Trình Quốc hội xem xét 5 nội dung tại kỳ họp bất thường lần thứ hai

(BKTO) - Sáng 21/12, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 18, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV.

8f25d966d4180c465509.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên họp. Ảnh: VPQH

Đảm bảo Kỳ họp diễn ra đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng

Báo cáo tại Phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, tại Phiên họp thứ 17 và 18, UBTVQH đã cho ý kiến, xem xét một số nội dung Chính phủ đề nghị trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2. Sau khi xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng, UBTVQH thống nhất báo cáo Quốc hội tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ 2 để xem xét, quyết định 5 nội dung.

Cụ thể là: xem xét, quyết định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; xem xét, thông qua Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); xem xét việc tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; xem xét, quyết định việc tiếp tục thực hiện một số chính sách liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược.

Nội dung thứ 4 là trình Quốc hội xem xét, quyết định một số vấn đề về tài chính, ngân sách (gồm: việc điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan; việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2021; điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương).

Đồng thời, tại Kỳ họp này, Quốc hội cũng sẽ xem xét công tác nhân sự.

Theo đó, dự kiến Kỳ họp bất thường lần thứ hai sẽ khai mạc vào ngày 05/01/2023 và bế mạc vào ngày 09/01/2023.

Trên cơ sở các ý kiến thảo luận tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội khẳng định chủ trương tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ hai cơ bản đã chín muồi. Theo đó, căn cứ vào đề xuất chính thức của Chính phủ và công tác chuẩn bị, nội dung Kỳ họp này chỉ bao gồm 5 nội dung như Tờ trình của Tổng Thư ký Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý các cơ quan thực hiện nhiệm vụ đảm bảo công tác hậu cần, trật tự an toàn, an ninh sức khỏe cho đại biểu trong Kỳ họp. Trước và sau Kỳ họp bất thường sẽ không tổ chức tiếp xúc cử tri mà tổng hợp ý kiến của cử tri thông qua báo cáo về công tác dân nguyện, gửi đại biểu Quốc hội.

Do thời gian từ nay đến ngày dự kiến tiến hành Kỳ họp còn rất ngắn, công việc cuối năm nhiều, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan đề cao tinh thần trách nhiệm, cố gắng nỗ lực ở mức cao nhất để Kỳ họp diễn ra theo đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng.

Thống nhất điều chỉnh 3,78 tỷ đồng dự toán chi NSNN năm 2022 của Trường Trung cấp Luật Tây Bắc

Cũng trong phiên họp sáng nay, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, UBTVQH đã cho ý kiến về việc điều chỉnh dự toán chi ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 của Trường Trung cấp Luật Tây Bắc từ Bộ Tư pháp sang UBND tỉnh Sơn La.

752ddea53bdce382bacd.jpg
UBTVQH biểu quyết thông qua Nghị quyết. Ảnh: VPQH

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Trường Trung cấp Luật Tây Bắc được chuyển giao nguyên trạng từ Bộ Tư pháp về UBND tỉnh Sơn La theo Quyết định của Bộ Tư pháp ngày 22/3/2022. Việc điều chuyển được thực hiện sau thời gian Quốc hội phê duyệt dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022, do vậy, việc điều chỉnh dự toán của Bộ Tư pháp về UBND tỉnh Sơn La là cần thiết.

Bộ Tư pháp và UBND tỉnh Sơn La đã thống nhất tiến hành các thủ tục để bàn giao kinh phí hoạt động của Trường. Do vậy, để đảm bảo kinh phí hoạt động của Trường Trung cấp Luật Tây Bắc, Chính phủ trình UBTVQH điều chỉnh dự toán chi NSNN năm 2022 của Bộ Tư pháp, đồng thời điều chỉnh tăng dự toán chi NSNN năm 2022 của UBND tỉnh Sơn La số tiền 3,78 tỷ đồng.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường nêu rõ, việc quyết định điều chỉnh giảm dự toán của Bộ Tư pháp và điều chỉnh tăng tương ứng dự toán của tỉnh Sơn La nhằm bảo đảm đúng quy định pháp luật, đủ căn cứ pháp lý để tiếp tục triển khai dự toán.

Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, việc điều chỉnh không làm thay đổi tổng dự toán đã được Quốc hội phê duyệt và theo quy định của Luật NSNN, việc điều chỉnh dự toán giữa Bộ Tư pháp sang tỉnh Sơn La thuộc thẩm quyền của UBTVQH. Do vậy, cơ quan thẩm tra nhất trí với đề xuất của Chính phủ, trình UBTVQH xem xét, quyết định và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất điều chỉnh giảm dự toán của Bộ Tư pháp và điều chỉnh tăng tương ứng dự toán của tỉnh Sơn La số tiền 3,78 tỷ đồng.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, UBTVQH thống nhất điều chỉnh giảm 3,78 tỷ đồng dự toán chi NSNN năm 2022 nguồn chi sự nghiệp giáo dục, đào tạo, dạy nghề của Bộ Tư pháp và điều chỉnh tăng tương ứng dự toán chi NSNN năm 2022 lĩnh vực chi sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề của tỉnh Sơn La, để bố trí dự toán NSNN năm 2022 cho Trường Trung cấp Luật Tây Bắc bằng số kinh phí điều chỉnh dự toán này.

UBTVQH giao Chính phủ chỉ đạo quản lý, sử dụng, quyết toán số kinh phí trên đúng quy định của pháp luật, đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả.

Tại phiên họp, 100% các thành viên UBTVQH có mặt biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh dự toán chi NSNN năm 2022 của Trường Trung cấp Luật Tây Bắc từ Bộ Tư pháp sang UBND tỉnh Sơn La. UBTVQH đề nghị Ủy ban Tài chính - Ngân sách chủ trì, phối hợp với Ủy ban Pháp luật, Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến của UBTVQH, hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết, trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành./.

Cùng chuyên mục
Trình Quốc hội xem xét 5 nội dung tại kỳ họp bất thường lần thứ hai