Gỡ các nút thắt cho sự phát triển vùng Đông Nam Bộ
Theo Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, phát triển đô thị vẫn luôn được coi là động lực của phát triển kinh tế-xã hội. Vùng Đông Nam Bộ sẽ tiếp tục tăng về số lượng đô thị, như đến năm 2025 dự kiến thêm 10 đô thị và đến năm 2030 tăng thêm 20 đô thị và nhiều đô thị tiếp tục hoàn thiện chất lượng để nâng loại đô thị trong giai đoạn tới.
“Để gỡ những nút thắt giao thông ảnh hưởng đến sự phát triển và năng lực cạnh tranh của vùng Đông Nam Bộ, nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu hiện nay là phát triển kết cấu hạ tầng giao thông kết nối vùng gắn với các vùng lân cận và cảng biển, sân bay thông qua các tuyến đường bộ cao tốc” - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng góp ý.
Dự báo đến năm 2030 cho thấy vùng Đông Nam Bộ có nhu cầu vận tải vượt xa so với năng lực đáp ứng của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện tại. Các quốc lộ chính yếu (QL1, QL13, QL51, QL22, QL14) có nhiều đoạn đã đầy tải, hiện chỉ mới đưa vào khai thác 95 km/911 km cao tốc theo quy hoạch.
Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho rằng, dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các tuyến đường bộ cao tốc kết nối vùng Đông Nam Bộ khoảng 413.000 tỷ đồng. Mục tiêu là nâng tổng số km đường bộ cao tốc vùng là 772 km trong giai đoạn 2021-2030. Ông Thắng góp ý, cần có cơ chế, chính sách sáng tạo, đột phá trong huy động vốn tư nhân, các nguồn vốn hợp pháp khác tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông.
Đồng quan điểm, Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi đề xuất hình thành Quỹ phát triển hạ tầng giao thông Vùng với nguồn vốn hỗn hợp (kêu gọi tài trợ quốc tế, vốn Trung ương, vốn địa phương theo khả năng cân đối ngân sách của từng địa phương).
Chủ tịch UBND TP. HCM đề xuất Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu phát triển mạng lưới đường sắt kết nối Vùng theo mô hình T.O.D. (mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng). TP. HCM đang báo cáo với cơ quan thẩm quyền và khi có nghị quyết chính thức thì sẽ tổ chức thực hiện có hiệu quả các cơ chế đặc thù để phát triển TP. HCM, góp phần phát triển Vùng Đông Nam Bộ…
Tư duy mới về phát huy nội lực
Phát biểu kết luận, Thủ tướng nhấn mạnh, đây là vùng có tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh rất rõ. Thời gian qua, Vùng có đóng góp quan trọng vào thành quả chung của đất nước. Bên cạnh đó, Vùng còn nhiều việc phải làm, nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục, đó là các mâu thuẫn cần được giải quyết, trong đó mâu thuẫn lớn nhất là tiềm năng rất lớn nhưng cơ chế, chính sách còn hạn hẹp.
Định hướng nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng cho rằng, tựu trung trong 9 chữ “tư duy mới, đột phá mới, giá trị mới”.
Phân tích cụ thể hơn, theo Thủ tướng, “tư duy mới” là tư duy tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển của mình, không trông chờ, ỷ lại, dựa vào nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài. Nội lực là con người, thiên nhiên, truyền thống lịch sử, văn hoá, tinh thần đoàn kết… từ đó, chúng ta có những sản phẩm không chỉ là “Made in Việt Nam, by Việt Nam”. “Sản phẩm của chúng ta phải là trí tuệ, năng lực, bản lĩnh của con người Việt Nam” - Thủ tướng nói rõ về tư duy tự lực, tự cường.
Làm rõ nội hàm về “đột phá mới”, Thủ tướng cho rằng, đó là cách thức, phương thức huy động các nguồn lực.
Nguồn lực hiện có so với một đất nước 100 triệu dân, so với yêu cầu cuộc sống, mặt bằng chung của thế giới còn thấp. Là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi thì phải huy động nguồn lực bằng nhiều phương thức, cách làm khác nhau. Do đó, phải có cơ chế chính sách đột phá, đây cũng chính là nguồn lực.
Nhắc lại các cuộc làm việc với địa phương thời gian qua, Thủ tướng cho biết, trước các kiến nghị của địa phương về hỗ trợ nguồn vốn, ông đều nêu rõ, nguồn lực đã được phân bổ hết, để có thêm vốn, ngoài dựa vào khoản tăng thu, tiết kiệm chi thì cơ chế, chính sách chính là nguồn lực. Cơ chế, chính sách đó phải xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn khách quan, cơ chế, chính sách phải ổn định.
Về huy động nguồn lực từ hợp tác công tư, Thủ tướng gợi ý 3 mô hình hợp tác công tư: Lãnh đạo công, quản trị tư (các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao); đầu tư công, quản trị tư; đầu tư tư, sử dụng công.
Thủ tướng tán thành với ý kiến xây dựng trung tâm tài chính trong vùng để huy động nguồn lực hay Quỹ phát triển hạ tầng như đề xuất của lãnh đạo TP.HCM. Thủ tướng giao các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu triển khai.
Thủ tướng cũng nêu rõ đột phá mới về khoa học, đổi mới sáng tạo, giáo dục và đào tạo, phong trào lập nghiệp, tăng năng suất lao động phải trở thành xu thế phát triển.
Đột phá về hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển nhanh, bền vững. Đột phá nữa, theo Thủ tướng, là thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, nhà ở cho công nhân, nhất là công nhân ở các khu công nghiệp, chăm lo người có công với cách mạng.
Làm rõ nội hàm “giá trị mới”, Thủ tướng cho biết, vừa qua, tốc độ tăng trưởng GDP, tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người của vùng đã giảm so với các vùng khác. “Giá trị mới là mang lại tốc độ tăng trưởng nhanh hơn, giá trị đóng góp cho GDP cao hơn”.
Giá trị mới nữa là chuyển đổi số, phát triển xanh, bền vững, bao trùm, tiêu biểu cả nước, góp phần vào thực hiện cam kết về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, làm hình mẫu cho các vùng khác.
Giá trị mới lớn nhất của Vùng là góp phần quan trọng, đắc lực, hiệu quả vào xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tích cực hội nhập quốc tế, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc.
Nhân dịp này, nhắn nhủ với cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng nêu rõ, đã nói thì phải làm, đã cam kết phải thực hiện, đã thực hiện thì phải có hiệu quả. Hiệu quả là phải hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, với phương châm lợi ích hài hoà, khó khăn, rủi ro chia sẻ.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu đã chứng kiến trao thỏa thuận hợp tác về phát triển bền vững vùng Đông Nam Bộ giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các đối tác phát triển; trao giấy chứng nhận đầu tư, biên bản ghi nhớ cho các địa phương trong vùng và vùng Đông Nam Bộ./.