Cần sự hợp tác chặt chẽ để tận dụng công nghệ và đạt được giá trị lâu dài

(BKTO) - Các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo tổng hợp (GenAI), điện toán lượng tử khiến cho Internet vạn vật (IoT) và AI mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Cùng với đó, các ưu tiên khác cũng đang phát triển với tốc độ nhanh chóng, buộc các doanh nghiệp (DN) phải suy nghĩ thấu đáo về ý nghĩa của việc đầu tư vào công nghệ, từ tính bền vững đến đạo đức và tuân thủ.

1.png
GenAI, điện toán lượng tử và 5G đang dần trở nên vượt trội hơn so với blockchain, thực tế ảo trong cuộc đua đầu tư vào công nghệ mới. Nguồn: EY

Công nghệ mới đang định hình lại doanh nghiệp

Theo nghiên cứu “Tương lai ngành công nghiệp tái tạo” của EY, GenAI đã nhanh chóng dẫn đầu trong chương trình đầu tư của DN, với 43% tổ chức hiện đang đẩy mạnh đầu tư vào nó. 5G và điện toán lượng tử cũng đang chứng kiến ​​hoạt động đầu tư tăng lên hàng năm.

Trong vòng 1 - 3 năm tới, các kế hoạch đầu tư vào công nghệ của DN tập trung vào 5G (52%), điện toán lượng tử (46%) và GenAI (43%). Trong khi đó, nhóm được đầu tư mạnh những năm trước đây có sự tương phản rõ rệt, chẳng hạn như blockchain chỉ 15%, thực tế ảo và thực tế tăng cường chỉ 18%.

Tuy nhiên, các chuyên gia của EY cho rằng, khả năng mở rộng của các công nghệ mới nổi không được đảm bảo. Mặc dù có mức đầu tư cao nhưng với công nghệ mới nổi, hầu hết các tổ chức vẫn chỉ ở giai đoạn triển khai thử nghiệm, đặc biệt là GenAI vẫn ở giai đoạn sơ khai. Ngược lại, điện toán đám mây, IoT, thực tế ảo và thực tế tăng cường đều được xếp hạng hoạt động tốt, triển khai tích cực.

 64% doanh nghiệp tin rằng các công nghệ mới về cơ bản gây ra thách thức cho chương trình chuyển đổi hiện tại của họ.

Nguyên nhân được xác định là do các DN thiếu tự tin vào việc có thể tích hợp các công nghệ mới vào quy trình kinh doanh chính thống, và có tới 63% DN đánh giá việc chuyển từ thử nghiệm sang triển khai rộng rãi là một thách thức.

Việc mở rộng hiệu quả các công nghệ tiên phong trong DN sẽ đòi hỏi các khuôn khổ chuyển đổi linh hoạt và 52% nhà lãnh đạo cho rằng điều đó buộc tổ chức của họ phải đặt câu hỏi liệu chương trình chuyển đổi kỹ thuật số có phù hợp với mục đích phát triển hay không.

Theo đó, quản trị dữ liệu là một điểm yếu, với 74% tổ chức cho rằng điều này cần phải cải thiện. Trong khi đó, các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG) tiếp tục tăng tầm quan trọng, với 83% tổ chức đánh giá đây là yếu tố quan trọng hoặc được cân nhắc hàng đầu trong các quyết định đầu tư công nghệ mới nổi. 70% DN nhấn mạnh rằng họ cần phải làm nhiều hơn để hài hòa các chiến lược công nghệ và bền vững của mình.

Một rào càn nữa được các chuyên gia của EY phát hiện từ kết quả nghiên cứu là kỹ năng và kiến ​​thức. 75% DN đang cố gắng để hiểu rõ hơn về cách kết hợp các công nghệ mới nổi nhằm tạo ra giá trị. Hơn nữa, các DN cũng muốn khám phá những điểm giao thoa giữa các công nghệ cụ thể, trong đó, thực tế ảo và thực tế tăng cường, điện toán lượng tử và chuỗi khối ngày càng trở nên quan trọng khi trở thành ứng cử viên cho việc tích hợp với 5G và IoT.

Đã có sự hợp tác về hệ sinh thái nhưng không được ưu tiên đúng mức

Nghiên cứu của EY cho thấy, các giải pháp mà nhà cung cấp công nghệ và viễn thông đưa ra không theo kịp nhu cầu của DN về sự kết hợp của công nghệ tiên tiến. 60% DN cho rằng các nhà cung cấp không trình bày đầy đủ về cách IoT có thể được tích hợp với AI và điện toán.

Tương tự, 59% tin rằng các nhà cung cấp không đủ khả năng để nâng cấp AI như một phần của giải pháp 5G và IoT. Sự thiếu hiểu biết về thương mại cũng là một điểm yếu khi có tới 70% DN đánh giá các nhà cung cấp cần trình bày rõ ràng hơn lợi ích kinh doanh từ những giải pháp mà họ đưa ra.

Các DN nhận ra rằng, họ cần cộng tác với các nhà cung cấp và đồng nghiệp theo những cách mới nếu muốn khai thác triệt để công nghệ. Thực tế, 69% DN đã hợp tác với các tổ chức khác như một phần của hệ sinh thái, với việc tiếp cận kiến ​​thức và kỹ năng mới là động lực hàng đầu, tiếp theo là khả năng tiếp cận các giải pháp công nghệ.

Những động lực thúc đẩy sự tham gia của hệ sinh thái này sẽ giúp các DN giải quyết lỗ hổng kiến ​​thức mà họ gặp phải, đồng thời mở ra khả năng tiếp cận những tổ hợp công nghệ mới từ các nhà cung cấp khác nhau. Tuy nhiên, hiện nay, chiến lược hệ sinh thái không được ưu tiên đúng mức.

Ngoài ra, có tớ 60% DN cho rằng họ khó thực hiện quan hệ đối tác đa phương. Do đó, DN sẽ ưu tiên các nhà cung cấp công nghệ có khả năng phối hợp hiệu quả với các nhà cung cấp và đối tác khác, đồng thời đưa ra giải thích rõ hơn về vai trò và vị trí trong hệ sinh thái của họ.

Giải quyết các thách thức để tối đa hóa chuyển đổi kỹ thuật số

Cả DN và nhà cung cấp đều đang gặp áp lực trong quá trình kết hợp các công nghệ khác nhau và đưa ra quyết định sáng suốt. Để giải quyết những thách thức này, các chuyên gia của EY khuyến nghị, với nhu cầu kết hợp các công nghệ mới nổi và giải pháp toàn diện ngày càng tăng, các DN cần tạo ra một nhóm làm việc có thể đánh giá sự giao thoa giữa các công nghệ mới nổi khác nhau, từ đó nâng cao chuyên môn và kinh nghiệm về công nghệ. Đây là tiền đề để xây dựng và chia sẻ những bài học mới trong nội bộ, giúp mở rộng quy mô thử nghiệm và thí điểm công nghệ mới.

Bên cạnh đó, trước áp lực của chương trình chuyển đổi, việc đánh giá lại triển vọng công nghệ của DN trong vòng 5 - 10 năm tới là cần thiết để các DN vừa tối ưu hóa khoản đầu tư ban đầu, vừa giúp đảm bảo các nguồn lực có sẵn đáp ứng kịp thời. Để đạt được điều này, DN cần tuân thủ nguyên tắc cơ bản về chuyển đổi và đánh giá xem chúng có phù hợp với mục đích hay không.

Thời gian tới, các DN cũng phải chú trọng hơn vào việc đào tạo lại kỹ năng và quản lý đối tác. Các nhà cung cấp công nghệ và viễn thông cần được truyền đạt rõ mục đích kinh doanh và yêu cầu của DN để cung cấp các giải pháp phù hợp, hiệu quả hơn.

Đồng thời, hệ sinh thái nhà cung cấp cần được hình thành, từ đó tìm ra nhà cung cấp công nghệ có khả năng khác biệt và ưu tiên các nhà cung cấp có thể điều phối đối tác khác để tăng tương tác, tạo và duy trì giá trị cho doanh nghiệp trong thời gian dài.

Cùng chuyên mục
Cần sự hợp tác chặt chẽ để tận dụng công nghệ và đạt được giá trị lâu dài