Từ chối thanh toán hơn 209 tỷ đồng chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế

(BKTO) - Trong 5 tháng đầu năm 2024, cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) đã từ chối tự động và chủ động số tiền đề nghị thanh toán chi phí khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) không đúng quy định là 209,7 tỷ đồng, bằng 0,28% tổng số đề nghị thanh toán.

236b0b50-28b7-4762-b25c-9fcbf0ec83ab.png
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: BHXH Việt Nam

Chi khám, chữa bệnh tăng 16,3%

Ngày 16/7, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện chính sách BHYT 6 tháng cuối năm 2024.

Thông tin tại Hội nghị, ông Lê Văn Phúc - Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, toàn quốc có hơn 88 triệu lượt người đi KCB BHYT, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ người bệnh nội trú là 9,98%, tăng 0,08% so với cùng kỳ năm trước.

Số liệu các cơ sở đề nghị quyết toán ghi nhận trên Hệ thống giám sát tại 63 tỉnh, thành phố (chưa bao gồm số chi của BHXH Bộ Quốc phòng, Bộ Công an) cho thấy, 6 tháng đầu năm, toàn quốc có số tiền BHYT thanh toán là 66.299 tỷ đồng, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Về cơ cấu chi phí, điểm đáng lưu ý là chi phí tiền giường và vật tư y tế đang chiếm tỷ trọng lớn và có chiều hướng gia tăng.

Ước tính, trong 6 tháng đầu năm, mức sử dụng Quỹ KCB BHYT bình quân trên toàn quốc là 50,6%. “Trong khi đó, theo ước chi cả năm 2024, với các tỉnh có số chi 6 tháng đầu năm đã chiếm từ 48% dự toán thì khả năng cả năm 2024 vượt dự toán rất cao nếu không có các biện pháp kiểm soát chi phí mạnh mẽ, quyết liệt” - ông Phúc thông tin.

Đáng lưu ý, cùng với việc gia tăng số lượt KCB, chi phí bình quân cho mỗi lượt KCB của 6 tháng đầu năm nay cũng tăng khoảng 8,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Về tình hình cung ứng và sử dụng thuốc, vật tư y tế tại cơ sở y tế, ông Phúc chỉ ra nhiều bất cập như tiến độ đấu thầu tại các địa phương còn chậm. Đến thời điểm hiện tại có 14 tỉnh đã hết hạn hiệu lực gói thầu nhưng chưa phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu mới. Một số tỉnh còn tình trạng lựa chọn sử dụng thuốc có giá trúng thầu cao bất hợp lý với chi phí sử dụng và thanh toán lớn; còn tình trạng sử dụng thuốc không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT...

“Theo thống kê trên Hệ thống Thông tin giám định BHYT, 5 tháng đầu năm 2024, cơ quan BHXH đã từ chối tự động và chủ động số tiền đề nghị thanh toán chi phí KCB BHYT không đúng quy định sau công tác giám định là 209,7 tỷ đồng, bằng 0,28% tổng số đề nghị thanh toán” - ông Lê Văn Phúc thông tin.

Tập trung kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế

Bên cạnh những khó khăn, ông Lê Văn Phúc cũng cho biết, trong kiểm soát chi phí KCB BHYT, các giải pháp, chỉ đạo của BHXH Việt Nam đã mang lại kết quả tích cực. Theo đó, số lượt KCB BHYT trong tháng 6 so với tháng 5 trên toàn quốc giảm 9%, số lượt KCB BHYT của tất cả các tỉnh đều giảm. Số chi KCB BHYT thanh toán tháng 6, toàn quốc giảm gần 8%, tất cả các tỉnh đều giảm.

e702cb081783b2ddeb92.jpg
Các địa phương cần chú trọng các giải pháp kiểm soát chi phí KCB BHYT, đưa ra cảnh báo sớm về chi phí tăng cao bất hợp lý. Ảnh: Đ. KHOA

Tuy nhiên, ông Phúc đánh giá, trong công tác kiểm soát chi phí KCB BHYT theo quy định của Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ, nhiều BHXH địa phương lựa chọn cơ sở KCB có gia tăng chi phí bình quân để làm việc chưa tập trung, không phân nhóm để làm việc riêng mà làm việc còn dàn trải, do đó hiệu quả chưa cao. Nhiều tỉnh làm việc với cơ sở KCB muộn, cuối tháng 5 đầu tháng 6 mới bắt đầu thực hiện; biên bản làm việc của cơ quan BHXH với cơ sở KCB không rõ ràng, cụ thể, chỉ nêu dấu hiệu, chưa phân tích được nguyên nhân gia tăng, chưa xác định được số tiền gia tăng cụ thể…

Trong khi đó, ông Tô Hồng Lương - Phó Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và thanh toán đa tuyến cho hay, hiện tỷ lệ cơ sở KCB liên thông dữ liệu là 96,2%, nhưng tình trạng gửi chậm, thiếu dữ liệu, sai dữ liệu vẫn là tồn tại cần được lưu ý. Đồng thời, chất lượng dữ liệu cũng là vấn đề cần quan tâm khi nhiều cơ sở KCB vẫn có tình trạng gửi sai, chưa đúng chuẩn định dạng dữ liệu đầu ra.

Ông Nguyễn Đức Hòa - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, thông tin phản ánh của người dân cho thấy, đến thời điểm hiện nay vẫn còn tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế..., ảnh hưởng đến quyền lợi người bệnh BHYT.

Ông Hòa lưu ý, công tác giám định, kiểm soát chi phí KCB BHYT trong 6 tháng cuối năm sẽ có nhiều khó khăn, thách thức do những thay đổi về chính sách, trong đó việc tăng lương cơ sở từ ngày 01/7 tác động tăng giá dịch vụ tế, cùng một số yếu tố tăng kép nên áp lực lên Quỹ BHYT là rất lớn.

"Mục tiêu kiểm soát chi phí KCB BHYT của ngành BHXH Việt Nam là đảm bảo chi phí được tối ưu hóa, từ đó đảm bảo nguồn lực bảo vệ tốt nhất quyền lợi người tham gia. Vì vậy, cần thực hiện nghiêm minh hơn nữa kỷ luật kỷ cương trong hoạt động này" - ông Nguyễn Đức Hòa nhấn mạnh.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cũng lưu ý một số giải pháp kiểm soát chi phí KCB BHYT cần chú trọng. Trong đó, BHXH địa phương phối hợp với Sở Y tế thực hiện đúng quy định về đăng ký KCB BHYT ban đầu; triển khai quản lý bệnh mãn tính tại tuyến cơ sở theo đúng quy định. Đây là giải pháp vừa chăm sóc tốt sức khỏe người dân, vừa nâng cao hiệu quả quản lý, kiểm soát chi phí KCB BHYT khi hạn chế được các trường hợp biến chứng, vượt tuyến không cần thiết…

Cùng với đó, BHXH các địa phương cần thực hiện cảnh báo kịp thời với chi phí bình quân tăng cao so với bình quân chung tại các cơ sở KCB; cảnh báo giá thuốc, vật tư y tế trúng thầu cao so với bình quân chung tại địa phương và toàn quốc; đồng thời nắm được trên địa bàn các cơ sở, yếu tố tăng cao bất hợp lý để cảnh báo sớm.

Cùng chuyên mục
  • Chuyển đổi số báo chí - Cơ hội và giải pháp
    2 tháng trước Xã hội
    (BKTO) - Đây là chủ đề của Hội thảo báo Đảng các tỉnh khu vực trung du, miền núi phía Bắc do Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đăng cai tổ chức vào sáng 16/7, tại TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
  • Nỗ lực đưa người dân tham gia hệ thống an sinh xã hội
    2 tháng trước Xã hội
    (BKTO) - Với mục tiêu hướng đến bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân, đồng thời hỗ trợ người dân tham gia vào hệ thống an sinh, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Cà Mau đã và đang nỗ lực thực hiện các giải pháp để đạt được mục tiêu đề ra.
  • Phát triển bảo hiểm y tế hộ gia đình phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương
    2 tháng trước Xã hội
    (BKTO) - Từ năm 2015, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành quy định hỗ trợ cho các đối tượng có hộ khẩu thường trú tại Vĩnh Phúc khi tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình. Cụ thể, người thứ nhất trong hộ gia đình được hỗ trợ 20% kinh phí; người từ đủ 60 đến dưới 70 tuổi được hỗ trợ 30% kinh phí; người từ đủ 70 đến dưới 80 tuổi được hỗ trợ 50% kinh phí.
  • Bảo đảm sự đơn giản, thuận tiện nhất cho doanh nghiệp và người dân khi tham gia bảo hiểm xã hội
    2 tháng trước Xã hội
    (BKTO) - Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Vĩnh Phúc đã nỗ lực, tập trung mọi nguồn lực, phát huy lợi thế từ nguồn dữ liệu sẵn có để chủ động, tích cực thực hiện đồng bộ các giải pháp, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần to lớn vào kết quả chung của công tác chuyển đổi số và triển khai Đề án số 06 của Chính phủ.
  • Kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng trục lợi chính sách
    2 tháng trước Xã hội
    (BKTO) - Trước tình trạng lạm dụng sử dụng dịch vụ y tế, gian lận, trục lợi quỹ BHYT, ảnh hưởng đến việc sử dụng Quỹ BHYT, đến quyền lợi của người bệnh, ý nghĩa nhân văn của chính sách BHYT, ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) và ngành y tế địa phương đã và đang phối hợp thực hiện các biện pháp, tăng cường kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh vi phạm trong công tác KCB BHYT.
Từ chối thanh toán hơn 209 tỷ đồng chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế