Triển vọng “con tàu” kinh tế Việt Nam 2024

Minh Duy - Hạnh Nhân | 07/01/2024 16:29

(BKTO) - Với những chỉ số lạc quan của nền kinh tế năm 2023, giới chuyên gia và các tổ chức tài chính đưa ra dự báo đầy triển vọng cho "con tàu" kinh tế Việt Nam năm 2024. Trong Kỳ họp thứ 6 vừa qua, Quốc hội khóa XV đã thông qua mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 từ 6 - 6,5%. Nhiều ý kiến cho rằng, mục tiêu này là khả thi và có thể đạt được.

1(1).jpg
Dệt may được dự báo sẽ lấy lại đà tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2024. ẢNH: QUANG VINH.

Nền kinh tế Việt Nam năm 2023 nằm trong xu hướng khó khăn chung của thế giới nhưng vẫn là điểm sáng nổi bật với những tín hiệu phục hồi rõ nét. Theo công bố của Tổng Cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2023, GDP nước ta đạt 5,05%. Thống kê Quy mô GDP theo giá hiện hành năm 2023 ước đạt 10.221,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 431 tỷ USD.

Dù không đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra nhưng so với mặt bằng chung của thế giới và khu vực thì đây là mức tăng trưởng cao. Nói như PGS,TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, năm 2023 kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô. Đó là một thành công giữa thế giới bất ổn.

Tín hiệu phục hồi rõ nét

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương thông tin, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục là “bệ đỡ” của nền kinh tế đang tích cực đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu vừa đảm bảo nguồn cung và an ninh lương thực vừa gặt hái được nhiều kết quả tích cực tạo nên tăng trưởng ổn định trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp có xu hướng phục hồi tích cực trong những tháng cuối năm làm cho tăng trưởng của ngành này đạt 6,86% trong quý IV đạt và cả năm 2023 đạt 3,02%, trong đó hoạt động công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,97% trong quý IV và 3,62% trong năm 2023; hoạt động sản xuất và phân phối điện tăng 7,76% trong quý IV và 3,79% trong năm 2023 phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ điện trong sản xuất và đời sống dân cư.

Đáng chú ý, ngành xây dựng có tốc độ tăng trưởng vượt bậc do thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, giá một số nguyên vật liệu chủ yếu phục vụ cho xây dựng (sắt, thép, xi măng…) hạ nhiệt sau thời gian dài tăng giá, lãi suất thấp và hoạt động thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là điểm sáng.

Một số ngành dịch vụ thị trường tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định kể từ đầu năm như: Bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng 9,88%; vận tải kho bãi tăng 9,97%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 8,85%. Tính chung cả năm 2023 các ngành này vẫn tăng trưởng khá tốt, là điểm sáng của khu vực dịch vụ trong năm 2023…

Tuy nhiên, Tổng Cục Thống kê nhận định, bên cạnh những kết quả đạt được, bước sang năm 2024, kinh tế - xã hội nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt.

Dù vậy, có thể thấy, những chỉ số lạc quan của nền kinh tế năm 2023 là lực đẩy cho "con tàu" kinh tế Việt Nam năm 2024. Đặc biệt, năm 2024 được coi là năm tăng tốc để thực hiện các mục tiêu mà Đại hội Đảng XIII đã đề ra cũng như tập trung hoàn thành nhiệm vụ của giai đoạn 2021-2025.

Tại Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6-6,5%. Nhiều ý kiến cho rằng, mục tiêu này là khả thi và có thể đạt được.

Đặc biệt, hàng loạt chính sách được ban hành trong năm 2023 sẽ có tác động rõ nét hơn đến nền kinh tế trong năm tới. Các động lực về đầu tư (bao gồm cả đầu tư tư nhân, FDI, đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước), tiêu dùng, du lịch và xuất khẩu tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ.

Nhiều tổ chức đưa ra dự báo đầy triển vọng về kinh tế Việt Nam trong năm 2024. Cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch Ratings dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 6,3% vào năm 2024 trong bối cảnh chính sách tài chính và tiền tệ trong nước của Việt Nam đã hỗ trợ nhiều cho nền kinh tế.

Còn Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) do Ngân hàng Phát triển châu Á công bố mới nhất, tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Việt Nam được dự báo sẽ duy trì ở mức 6%.

Trong nước, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng GDP năm 2024, trong đó ở kịch bản cơ sở (dễ xảy ra) GDP tăng 6%, kịch bản cao là 6,5% và kịch bản thấp là 5,5%.

thep-viet-y-anh-trang-6.jpg
Công nhân vận hành dây chuyền sản xuất thép tại Công ty Thép Việt - Ý. Ảnh: QUANG VINH.

Lạm phát năm 2024 sẽ không quá lớn

Hiến kế cho nền kinh tế năm 2024, giới chuyên gia đã có những góc nhìn đa chiều. Đáng lưu ý, lạm phát được dự báo áp lực sẽ không quá lớn. Chuyên gia kinh tế - tài chính Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhìn nhận năm 2024, lạm phát có chiều hướng thuận nhiều hơn.

Theo đó, kịch bản thứ nhất, nếu giá dầu và nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, lạm phát của các nền kinh tế lớn vẫn ở mức cao. Trong khi nếu kinh tế thế giới phục hồi chậm, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng cơ hội tăng trưởng từ các hiệp định thương mại tự do thì kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng ở mức 5,5 - 6,5%. Như vậy, lạm phát cả năm sẽ vào khoảng 3,2 - 3,5%.

Kịch bản thứ hai, nếu giá dầu thô, nguyên vật liệu dao động ở mức như hiện nay hoặc thấp hơn, kinh tế thế giới phục hồi tốt hơn dự báo đầu năm. Đồng thời, các gói hỗ trợ tăng trưởng kinh tế phát huy hiệu quả tốt, giúp doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất nhập khẩu, khu vực du lịch, dịch vụ tăng trưởng mạnh mẽ, giải ngân đầu tư công đạt mức cao thì khả năng lạm phát cả năm có thể 3,5 - 3,8%.

Ở góc nhìn khác, TS. Nguyễn Minh Sơn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - nhấn mạnh một trong những giải pháp quan trọng trong thời gian tới là cần chú trọng phát triển thị trường trong nước. Trong đó, cần tổ chức lại hệ thống phân phối theo cách tiếp cận mới, tức là phân phối theo kiểu 4.0, thúc đẩy phân phối hàng hóa trên nền tảng số, thương mại điện tử; đồng thời sử dụng các hình thức khuyến mại, xúc tiến thương mại… để kích thích tiêu dùng thị trường trong nước.

Đối với xuất khẩu, chúng ta cần tận dụng và khai thác hết tiềm năng, lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết. Trên cơ sở các FTA, các Bộ, ngành, địa phương phải hỗ trợ cho doanh nghiệp để tiếp cận các thị trường đó, có những khuyến nghị về những mặt hàng có thể xuất vào các thị trường này, nhất là hướng đến sản xuất các sản phẩm xanh và bền vững. Còn nếu ký xong mà cứ để trên giấy, để doanh nghiệp tự bơi thì rất khó phát huy hiệu quả của các FTA.

Mặt khác, GS,TS. Tô Trung Thành - Trưởng phòng Quản lý khoa học trường Đại học Kinh tế quốc dân - cũng lưu ý, Việt Nam cần tập trung vào các chính sách trọng cung, đó là cải thiện về mặt thể chế kinh tế, tạo điều kiện về môi trường một cách tốt nhất cho các thành phần của nền kinh tế, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân vốn đang bị suy giảm nguồn lực nghiêm trọng.

Còn với đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn TP Hà Nội), bước sang năm 2024 sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục giữ tốt đà đi lên của năm 2023, không chỉ đạt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6 - 6,5% trong năm 2024, mà còn tạo ra môi trường phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, đón nhận các dòng đầu tư mới theo xu thế phát triển mới đang có nhiều cơ hội vào Việt Nam trong thời gian tới.

“Chúng ta cũng kỳ vọng sẽ kêu gọi được các tập đoàn lớn của thế giới. Nếu năm 2024 tận dụng tốt được cơ hội đó, có thể Việt Nam sẽ tạo ra làn sóng kêu gọi đầu tư và tạo ra niềm tin đầu tư, thúc đẩy nhà sản xuất, hoạt động dịch vụ, thúc đẩy tiêu dùng… Đây là tiền đề để chúng ta tin đất nước sẽ phát triển và đạt mức tăng trưởng cao” - ông Cường phân tích.

“Trong bối cảnh hiện nay, đặt mục tiêu tăng trưởng 6% đến 6,5% là khả quan bởi ba trụ cột tăng trưởng: xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng đều rất khả quan. Xuất khẩu trong thời gian qua bị kìm hãm nhưng cuối năm đã phục hồi rất tốt, có triển vọng. Trong thời gian tới, nhu cầu thị trường thế giới tăng, khả năng phục hồi của xuất khẩu của nước ta là rõ nét. Cùng với đó, nhu cầu của thị trường trong nước cũng đang có dấu hiệu phục hồi. Cuối năm 2023 và đầu năm 2024, khối lượng tiền lớn từ gói hỗ trợ kích cầu theo Nghị quyết 43 được đưa vào nền kinh tế mới thực sự ngấm, phát huy hiệu quả sẽ tác động lớn tới thị trường. Lượng tiền lớn ra thị trường sẽ kích thích sản xuất, tiêu dùng.
Về đầu tư, đầu tư công vẫn được giải ngân tuy có chậm, song, đầu tư tư nhân sẽ phục hồi bởi sau một năm khó khăn, thị trường và doanh nghiệp cũng dần phục hồi. Về tiêu dùng, năm 2024, Việt Nam sẽ thực hiện cải cách tiền lương, điều này cũng tạo sức cầu lớn, do đó, nền kinh tế có cơ sở tăng mạnh hơn năm nay. Nếu như không có những yếu tố tác động ngược chiều, đột biến thì mục tiêu tăng trưởng đề ra trong năm 2024 hoàn toàn có thể đạt được”. dung trích dẫn...

Tác giả Ông Trần Văn Lâm - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội dẫn

Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV Cấn Văn Lực:

Phải hết sức nỗ lực mới đạt được chỉ tiêu được giao

ong-can-van-luc-y-kien-1.jpeg

Tăng trưởng kinh tế của thế giới năm 2024 về cơ bản sẽ đi ngang hoặc có thể giảm hơn so năm 2023, lạm phát giảm nhưng vẫn còn cao, lãi suất trên thế giới vẫn còn rất cao, rủi ro về tài chính, rủi ro về an ninh năng lượng, lương thực trên thế giới còn nhiều, tác động tiêu cực đến vấn đề đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu. Chúng ta phải hết sức nỗ lực mới đạt được chỉ tiêu mà Quốc hội, Chính phủ đã đề ra là tăng trưởng 6 - 6,5%, lạm phát kiểm soát ở mức khoảng 3,5 - 4%.

Tôi mong rằng Quốc hội, Chính phủ tiếp tục đồng hành chỉ đạo để phát huy tốt các động lực tăng trưởng: xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng. Phải kích cầu cả đầu tư và tiêu dùng. Động lực tăng trưởng mới hết sức quan trọng cần khai thác tốt hơn là kinh tế số, kinh tế xanh, liên kết vùng, đặc biệt là ba cực tăng trưởng: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đóng góp 32% tăng trưởng của cả nước trong năm qua.

Đồng thời tiếp tục duy trì những cơ chế chính sách về tài khóa, tiền tệ cho cả năm 2024, đặc biệt quan tâm hơn đến phối hợp chính sách, đến rủi ro hệ thống, rủi ro liên thông giữa tài chính - bất động sản.

Phải tiếp tục kiên định ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh thế giới còn rất nhiều bất ổn. Đẩy nhanh hơn, mạnh hơn cơ cấu lại doanh nghiệp, tổ chức tín dụng yếu kém và vấn đề xử lý nợ xấu, vì nó đã và đang tăng.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục quan tâm hoàn thiện và thực thi thể chế, vấn đề thực thi là rất quan trọng, nhất là các quy hoạch, các luật quan trọng vừa qua được ban hành, xây dựng các mô hình kinh tế mới, kinh doanh mới. Cuối cùng là cải thiện chất lượng tăng trưởng vốn dĩ khá thấp trong vài năm qua. Năng suất lao động của chúng ta vừa qua chỉ tăng 3,65%. Hãy luật hóa và cụ thể hóa những chính sách, cơ chế để bảo vệ cán bộ, bảo vệ người dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, mới đảm bảo song hành là vừa chống tham nhũng và phát triển kinh tế - xã hội.


TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính:

Giá cả trong năm 2024 sẽ không tăng đột biến

ts-nguyen-duc-do-yk-2.jpeg

Thứ nhất là kinh tế thế giới, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại, đồng thời nguy cơ kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái chưa được loại trừ.

Thứ hai, với triển vọng kinh tế thế giới không thật sự khả quan, giá dầu sẽ khó tăng mạnh, thậm chí có thể giảm mạnh nếu kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái. Dự báo giá dầu WTI trong năm 2024 sẽ xoay quanh mức trung bình 67 USD/thùng.

Thứ ba, trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2024 được dự báo cũng sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải. Hơn nữa, do thị trường bất động sản vẫn trong giai đoạn khó khăn, khu vực công nghiệp - xây dựng nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung cũng sẽ bị ảnh hưởng và tăng trưởng thấp trong năm 2024.

Nếu tăng trưởng GDP trong năm 2024 chỉ xoay quanh mức 6% như nhiều dự báo, tính chung giai đoạn 2020-2024 GDP sẽ chỉ tăng trưởng trung bình 4,64%, tức là nền kinh tế trong năm 2024 vẫn sẽ hoạt động ở mức dưới tiềm năng. Đây là yếu tố kiềm chế lạm phát trong thời gian tới.

Thứ tư, áp lực lạm phát từ yếu tố tỉ giá tăng trong năm 2024 được dự báo sẽ không lớn khi đồng USD đang trong xu hướng giảm giá. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhiều khả năng sẽ bắt đầu giảm lãi suất từ quý II/2024. Hơn nữa, cho dù đồng USD tăng giá mạnh trên thị trường thế giới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ can thiệp để ổn định tỉ giá. Nói cách khác, môi trường tiền tệ - tỉ giá đang ở mức trung tính và sẽ không khiến giá cả tăng đột biến trong năm 2024.

Cùng chuyên mục
Triển vọng “con tàu” kinh tế Việt Nam 2024