Tư vấn, phản biện chính sách thuế đối với hoạt động khoa học và công nghệ

(BKTO) - Theo các chuyên gia, nhà khoa học, bên cạnh việc tăng chi đầu tư cho khoa học và công nghệ (KHCN), tăng cường các chính sách khuyến khích hoạt động khoa học, đổi mới sáng tạo, Nhà nước cần nghiên cứu, cải cách chính sách thuế đối với lĩnh vực KHCN, đảm bảo tính đặc thù của lĩnh vực này.

Tại Hội thảo “Chính sách thuế đối với hoạt động khoa học và công nghệ - Thực trạng và giải pháp” do Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam tổ chức ngày 8/12, các chuyên gia, nhà khoa học đã tập trung làm rõ những bất cập trong thực hiện nhiệm vụ KHCN, đặc biệt là các bất cập liên quan đến chế độ, chính sách, tài chính cho KHCN.

tc8.jpg
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: N. LỘC

Cơ chế tài chính cho KHCN còn nhiều bất cập

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS,TS. Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) cho biết, hiện nay, năng suất lao động của Việt Nam còn thấp so với khu vực và thế giới, hiệu quả kinh tế chưa cao, đầu tư thất thoát nhiều, chỉ số ICOR rất cao, suất đầu tư lớn. Nguyên nhân của tình trạng này phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó, một trong những yếu tố quan trọng là khoa học kỹ thuật của nước ta chưa tương xứng với tiềm năng của các nhà khoa học; hiệu quả của KHCN tác động vào nền kinh tế còn rất thấp.

Vì vậy, Đảng, Nhà nước đã có chủ trương phải biến KHCN trở thành động lực; Nhà nước khuyến khích, vận động thanh niên vừa khởi nghiệp, vừa sáng tạo để nâng cao năng suất lao động.

“Vấn đề đặt ra là khoa học phải là động lực đồng thời cũng là chủ công để Việt Nam phát triển bền vững, đặc biệt trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ mạnh mẽ” - ông Thanh nhấn mạnh.

Chia sẻ tại Hội thảo, các chuyên gia đánh giá, nhằm thúc đẩy hoạt động KHCN, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành hàng loạt cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến hoạt động KHCN; qua đó đã tạo động lực quan trọng cho lĩnh vực này phát triển.

Trong đó, Nhà nước luôn quan tâm đến việc hoàn thiện, đổi mới cơ chế, chính sách tài chính cho phát triển KHCN như: đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho KHCN; đổi mới chính sách đầu tư và cơ chế phân bổ ngân sách nhà nước (NSNN)…

Hàng năm NSNN luôn ưu tiên bố trí 2% tổng chi NSNN dành cho KHCN (tương đương 0,5 - 0,6% GDP), tốc độ tăng chi bình quân hàng năm là 18,6%, tương đương với tốc độ tăng tổng chi NSNN.

thanh8.jpg

Đến nay, NSNN vẫn là nguồn lực chủ đạo, chiếm 65-70% tổng đầu tư toàn xã hội cho hoạt động KHCN. Cùng với mức chi 2% tổng chi NSNN dành cho KHCN, Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách tài chính ưu đãi phù hợp với đặc thù của KHCN. Đối với các nhiệm vụ đột xuất, qua các Quỹ KHCN, hàng năm NSNN bố trí hàng trăm tỷ đồng vốn điều lệ cho Quỹ Phát triển KHCN quốc gia.

PGS,TS. Đặng Văn Thanh

Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, cơ chế chính sách về tài chính cho hoạt động KHCN còn không ít bất cập, vướng mắc trong thực hiện.

Theo GS,TS. Đoàn Xuân Tiên - Phó Chủ tịch VAA, nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, kết quả kiểm toán của Kiểm toán nhà nước cho thấy, giai đoạn 2020-2022 kinh phí đầu tư cho KHCN ở nước ta chỉ đạt 1,01%/tổng chi NSNN và đạt 0,2%/GDP. Trong khi đó, mục tiêu chúng ta đặt ra là bảo đảm chi cho KHCN và đổi mới sáng tạo từ 2% trở lên trong tổng chi NSNN hằng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển của sự nghiệp KHCN. Mức chi cho KHCN của Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với mặt bằng chung của thế giới (theo đánh giá của UNESCO mức chi cho KHCN trên toàn thế giới bình quân là 1,9%/GDP, ở Đông Nam Á bình quân là 1,1%).

GS,TS. Đoàn Xuân Tiên cho rằng, một trong những yếu tố thúc đẩy KHCN chính là khuyến khích và ưu đãi trong lĩnh vực nghiên cứu KHCN, đầu tư cho KHCN, phát triển công nghệ. Tuy nhiên, với các quy định hiện nay còn vướng về thủ tục, về cơ chế nên không khuyến khích được các nhà khoa học.

tien.jpg
GS,TS. Đoàn Xuân Tiên phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: N. LỘC

Đồng quan điểm, PGS,TS. Đặng Văn Thanh phân tích, các đề tài, nhiệm vụ khoa học phải qua rất nhiều khâu, từ lựa chọn, thẩm định cho đến phê duyệt đề tài; cơ chế tài chính chi theo dự toán, các nhà khoa học phải thực hiện nhiều thủ tục thanh toán…

“Với quy trình xét duyệt như hiện nay, dù có giải ngân ngay thì thời điểm giao kinh phí cũng cách thời điểm đề xuất nhiệm vụ khá dài. Chưa kể, ngành KHCN còn phải áp dụng thêm quy trình thẩm định lại một lần nữa đề tài đã được phê duyệt khi tiến hành giải ngân, khiến việc cấp kinh phí nghiên cứu đã chậm càng thêm chậm” - ông Đặng Văn Thanh nêu rõ.

Bên cạnh đó, do kinh phí cho hoạt động KHCN phân bổ đều cho các tỉnh, thành phố và các Bộ, ngành dựa trên số kinh phí giao năm trước mà không dựa vào những căn cứ, tiêu chí cụ thể, rõ ràng. Điều này dẫn đến tình trạng, nhiều địa phương, tiềm lực KHCN yếu, đội ngũ cán bộ khoa học trình độ cao thiếu và yếu nhưng vẫn được giao kinh phí khá lớn dẫn đến sử dụng không hết hoặc đầu tư cho các hạng mục công trình khác của địa phương.

Trong khi đó, các Bộ, ngành có tiềm lực KHCN mạnh, đội ngũ cán bộ khoa học trình độ cao thì không được bố trí kinh phí phù hợp với nhu cầu nghiên cứu. Tình trạng trên dẫn đến hệ lụy là lãng phí nguồn kinh phí, hiệu quả hoạt động KHCN thấp, không tương thích với nguồn kinh phí đầu tư.

Chưa kể, cơ chế giám sát sử dụng kinh phí đối với các nhiệm vụ KHCN rất lạc hậu, chậm được đổi mới. Các thủ tục thanh, quyết toán đề tài, nhiệm vụ KHCN rườm rà, mang nặng tính hành chính, buộc nhà khoa học phải đối phó, làm nản lòng nhiều nhà khoa học chân chính.

Cần tiếp tục hoàn thiện chính sách thuế và quản lý thuế

Từ những bất cập, hạn chế được chỉ ra, các ý kiến tại Hội thảo đề nghị Nhà nước cần đa dạng hóa nguồn lực đầu tư và nâng cao hiệu quả đầu tư từ NSNN cho hoạt động KHCN. Trong đó, tiếp tục đảm bảo bố trí đủ nguồn lực từ NSNN; khuyến khích thúc đẩy xã hội hóa hoạt động đầu tư cho KHCN nhằm thu hút các thành phần xã hội tham gia đầu tư cho KHCN.

Đặc biệt, nhiều ý kiến đề nghị cần hoàn thiện chính sách ưu đãi thuế phù hợp nhằm thúc đẩy mô hình hợp tác công tư giữa nhà nước và doanh nghiệp trong phát triển KHCN; thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp KHCN.

dam.jpg
Ông Cao Mạnh Đam phát biểu tham luận tại Hội thảo. Ảnh: N. LỘC

Ông Cao Mạnh Đam - Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam - kiến nghị, cần miễn thuế, giảm thuế, áp dụng thuế suất ưu đãi đối với tổng thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp KHCN trong trường hợp doanh thu từ các sản phẩm hình thành từ kết quả KHCN đạt tỷ lệ theo quy định; miễn thuế, giảm thuế, áp dụng thuế suất ưu đãi đối với thu nhập chịu thuế từ các sản phẩm hình thành từ kết quả KHCN trong trường hợp doanh thu từ các sản phẩm hình thành từ kết quả KHCN không đạt tỷ lệ quy định. 

Ông Đam cũng đề xuất đưa doanh nghiệp KHCN vào danh mục ưu đãi vay tín dụng đầu tư của Nhà nước và hưởng các chính sách ưu đãi về vay vốn tín dụng của Nhà nước. Các quỹ phát triển KHCN của Nhà nước cần quy định cụ thể về mức độ cho vay đối với doanh nghiệp KHCN trong trường hợp có tài sản đảm bảo và không có tài sản đảm bảo.

Theo bà Hà Thị Tường Vy - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn khoa học kế toán (VAA), hiện nay, doanh nghiệp KHCN được hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế Thu nhập doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 13/2019/NĐ-CP. Theo đó, doanh nghiệp được miễn thuế 04 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 09 năm tiếp theo. Bà Vy cho rằng, với đặc thù nghiên cứu KHCN từ khi bắt đầu nghiên cứu cho đến khi có sản phẩm thương phẩm đòi hỏi thời gian rất dài, vì vậy cần kéo dài thời gian miễn, giảm thuế tối thiểu là 15 năm, đồng thời áp dụng mức thuế suất 10% đối với doanh nghiệp KHCN để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, bà Vy kiến nghị cần có sự phân loại đối với sản phẩm KHCN (KHCN ứng dụng, KHCN cao…). Trong đó, đối với KHCN cần có chính sách thuế, chính sách ưu đãi đặc biệt.

Quan tâm đến công tác quản lý thuế, GS,TS. Đoàn Xuân Tiên đề xuất, cần tiếp tục nghiên cứu các chính sách trong các luật thuế, trong đó vấn đề về thuế nhập khẩu các trang thiết bị phục vụ cho nghiên cứu KHCN, triển khai công nghệ cao. Chính sách này hiện nay đã có quy định nhưng chưa cụ thể, chưa có danh mục chi tiết.

“Trong thực tiễn có trường hợp người ta nói cái máy này được nhập về để nghiên cứu nên được miễn thuế hoặc giảm thuế nhập khẩu; nhưng thực tế họ có đưa vào nghiên cứu không?” - GS,TS. Đoàn Xuân Tiên dẫn ví dụ và đề nghị cần chặt chẽ trong vấn đề quản lý thuế, thu thuế, nhất là việc xác định đúng mục đích nhập khẩu máy móc, thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học.

PGS,TS. Đặng Văn Thanh cho biết, các ý kiến tại Hội thảo sẽ được VAA tổng hợp đầy đủ và có báo cáo gửi Quốc hội, Bộ Tài chính xem xét, tiếp thu trong quá trình hoàn thiện cơ chế, chính sách cho KHCN.

Cùng chuyên mục
Tư vấn, phản biện chính sách thuế đối với hoạt động khoa học và công nghệ