TS. Võ Trí Thành trao đổi tại Hội thảo. Ảnh: N.LỘC |
Những thách thức ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng
Đồng tình với Báo cáo Kinh tế Việt Nam năm 2021 và triển vọng năm 2022 của trường Đại học Kinh tế Quốc dân, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của các Kế hoạch 5 năm 2021-2025 và các chủ trương, chính sách lớn đã được thông qua trong năm 2021. Ông Thành cũng bày tỏ tin tưởng vàomục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6-6,5% năm 2022 theo dự báo.
Khẳng định Việt Nam đang nỗ lực thực hiện tốt các giải pháp giúp kiểm soát dịch bệnh; đời sống, kinh tế - xã hội dần ổn định, song TS. Thành lưu ý, thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ vẫn đứng trước những khó khăn do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, cộng thêm sự biến động của tình hình thế giới, đặc biệt là cuộc xung đột Nga - Ukraina và xung đột chính trị giữa các cường quốc…
Từ đó, có thể dẫn tới đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, nguy cơ khủng hoảng năng lượng hiện hữu, giá nguyên liệu và giá nhiều loại hàng hóa cơ bản tăng cao càng làm ảnh hưởng lớn đến các hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế thế giới dự báo phát triển không đồng đều, thiếu vững chắc.
Trong khi đó, thách thức nội tại của nền kinh tế trong nước, nổi cộm là vấn đề tài chính cũng còn nhiều điều đáng bàn. Mới đây nhất đó là thị trường chứng khoán, trái phiếu DN đã chứng kiến nhiều “lùm xùm”. “Đây thực sự là thách thức rất lớn đối với Việt Nam, nhất là trong bối cảnh cả nước vừa phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh” - ông Thành nhấn mạnh.
Vì vậy, trong dài hạn, cần cân đối giữa khả năng chống chịu, ổn định kinh tế vĩ mô với tạo điều kiện hỗ trợ, phát triển của kinh tế nói chung. Về ngắn hạn, làm sao xử lý được rủi ro đang hiện hữu nhưng vẫn để thị trường này vận hành và phát huy tiềm năng.
Rủi ro nằm trong tầm kiểm soát
Cho rằng những rủi ro tiềm ẩn vẫn lớn, nợ xấu đang gia tăng, song TS. Võ Trí Thành khẳng định “Những rủi ro này vẫn hoàn toàn nằm trong chừng mực mà chúng ta có thể quản trị”, Chính phủ đủ công cụ để kiểm soát, ổn định tình hình.
Nợ xấu đang gia tăng, song vẫn trong tầm kiểm soát. Ảnh minh họa |
Lý giải điều này, ông Thành cho biết, thời điểm hiện tại là một giai đoạn khác so với những cuộc khủng hoảng tài chính trước đây bởi hệ thống ngân hàng đã có sự thay đổi theo chiều hướng tốt hơn.
Bên cạnh đó, kinh nghiệm của những nhà hoạch định chính sách ở Việt Nam đã khá hơn và linh hoạt hơn sau những cú vấp được coi như “bài học xương máu" từ những năm khủng hoảng kinh tế, hay câu chuyện kích cầu năm 2009-2010.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã đề ra, TS. Võ Trí Thành cho rằng, Chính phủ cần tập trung cả vào các giải pháp ngắn hạn lẫn dài hạn, đan xen là những nhiệm vụ trọng tâm cần giải quyết.
Về mặt dài hạn, câu chuyện xử lý nợ xấu phải gắn với các ngân hàng thương mại và cần được xử lý trên hai phương diện: tăng vốn trong năm nay và cả những năm tới; đảm bảo thông lệ tốt nhất theo tiêu chuẩn.
Về ngắn hạn, ông Võ Chí Thành nhấn mạnh về tính linh hoạt trong tăng thu tiền, tín dụng, làm sao cần xác định tinh thần không quá chặt chẽ, cũng không nới lỏng trong giai đoạn phục hồi; đồng thời cần đánh giá rủi ro tiềm tàng của những dòng tín dụng như chứng khoán, bất động sản…
Khẳng định vai trò đặc biệt của bất động sản đối với phát triển kinh tế, TS. Thành lưu ý, đối với bất động sản, phân khúc thì có nhiều nhưng trong thời gian vừa qua đang bị đánh đồng về mức độ rủi ro. Nếu xét về hệ số “kéo", đây là ngành giúp tăng trưởng rất tốt. Vậy nên, hoạt động khoanh, giãn các nhóm nợ từ nay tới cuối năm cần được thực hiện rất “khéo".
“Điều này lại phụ thuộc vào quá trình phục hồi và cách thực thi của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế” - vị chuyên gia cho biết.
Nhóm khác, đó là phát triển thị trường cổ phiếu. Sau hàng loạt những "lùm xùm" vừa qua, ông Thành cho rằng, điều quan trọng nhất để đảm bảo sự lành mạnh của thị trường là tính minh bạch, các thông lệ và chuẩn mực, ngoài tính hấp dẫn các nhà đầu tư. Điều này đòi hỏi vai trò rất lớn của Chính phủ, các cơ quan quản lý ở tầm vĩ mô, ban hành chính sách. Bên cạnh đó, cần cải thiện thêm về tính chuyên nghiệp của những nhà đầu tư từ cá nhân tới tổ chức trên thị trường này.
Ngày 25/4, trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Ban Kinh Tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức Hội thảo Kinh tế Việt Nam năm 2021 và triển vọng năm 2022 với chủ đề: “Ổn định kinh tế vĩ mô và lành mạnh tài chính trong bối cảnh đại dịch Covid-19” với sự tham dự của hơn 300 đại biểu trong và ngoài nước là các chuyên gia hàng đầu về kinh tế, tài chính. Hội thảo đã tập trung thảo luận, làm rõ bối cảnh quốc tế và những tác động của thế giới đến kinh tế Việt Nam; phân tích những cơ hội và thách thức trong năm 2021; đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2022. Từ đó, các chuyên gia đề xuất những khuyến nghị chính sách trong điều hành kinh tế năm 2022 và những năm tiếp theo nhằm ổn định kinh tế vĩ mô và lành mạnh tài chính trong bối cảnh đại dịch Covid-19, chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi và phát triển bền vững. |