Tự chủ không phải là tự… “bơi”

(BKTO) - Tự chủ, không có nghĩa là để các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) tự lo mà là thay đổi phương thức đầu tư cho các đơn vị này thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công. Đồng thời, để thúc đẩy cơ chế tự chủ đạt mục tiêu kỳ vọng thì cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để tổ chức kiểm soát hoạt động của đơn vị tự chủ, đặc biệt là cơ chế công khai, minh bạch và giải trình.

Đây là vấn đề được GS,TS. Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội - nhấn mạnh khi trao đổi với báo Kiểm toán xung quanh câu chuyện tự chủ của ĐVSNCL.

0f7066d64c2df173a83c.jpg
GS,TS. Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội. Ảnh: N. LỘC

Thưa ông, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ đối với các ĐVSNCL. Ông đánh giá như thế nào về việc thực hiện chủ trương này?

Trước hết, phải khẳng định rằng, việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với ĐVSNCL là hoàn toàn đúng đắn. Mục tiêu đầu tiên của tự chủ là giúp các ĐVSNCL được quyền chủ động khai thác những thế mạnh của mình để có thể đưa ra các dịch vụ công ở những cấp độ khác nhau, đáp ứng rất tốt nhu cầu đa dạng của xã hội. Như vậy, cơ chế tự chủ sẽ thúc đẩy tính năng động, sáng tạo của các ĐVSNCL và đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội.

Nếu như không có tự chủ thì việc đầu tư ngân sách cho ĐVSNCL vẫn thực hiện như các đơn vị hành chính sự nghiệp, theo đơn giá, định mức và theo khoản mục chi, tức là chi theo nhu cầu, phần chi đó không gắn với kết quả đầu ra của sản phẩm, dịch vụ. Như vậy thì rõ ràng là hiệu quả sử dụng ngân sách không cao và không đáp ứng đúng mục tiêu chi để cung cấp dịch vụ cho xã hội.

Việc thực hiện cơ chế tự chủ đã làm thay đổi hoàn toàn phương thức đầu tư của Nhà nước cho hoạt động của ĐVSNCL. Nhà nước thay vì cấp tiền chi thường xuyên thì chuyển sang thành đặt hàng, chuyển thành tiền đầu tư để tạo ra các nền tảng về hạ tầng, về cơ sở kỹ thuật tốt hơn, để đối tượng thụ hưởng được hưởng những dịch vụ tốt hơn.

GS,TS. Hoàng Văn Cường

Rõ ràng, bản chất của tự chủ là để phát huy được năng lực, tính năng động, sáng tạo của bản thân các ĐVSNCL và huy động được sự tham gia của xã hội khi người ta mong muốn chi trả, sử dụng dịch vụ công tốt hơn; đồng thời, sử dụng có hiệu quả hơn, tốt hơn, đúng mục đích hơn nguồn đầu tư từ ngân sách.

Thực tế, phải khẳng định việc thực hiện cơ chế tự chủ thời gian qua đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Rất nhiều đơn vị nhờ tự chủ mà phát triển rất tốt, đặc biệt là trong khối giáo dục đại học. Một số trường đại học đã đi tiên phong và tự chủ toàn diện. Có thể nói, nếu không có tự chủ, các trường sẽ không thể phát triển như hiện nay. Nhờ cơ chế tự chủ các trường đã rất năng động, sáng tạo, nhanh chóng đổi mới nội dung, chương trình đào tạo trong bối cảnh mới; dịch vụ đào tạo, chất lượng đào tạo thực sự tốt lên.

Điều đáng nói là các đơn vị được quyền tự chủ nhưng bộ máy, con người không tăng; bộ máy tổ chức, biên chế, năng lực của cán bộ tăng lên; đồng thời cơ sở vật chất của các đơn vị cũng được cải thiện rất nhanh. Điều kiện học tập của học sinh, sinh viên tại nhiều trường đại học hiện nay không thua kém gì sinh viên nước ngoài.

Bên cạnh những mặt tích cực của cơ chế tự chủ như ông vừa nêu, thực tế qua công tác thanh tra, kiểm toán, giám sát cũng chỉ ra tình trạng đơn vị được giao quyền quản lý tài chính công, tài sản công nhưng thực hiện liên doanh, liên kết không đúng quy định, hay trong lĩnh vực giáo dục vẫn có việc lạm thu… Ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?

Như tôi đã nói, những kết quả mà cơ chế tự chủ mang lại là rất tốt. Tuy nhiên, thực tế đúng là nhiều nơi chưa phát huy được cơ chế tự chủ, việc triển khai chưa tốt, chưa đồng đều. Điều này do nhiều yếu tố, có thể do bản thân nội tại của những đơn vị chưa sẵn sàng, chưa có sức ép thực hiện tự chủ…

Có một thực tế, người ta hay quan niệm là dịch vụ công thì giá phải rẻ. Nếu như vậy thì ĐVSNCL không thể tự chủ vì không bù đắp được. Đó cũng là một rào cản cho việc thực hiện cơ chế tự chủ.

Bên cạnh đó, việc thực hiện tự chủ chưa tốt thời gian qua đã dẫn đến một số vấn đề tiêu cực gây bức xúc trong xã hội. Tuy nhiên, tôi cho rằng đây không phải lỗi của tự chủ mà do quá trình thực hiện đã vi phạm các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Yếu tố thứ hai cũng tạo ra những bức xúc, đó là khi thực hiện tự chủ phải gắn với tự chịu trách nhiệm và giải trình. ĐVSNCL là đơn vị hoạt động không được đặt ra mục tiêu lợi nhuận mà phải lấy thu bù chi và có tích lũy chứ không phải là anh lấy thu bù chi, phần còn lại mang ra chia. Do đó, trách nhiệm của ĐVSNCL tự chủ là phải giải trình được tại sao anh thu bằng đấy, tại sao anh chi cái này và được xã hội chấp nhận. Chính vì vậy mà chúng ta phải xây dựng các định mức kinh tế kỹ thuật, xây dựng nên cấu thành chi phí của dịch vụ.

 Có một vấn đề đang bị hiểu thiên lệch là cứ nói đến tự chủ là nói đến chuyện Nhà nước cắt tiền và chỉ đơn thuần là đề cập đến tự chủ tài chính, không nói đến chuyện tự chủ hoạt động. Nếu như không tự chủ trong hoạt động, không tự chủ về mặt con người, về bộ máy thì không thể nói đến chuyện tự chủ tài chính được. Tự chủ không phải là tự lo mà tự chủ là thay đổi phương thức đầu tư của Nhà nước cho các ĐVSNCL nhằm cung cấp các dịch vụ tốt hơn cho xã hội.

GS,TS. Hoàng Văn Cường

Tuy nhiên, hầu như trong thời gian vừa qua, cơ chế công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình chúng ta chưa đề cập đến, kể cả về mặt luật pháp cũng chưa có quy định công khai, minh bạch, giải trình là như thế nào.

Với những vấn đề như ông vừa phân tích, theo ông các cơ quan chức năng cần phải làm gì để phát huy kết quả tự chủ, đồng thời chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế, đặc biệt là để nâng cao trách nhiệm giải trình của các đơn vị thực hiện tự chủ?

Về bản chất tự chủ là tốt và nếu làm đúng tự chủ thì sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các bên, kể cả với ĐVSNCL, với các đối tượng thụ hưởng và cả với Nhà nước. Do đó, tôi cho rằng, chúng ta phải đẩy mạnh tự chủ, đồng thời phải thay đổi quan niệm nhận thức về tự chủ. Tự chủ là phải thay đổi toàn diện từ tổ chức hoạt động, nội dung hoạt động, từ bộ máy, cơ cấu tổ chức, cách quản trị của đơn vị cho đến vấn đề về tài chính, chứ không phải và không nên tự chủ nửa vời.

Với quan điểm như vậy thì hầu hết các ĐVSNCL đều có thể thực hiện tự chủ. Đối với những đơn vị mà khó khăn về mảng nào thì chúng ta phải có chính sách hỗ trợ để thúc đẩy các đơn vị có thể tự chủ được.

6398cf7280e75437411fcf865b0e0d6f.jpg
Cần đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ gắn với cơ chế công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của ĐVSNCL. Ảnh: thaibinh.gov.vn

Thứ hai là chúng ta cần hoàn thiện về mặt thể chế, luật pháp. Như tôi vừa nói, tự chủ, không có nghĩa là chúng ta để các đơn vị tự lo mà chúng ta phải thay đổi phương thức đầu tư cho ĐVSNCL cung cấp dịch vụ công. Vì vậy, phải có khuôn khổ pháp lý về việc đầu tư chi phí cho các đơn vị này thông qua cơ chế đặt hàng. Cơ chế đặt hàng hiện nay chưa rõ ràng, chúng ta nói cơ chế đặt hàng nhưng chưa có một quy định nào về cơ chế đặt hàng. Tôi cho rằng, phải làm rõ cơ chế đặt hàng là như thế nào, đối tượng nào sẽ được hưởng đặt hàng, đối tượng nào sẽ là người cung cấp dịch vụ đặt hàng, cơ chế lựa chọn ra sao. Việc này phải có quy định cụ thể.

Cần phải hiểu rằng, các ĐVSNCL tự chủ không có nghĩa là không được đầu tư. Với những dịch vụ mà chúng ta mong muốn nó đi theo hướng cốt lõi của Nhà nước thì Nhà nước phải bỏ ra đầu tư. Chẳng hạn, chúng ta mong muốn đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu về ngành công nghiệp bán dẫn. Muốn vậy, Nhà nước phải đầu tư máy móc, những phòng thí nghiệm cho ngành công nghiệp về bán dẫn, tức là Nhà nước phải có định hướng và đóng vai trò dẫn dắt; phải thay đổi cơ chế trong đầu tư ngân sách theo cơ chế đặt hàng và đầu tư cơ sở vật chất theo định hướng hoạt động cho các đơn vị. Nếu chúng ta thực hiện được điều đó tôi tin rằng sẽ thúc đẩy các đơn vị không e ngại tự chủ.

Một vấn đề quan trọng đặt ra là chúng ta phải có khuôn khổ pháp lý về cơ chế để tổ chức kiểm soát hoạt động của đơn vị tự chủ, đặc biệt là cơ chế công khai, minh bạch và giải trình. Đây là vấn đề mà luật pháp đang “hổng”. Chúng ta cứ nói là phải công khai nhưng mà công khai như thế nào, công khai làm sao để thể hiện rõ là tất cả các nội dung hoạt động của anh là đúng, là để đáp ứng nhu cầu khách hàng, chứ không phải là để dùng cho những mục tiêu không trong sáng.

Yếu tố nữa, đó là chúng ta phải thay đổi quan niệm xã hội về vấn đề cung cấp dịch vụ công của các ĐVSNCL. Chúng ta không nên quan niệm cứ đơn vị công thì phải cung cấp dịch vụ giá rẻ mà phải cung cấp dịch vụ đa dạng, đáp ứng nhu cầu của người dân nhưng không đặt mục tiêu lợi nhuận, mà phải tính toán chi phí hợp lý để đáp ứng yêu cầu phát triển cho tương lai. Như vậy, các ĐVSNCL tự chủ phải được cung cấp dịch vụ có chất lượng cao, chi phí chi trả cao, khi đó mới tăng năng lực của đơn vị này tương đương với các khu vực khác.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Cùng chuyên mục
  • Giải quyết những “điểm nghẽn” để phát triển đô thị bền vững
    6 ngày trước Góc nhìn
    (BKTO) - Phát triển đô thị nhanh, bền vững là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế quốc gia. Tuy nhiên, sự phát triển đô thị hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế đòi hỏi cần có những giải pháp đồng bộ để gỡ “điểm nghẽn”, qua đó tạo ra sự thay đổi đột phá cho quá trình đô thị hoá và phát triển đô thị của Việt Nam.
  • Chủ động để GenAI mang lại lợi ích, đảm bảo công bằng
    20 ngày trước Góc nhìn
    (BKTO) - Việc áp dụng AI tạo sinh (GenAI) rất quan trọng đối với các doanh nghiệp (DN) hướng tới mục tiêu tăng trưởng mang tính chuyển đổi và duy trì lợi thế cạnh tranh trong nền kinh tế số hóa toàn cầu. Tuy nhiên, việc áp dụng GenAI không phải là không có rào cản và rủi ro, buộc các DN phải có chiến lược chủ động để mang lại lợi ích và đảm bảo sự công bằng.
  • “Bịt lỗ hổng” thể chế để phòng, chống tham nhũng
    một tháng trước Góc nhìn
    (BKTO) - Cùng với đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, Chính phủ xác định thời gian tới sẽ tập trung hoàn thiện đồng bộ thể chế về phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực, hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật nhằm khắc phục những sơ hở, bất cập, dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
  • Năng lượng tái tạo: Thu hẹp khoảng cách và mở rộng quy mô tăng trưởng
    một tháng trước Góc nhìn
    (BKTO) - Năng lượng tái tạo (NLTT) ước tính chiếm 77% nguồn cung cấp năng lượng sơ cấp của thế giới vào năm 2050. Để đạt được mục tiêu này, việc triển khai NLTT phải tăng gấp ba lần so với mức năm 2022 vào năm 2030, tương đương với mức bổ sung hằng năm là 1200 gigawatt.
  • Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng kinh tế - xã hội nông thôn
    2 tháng trước Góc nhìn
    (BKTO) - Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) sau một thời gian triển khai đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn và đời sống người dân. Bên cạnh những kết quả đạt được thì việc triển khai thực tế còn một số vướng mắc đòi hỏi cần được chấn chỉnh, tháo gỡ kịp thời để đưa Chương trình về đích đúng hẹn, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững cho vùng nông thôn.
Tự chủ không phải là tự… “bơi”