Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam Hồ Đức Phớc ký Tuyên bố cam kết kèm theo Điều khoản tham chiếu cuộc kiểm toán hợp tác việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công - Ảnh: Nguyễn Lộc |
Dự kiến, tham dự Hội nghị có đại diện 4 Bộ, ngành và 12 địa phương có liên quan; lãnh đạo KTNN và KTNN chuyên ngành III; lãnh đạo các Tổ và Đoàn kiểm toán việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công gắn với việc thực hiện SDG và đại diện các bộ phận chức năng có liên quan.
Hội nghị sẽ công bố Quyết định Kiểm toán việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công gắn với việc thực hiện SDG.
Theo đó, mục tiêu của cuộc kiểm toán là đánh giá công tác quản lý nhà nước và việc tuân thủ các cam kết quốc tế của Việt Nam trong quản lý, sử dụng và bảo vệ nguồn nước lưu vực sông Mê Công, gắn với việc thực hiện Mục tiêu cụ thể 6.5 thuộc Mục tiêu phát triển bền vững số 6 (SDG 6) của Liên Hợp Quốc.
Cuộc kiểm toán tập trung vào 2 nội dung gồm: công tác quản lý nhà nước đối với nguồn nước lưu vực sông Mê Công; việc tuân thủ cam kết quốc tế của Việt Nam trong quản lý, sử dụng và bảo vệ nguồn nước lưu vực sông Mê Công.
Phạm vi kiểm toán là giai đoạn 2016-2020 và thời kỳ trước, sau có liên quan. Địa điểm kiểm toán là tại 4 Bộ, cơ quan và 12 tỉnh, thành phố. Thời hạn kiểm toán là 58 ngày kể từ ngày công bố Quyết định kiểm toán tại đơn vị.
Đoàn kiểm toán việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công gắn với thực hiện SDG do ông Đinh Văn Dũng - Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành IIII - làm Trưởng đoàn.
Việc triển khai cuộc kiểm toán là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh Việt Nam và các quốc gia hạ lưu sông Mê Công đang đứng trước nguy cơ mất an ninh nguồn nước do việc quản lý, khai thác và sử dụng nguồn nước bất hợp lý, thiếu tính bền vững.
Sông Mê Công chảy qua 6 quốc gia Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam, mang lại nhiều nguồn lợi cho các quốc gia và người dân sinh sống trong lưu vực.
Hiện nay, dưới sức ép của quá trình phát triển kinh tế, sự thiếu đồng thuận về lựa chọn chiến lược phát triển bền vững, các nước trong lưu vực đã và đang khai thác triệt để các nguồn lợi từ hệ thống sông Mê Công nhằm phục vụ các ưu tiên phát triển của quốc gia.
Ở vị thế quốc gia cuối nguồn và hơn 60% lưu lượng nước phụ thuộc vào thượng nguồn nằm ngoài biên giới, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ mất an ninh nguồn nước từ việc khai thác, sử dụng nước thiếu bền vững của các quốc gia thượng nguồn. Trong đó, Đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá là vùng sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Trước thực trạng trên, với cương vị Chủ tịch Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) nhiệm kỳ 2018-2021, KTNN Việt Nam đã đề xuất thực hiện cuộc kiểm toán hợp tác “Việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công, gắn với việc thực hiện các SDG” vào Kế hoạch chiến lược của ASOSAI giai đoạn 2020-2021 và tổ chức thực hiện vào năm 2021.
Đề xuất cuộc kiểm toán này còn nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) về việc thúc đẩy vai trò của cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) trong việc thực hiện thành công Chương trình nghị sự đến năm 2030 của Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững và Tuyên bố Hà Nội.
Cuộc kiểm toán hợp tác được thực hiện theo hình thức kiểm toán song song, do KTNN Việt Nam chủ trì và SAI Thái Lan, Myanmar là thành viên. Mục tiêu của cuộc kiểm toán là nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công mang tính bền vững, cải thiện môi trường sống và sự phát triển hài hòa của các quốc gia thuộc lưu vực sông Mê Công, trong đó có Việt Nam./.
THÀNH ĐỨC