Tình trạng công nhân làm việc thiếu các thiết bị an toàn lao động khá phổ biến. Ảnh: TL
Tại buổi lễ, đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho biết: Với khẩu hiệu “Tuân thủ pháp luật lao động vì những công trình xây dựng an toàn”, CDTTLĐ sẽ tập trung thanh tra ngành xây dựng, gồm các hoạt động tuyên truyền; thanh tra tại DN; giám sát, tổng kết. Trong đó, hoạt động thanh tra tại các công trình xây dựng, các nhà thầu thi công công trình được chú trọng nhằm nắm bắt tình hình thực tiễn và hướng dẫn DN thực hiện các biện pháp chấn chỉnh việc tuân thủ tại nơi làm việc, tiến hành xử lý nghiêm những vi phạm gây mất an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ). Dự kiến, từ tháng 3 đến tháng 11/2015, sẽ có ít nhất 630 đơn vị trên toàn quốc bị thanh tra. CDTTLĐ tập trung vào 12 nội dung liên quan đến thời giờ làm việc, làm thêm giờ; tiền lương; xây dựng nội quy và đào tạo về ATVSLĐ; phương tiện bảo vệ cá nhân; tổ chức mặt bằng; sử dụng xe, máy, giàn giáo, giá đỡ, điện và thiết bị điện; công tác cốp pha, cốt thép và bê tông; công tác hàn và công tác hoàn thiện.
Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, năm 2015, trong số các vụ tai nạn lao động (TNLĐ) chết người được báo cáo, xây dựng đứng đầu danh sách các ngành về số vụ cũng như số người chết. Bởi vậy, việc đẩy mạnh thanh tra trong lĩnh vực xây dựng là cấp thiết. Tuy nhiên, khoan hãy bàn tới ý nghĩa của Chiến dịch đó. Vấn đề mà dư luận đặt câu hỏi lúc này là: Liệu có nhất thiết Bộ LĐ-TB&XH phải “lớn tiếng” thông báo một cách cụ thể trước khi bắt đầu chiến dịch thanh tra hay không?
Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên một CDTTLĐ được công bố khá cụ thể. Năm 2015, hoạt động này đã được triển khai trong ngành may mặc và cũng được thông tin rộng rãi trước khi thực hiện. Tại Hội thảo bàn kế hoạch thực hiện CDTTLĐ năm 2016 diễn ra vào cuối tháng 2 vừa qua, không ít chuyên gia đánh giá CDTTLĐ ngành may mặc chưa thực sự mang lại kết quả khả quan. Vậy bên cạnh nguyên nhân do sự phối hợp giữa các bên ở cấp Trung ương chưa chặt chẽ, còn có lý do nào khác? Phải chăng việc tuyên truyền “quá mức” trước Chiến dịch khiến nhiều DN có tâm thế sẵn sàng “đối phó”? Kết quả thanh tra vì thế cũng giảm đi sức thuyết phục.
Trên thực tế, không riêng gì ngành LĐ-TB&XH, nhiều Bộ, ngành khác cũng đã từng thực hiện các đợt, các chiến dịch thanh tra theo kiểu “báo trước”. Vì thế, mới có chuyện khi nghe tin đoàn thanh tra sẽ về DN, đơn vị hay trường học mình, không ít tập thể, cá nhân đã dành thời gian chuẩn bị, “hợp thức hóa” mọi điều kiện cần thiết nhằm đối phó với thanh tra.
Xưa kia, ngoài việc thiết triều bàn việc quốc gia đại sự, nhiều bậc quân vương đã cải trang thành dân thường, vi hành vào trong dân để thấu tỏ nhân tình thế thái. Bài học lịch sử có lẽ vẫn còn nguyên vẹn ý nghĩa đối với những người làm công tác thanh tra, kiểm tra hiện nay. Thiết nghĩ, đã đến lúc, công tác thanh kiểm tra của các Bộ, ngành, cơ quan cần phải được đổi mới bởi nếu còn thanh tra theo kiểu “báo trước” như trên thì sẽ chẳng khác nào “vẽ đường cho hươu chạy”!
ĐỨC THÀNH