt động tăng gấp gần 15 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Du lịch cả nước 6 tháng đầu năm đạt được nhiều kết quả ấn tượng. |
Trong 6 tháng cuối năm, ngành du lịch sẽ tập trung vào nhiều nhiệm vụ, trong đó có nhóm các nhiệm vụ đề án trọng tâm là Đề án phát triển du lịch cộng đồng Việt Nam; rà soát, điều chỉnh Đề án phát triển du lịch biển, đảo Việt Nam; Đề án phát triển một số cụm du lịch đồng bộ, chất lượng, có quy mô lớn, đẳng cấp quốc tế; Quy chế điều phối hoạt động du lịch theo vùng phù hợp điều kiện thực tế phát triển các cụm, vùng du lịch và phù hợp với Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030; Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam giai đoạn 2022-2026; Đề án “Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”; Dự án chuyển đổi số trong ngành du lịch; tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch thông minh và xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh…