Doanh nghiệp lo gánh thêm khó khăn mới

(BKTO) - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý để tổng hợp, trình Chính phủ các phương án xử lý khi bãi bỏ điểm c, khoản 1, Điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong nhiều ngành hàng đề xuất chưa nên thay đổi quy định trên vì lo ngại gây thêm khó khăn mới cho doanh nghiệp.

unnamed.jpg
Nhiều hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị giữ nguyên quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP. Ảnh minh họa: S.T

Tại điểm c, khoản 1, Điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP quy định hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ là: Hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp Việt Nam với tổ chức, cá nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam và được thương nhân nước ngoài chỉ định giao, nhận hàng hóa với doanh nghiệp khác tại Việt Nam

Bộ Tài chính cho biết, để công tác quản lý nhà nước về hải quan được thống nhất, Bộ đề xuất chính sách thay thế khi không thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ thuộc vào loại hàng hóa trên.

Liên quan đến đề xuất này, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng, việc bãi bỏ quy định trên sẽ làm tăng chi phí đầu vào của nhà sản xuất, dẫn đến giá thành hàng hóa sản xuất, gia công tại Việt Nam tăng.

“Nếu bãi bỏ chính sách này, Việt Nam sẽ khó giữ vị thế là điểm đến hấp dẫn đầu tư đối với các doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế” - EuroCham nêu.

Tương tự, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cũng bày tỏ lo ngại, nếu bỏ quy định trên sẽ gây xáo trộn rất lớn, có thể gây nên những khó khăn mới cho doanh nghiệp, các doanh nghiệp đã khó càng khó hơn. Về phía Nhà nước cũng phải sửa đổi một số bộ luật liên quan như Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Thương mại; Luật Quản lý ngoại thương và các văn bản hướng dẫn thi hành...

Trên cơ sở đó, EuroCham kiến nghị giữ nguyên quy định hiện hành quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP.

Các doanh nghiệp ngành dệt may cũng đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành và cho phép làm thủ tục hải quan xuất, nhập khẩu tại chỗ thực hiện bình thường với hoạt động mua bán hàng hóa giữa doanh nghiệp Việt Nam với các tổ chức, cá nhân nước ngoài (có hiện diện hoặc không hiện diện tại Việt Nam) và được thương nhân nước ngoài chỉ định giao, nhận hàng hóa với một doanh nghiệp khác tại Việt Nam.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng kiến nghị cơ quan chức năng cần nghiên cứu, xem xét bỏ quy định doanh nghiệp phải nộp thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu tại chỗ cho hàng hóa nhập khẩu phục vụ sản xuất xuất khẩu (giống như quy định về thuế đối với hàng hóa nhập khẩu tại chỗ để gia công xuất khẩu), để tránh tình trạng đọng vốn của doanh nghiệp khi chờ hoàn thuế./.

Cùng chuyên mục
Doanh nghiệp lo gánh thêm khó khăn mới