Tránh chồng lấn quy hoạch khoáng sản với các quy hoạch khác

(BKTO) - Tại Nghị trường Kỳ họp thứ 8, thảo luận về Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị Dự thảo Luật cần có những quy định cụ thể hơn để giải quyết tình trạng quy hoạch khoáng sản chồng lấn với các quy hoạch khác, làm ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế - xã hội của địa phương.

12.jpeg
Lập quy hoạch khoáng sản phải đánh giá lại hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ảnh minh họa

Lập quy hoạch khoáng sản phải đánh giá lại hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội địa phương

Chia sẻ thực tiễn tại địa phương, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) cho biết, hiện nay tỉnh Đắk Nông có hơn 1.000 công trình lớn nhỏ đang tạm dừng, không thực hiện được do vướng quy hoạch bôxít. Chưa kể, việc quy hoạch khoáng sản hiện nay đang chồng lấn với diện tích hệ thống giao thông quốc gia. Việc triển khai quy hoạch sẽ phá vỡ một số lượng lớn diện tích quy hoạch đất rừng, các khu bảo tồn, vườn quốc gia.

“Tôi đề nghị Điều 13 của Dự thảo về căn cứ quy hoạch khoáng sản nên xem xét, đánh giá bổ sung việc lập quy hoạch phải đánh giá lại hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Căn cứ hiện trạng, nhu cầu sử dụng đất của địa phương, từ đó lựa chọn, điều chỉnh diện tích quy hoạch nhằm đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội bền vững, ổn định, tránh những khu vực quy hoạch khai thác khoáng sản làm lãng phí nguồn lực đất đai do sử dụng đất không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp hơn so với triển khai các dự án đầu tư. Đây là căn cứ quan trọng cho việc điều chỉnh quy hoạch khoáng sản. Đề nghị này cũng hoàn toàn phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đó là nguồn lực đất đai được khai thác đảm bảo công bằng và ổn định xã hội, tiết kiệm, bền vững và hiệu quả nhất” - ông Mai chỉ rõ.

Đồng quan điểm, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước) chia sẻ: Hiện nay, tỉnh Bình Phước đang triển khai các dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) và Chơn Thành (Bình Phước) có chồng lấn với quy hoạch bôxít. Đây cũng là khó khăn, thách thức rất lớn đối với 2 tỉnh, vì khi thực hiện dự án trên khu vực có quy hoạch khoáng sản đã được phê duyệt theo quy định thì phải thực hiện thu hồi, bảo vệ tài nguyên khoáng sản. Trong khi đó, các khoáng sản bôxít thường xen lẫn các vật liệu đất đắp, nếu thực hiện thu hồi thì sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến nguồn vật liệu đất đắp và mất rất nhiều thời gian để thực hiện dự án cao tốc.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận) nêu băn khoăn: Quy định tại điểm b khoản 1 Điều 35 được hiểu là tất cả các dự án xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho lợi ích quốc gia theo quy định của Luật Đất đai có thời gian ổn định lâu dài hoặc có thời gian hoạt động dài hơn thời gian dự trữ khoáng sản, còn lại phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép thì mới được triển khai. Tuy nhiên, trên thực tế, có những công trình nhỏ như: Điện, đường, trường, trạm, cống thoát nước hay hạ tầng viễn thông… và các công trình cấp bách phải thực hiện ngay. Nếu phải chờ ý kiến của Thủ tướng thì sẽ rất khó khăn và kéo dài thời gian không cần thiết, nhất là các địa phương có quy hoạch khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia như: Bình Thuận (quy hoạch titan) hay Lâm Đồng, Bình Phước, Đắk Nông (quy hoạch bôxit). “Nếu quy định như trên thì công việc của Thủ tướng Chính phủ khi Luật này có hiệu lực sẽ phát sinh rất nhiều và cũng không phù hợp với xu hướng phân cấp, phân quyền mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước hiện nay” - đại biểu chỉ rõ.

Bên cạnh đó, đại biểu nhận thấy, nếu quy định như khoản 2 Điều 35 của Dự thảo thì tất cả các dự án, công trình chấp thuận đầu tư, dự án trong khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia đều phải đánh giá mức độ ảnh hưởng tới tài nguyên, trữ lượng, chất lượng, giải pháp bảo vệ khoáng sản thuộc khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia. Quy định trên là chưa phù hợp, vì thực tế có những dự án, công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ lợi ích quốc gia, những công trình phục vụ lợi ích công cộng nhỏ lẻ, quy mô nhỏ như tại điểm c khoản 1, thì việc đánh giá theo quy định trên là không cần thiết. Hơn nữa, nếu đánh giá về mức độ ảnh hưởng đến tài nguyên, dự trữ và chất lượng cũng như các biện pháp bảo vệ khoáng sản thì các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp cũng sẽ rất khó khăn về nguồn lực, thiết bị, phương tiện kỹ thuật, kinh phí và thời gian thực hiện, đồng thời tổng mức đầu tư của các công trình trên sẽ tăng rất cao trong khi các công trình thì rất nhỏ.

Ngoài ra, theo khoản 4 Điều 35 của Dự thảo, tất cả các dự án quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư đều phải có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT), Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh nơi có khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia. Đại biểu thấy rằng, quyết định này sẽ mất thời gian thực hiện, thủ tục phát sinh và có thể làm chậm trễ tiến độ trong quá trình thực hiện các dự án thuộc thẩm quyền quyết định hoặc chấp thuận đầu tư của UBND cấp tỉnh.

Chủ động tháo gỡ vướng mắc cho địa phương

Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Bộ TNMT Đỗ Đức Duy cho biết, về phân công cơ quan chủ trì lập quy hoạch khoáng sản, Dự thảo Luật giao cho Chính phủ quy định. Việc này theo tinh thần của Luật Khoáng sản năm 2010 và Nghị định số 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Quy định này cũng đảm bảo tính linh hoạt, chủ động của Chính phủ trong quản lý, điều hành, quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực có liên quan đến nhiều Bộ, ngành, địa phương.

Bên cạnh đó, các đại biểu đồng thuận với việc cần có điều chỉnh quy hoạch khoáng sản, trong trường hợp điều chỉnh cục bộ thì theo trình tự, thủ tục rút gọn và giao Chính phủ quy định. “Đây là quy định hết sức cần thiết, đặc biệt với quy hoạch khoáng sản khi trong nhiều trường hợp do đã lập quy hoạch dựa trên số liệu điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản nhưng trong quá trình thăm dò và khai thác có thể số liệu thay đổi” - Bộ trưởng đánh giá.

Đối với một số ý kiến liên quan đến bất cập của quy hoạch bôxít hiện nay, Bộ trưởng chia sẻ với khó khăn của các địa phương. “Các loại khoáng sản đặc thù như bôxít, titan phân bố rất rộng, cần phải đánh giá thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng, nhất là các yếu tố tác động khi tổ chức lập quy hoạch, tránh khi quy hoạch được phê duyệt lại có vướng mắc liên quan đến các hoạt động kinh tế - xã hội” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng cho biết, hiện nay quy hoạch bôxít nằm trong quy hoạch khoáng sản Việt Nam được phê duyệt năm 2023. Bộ Công Thương được Chính phủ giao chủ trì lập quy hoạch này. Hiện nay, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch, trong đó không chỉ Bộ Công Thương mà Bộ TNMT cũng được giao là cơ quan chủ trì, phối hợp với các địa phương tiến hành rà soát, xác định những vị trí không thực sự phù hợp hoặc trữ lượng khoáng sản không lớn để có thể đưa ra khỏi quy hoạch, bảo đảm cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội khác. “Đây cũng thể hiện việc phân công, phân cấp cũng như phối hợp giữa các cơ quan trong quản lý hoạt động khoáng sản. Chính phủ vẫn đang chỉ đạo thực hiện theo đúng tinh thần tháo gỡ vướng mắc cho địa phương” - Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh./.

Cùng chuyên mục
  • Cân nhắc phạm vi thí điểm mở rộng đất cho nhà ở thương mại
    28 ngày trước Đầu tư
    (BKTO) - Trong bối cảnh còn nhiều dự án nhà ở thương mại đầu tư dở dang, các đại biểu Quốc hội đề nghị đánh giá kỹ về phạm vi áp dụng thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, để bảo đảm phù hợp, khả thi, trách lợi dụng chính sách phát triển nhà ở tràn lan, thiếu kiểm soát.
  • “Cầu nối” tiếp sức cho hàng Việt vươn ra thị trường toàn cầu
    28 ngày trước Kinh tế
    (BKTO) - Hiện nay, xu hướng kinh doanh trên thế giới đang biến đổi nhanh chóng, theo đó hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) Việt cũng sẽ phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu của các thị trường trên thế giới. Trong bối cảnh đó, cộng động DN Việt Nam mong muốn các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục phát huy vai trò là “cầu nối” tư vấn, tiếp sức cho DN Việt Nam trong quá trình vươn ra thị trường toàn cầu.
  • Thách thức với ngành gỗ trong thực hiện mục tiêu xuất khẩu
    28 ngày trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Xuất khẩu gỗ tiếp tục tăng trưởng ấn tượng, góp phần quan trọng vào kết quả chung của toàn ngành nông nghiệp. Song việc thực hiện mục tiêu xuất khẩu cũng đang phải đối diện với nhiều thách thức, đặc biệt là nguy cơ thiếu nguyên liệu cho xuất khẩu.
  • Chú trọng chuyển giao, làm chủ công nghệ trong đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam
    28 ngày trước Đầu tư
    (BKTO) - Thống nhất cao về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng để bảo đảm hiệu quả đầu tư dự án, đặc biệt là về nguồn vốn đầu tư, công nghệ, nguồn nhân lực khi đầu tư Dự án.
  • Quốc hội thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2025
    28 ngày trước Tài chính
    (BKTO) - Chiều 13/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, với 432/432 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 90,19% tổng số đại biểu Quốc hội).
Tránh chồng lấn quy hoạch khoáng sản với các quy hoạch khác