Triển lãm quốc tế ngành dệt may và công nghệ dệt Việt Nam - VIATT 2024 diễn ra từ ngày 28/02 đến 01/03/2024.
Những doanh nghiệp tham gia Triển lãm lần này trải rộng trong toàn chuỗi cung ứng giá trị của dệt may, bao gồm doanh nghiệp xơ sợi, công nghệ, dệt nhuộm, vải thành phẩm, thiết kế và may mặc.
Với tiềm năng phát triển ngành dệt may tại Việt Nam rất lớn, việc tổ chức Triển lãm đã thu hút đông đảo doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt các thương hiệu dệt may lớn đến từ Anh, Đức, Ý, Hoa Kỳ, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Hiện Việt Nam là nhà xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ ba thế giới. Cùng với sự hiện diện tại Triển lãm này, nhiều nhà sản xuất dệt may quốc tế kỳ vọng sang Việt Nam mở rộng hoạt động, thúc đẩy ngành công nghiệp nội địa vốn đã phát triển mạnh mẽ.
Việt Nam là thành viên của các hiệp định thương mại quốc tế sẽ thúc đẩy ngành dệt may của nước ta ngày càng phát triển hơn nữa trong tương lai.
Trong những năm qua, ngành công nghiệp dệt may Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng của nền kinh tế đất nước. Hiện nay, dệt may có kim ngạch xuất khẩu và tốc độ tăng trưởng cao và là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực, giữ vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế, chiếm 12 - 16% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất của Việt Nam, tiếp đến là Nhật bản, Hàn Quốc và khối EU. Bên cạnh đó, Việt Nam đã xuất khẩu một lượng đáng kể hàng dệt may sang Canada, Trung Quốc, Anh, Australia, Nga, Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ.
Tính riêng từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 4,9 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023. Thị trường xuất khẩu của ngành dệt may đã có sự khởi sắc so với năm 2023, ngay sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn, đồng loạt các nhà máy đã hoạt động, với tỷ lệ khá cao người lao động quay trở lại làm việc.
Ngành dệt may phấn đấu trong năm 2024 kim ngạch xuất khẩu đạt 44 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2023. Việc tổ chức Triển lãm VIATT 2024 là cơ hội để các nhà trưng bày và nhà mua hàng có thể sử dụng dịch vụ kết nối kinh doanh toàn cầu nhằm tiếp cận đơn hàng xuất nhập khẩu.
Trong khuôn khổ Triển lãm, nhiều hội thảo chuyên đề đã diễn ra, hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may tiếp cận xu hướng, chiến lược tiếp cận thị trường, công nghệ dệt và vải không dệt, các vấn đề thúc đẩy phát triển bền vững ngành dệt may trong thời gian tới./.