Tư vấn chính sách điều hành vĩ mô cho Việt Nam

(BKTO) - Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cần tiếp tục chia sẻ, cập nhật thường xuyên các dự báo về tình hình kinh tế toàn cầu, tư vấn các chính sách điều hành vĩ mô cho Việt Nam…

Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông với ông Paulo Medas - Trưởng Đoàn Điều IV của Quỹ Tiền tệ Quốc tế tại buổi tiếp và làm việc vừa diễn ra tại Hà Nội.

qc.jpg
Quang cảnh buổi tiếp và làm việc của lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư với đại diện của IMF. Ảnh: MP

Thứ trưởng Trần Duy Đông đánh giá cao hợp tác thực chất và hiệu quả giữa Việt Nam và IMF nói chung, đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói riêng trong các hoạt động hợp tác tham vấn chính sách, chia sẻ về tình hình kinh tế và chính sách tiền tệ, tài khóa của Việt Nam.

Thứ trưởng cho biết, những tháng đầu năm 2024 kinh tế thế giới còn nhiều rủi ro, thách thức tác động tới kinh tế trong nước nhưng Việt Nam vẫn đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam đã tăng trưởng trở lại, đạt 305,53 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm 2024, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 5 tháng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 4,03% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,78%.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế bảo đảm, đời sống người dân được nâng lên. Việt Nam kiên định mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý.

Cảm ơn các chia sẻ, đánh giá của IMF về triển vọng kinh tế và tư vấn các chính sách điều hành vĩ mô cho Việt Nam, Thứ trưởng Trần Duy Đông đồng thời trao đổi về một số định hướng, ưu tiên của Chính phủ Việt Nam trong việc kiểm soát lạm phát, huy động nguồn lực để đầu tư cho nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển doanh nghiệp và tiếp tục hoàn thiện, minh bạch một số luật như Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng…

Thứ trưởng đề nghị, IMF cần tiếp tục chia sẻ, cập nhật thường xuyên các dự báo về tình hình kinh tế toàn cầu, tư vấn các chính sách điều hành vĩ mô cho Việt Nam, cũng như duy trì các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam.

Bày tỏ ấn tượng trước những kết quả phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong những năm qua, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều khó khăn, biến động như hiện nay, ông Paulo Medas khuyến nghị Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo môi trường kinh doanh minh bạch; tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng; tạo động lực thu hút đầu tư, nhất là đầu tư trong lĩnh vực phát triển hạ tầng, năng lượng tái tạo; đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, tiếp tục thực hiện cơ chế miễn, giảm thuế; tăng cường khung pháp lý, sự minh bạch trong các hoạt động quản lý.

Các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường phối hợp và chia sẻ thông tin, tạo sự đồng thuận trong xây dựng, điều hành chính sách, nhất là chính sách tài khóa và tiền tệ; chính sách thu hút đầu tư; kiểm soát lạm phát. IMF sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam và đưa ra các khuyến nghị, tham vấn về chính sách phù hợp với điều kiện phát triển./.

Cùng chuyên mục
Tư vấn chính sách điều hành vĩ mô cho Việt Nam