Việc các trường ĐH thay đổi phương án tuyển sinh liên tục sẽ khiến thí sinh hoang mang và khó chuẩn bị một cách tốt nhất. Ảnh tư liệu
Muốn thi riêng các trường bắt buộc phải có ngân hàng đề thi
Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Thu Thủy cho biết, theo Quy chế tuyển sinh năm 2020, các cơ sở giáo dục ĐH muốn tổ chức thi hay kiểm tra riêng cần phải đáp ứng một số điều kiện như: phải có một bộ phận độc lập chuyên trách thực hiện chức năng tổ chức thi tuyển sinh. Nhà trường cũng phải đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu tổ chức thực hiện tuyển sinh riêng, từ năng lực quản lý tới năng lực chuyên môn, bao gồm các nhân sự lãnh đạo bộ phận chuyên trách đến cán bộ chuyên môn kỹ thuật.
Các trường cũng phải có ngân hàng câu hỏi thi, ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa hoặc là tự luận phải đủ lớn để xây dựng đề thi đáp ứng cho mỗi lần thi. Ngoài ra, nhà trường cũng phải ban hành quy chế thi tuyển sinh, gồm quy trình tổ chức và các quy định liên quan, đề án tổ chức thi tuyển sinh để công khai, minh bạch; cơ sở vật chất phải đáp ứng cả về số lượng và chất lượng, quy mô và hình thức tổ chức thi; đồng thời cũng đảm bảo an toàn cho thí sinh, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay.
Với những quy định như trên, các cơ sở đào tạo có kinh nghiệm tổ chức thi đánh giá năng lực hay thi văn hóa, năng khiếu trước đây đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc tuyển sinh riêng trong năm nay và hoàn toàn có thể đáp ứng được. “Ở đây, việc khó nhất chính là xây dựng, phát triển ngân hàng câu hỏi thi. Câu hỏi thi phải đảm bảo về nội dung và kỹ thuật. Đây là yếu tố quan trọng tạo nên sự thành công trong việc tổ chức thi tuyển sinh riêng của các trường” - bà Thủy nhấn mạnh.
Nhiều trường hủy phương ánthi riêng
Tuy nhiên, một số trường cho rằng, các trường muốn tự tổ chức thi riêng ngay trong năm nay không hề dễ do Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT năm nay có nhiều điểm mới “siết chặt”, đòi hỏi quá cao, khiến các trường không kịp “trở tay”, khó có thể đáp ứng được yêu cầu. Lãnh đạo Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho biết, năm nay, Trường đã lên kế hoạch tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng với chỉ tiêu 20%. Tuy nhiên, với nhiều yêu cầu cụ thể về tiêu chí nhân sự hay yêu cầu về chuẩn hóa ngân hàng câu hỏi mà Quy chế vừa ban hành, Trường đang rà soát lại toàn bộ xem có thể đáp ứng đến đâu. Trong trường hợp không được tổ chức thi, phương án của Nhà trường là sẽ điều chỉnh tỷ lệ chỉ tiêu tuyển sinh cho các phương thức còn lại như đã công bố trước đó.
Tương tự, Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP. HCM) cũng đã lên kế hoạch tiếp tục tổ chức kỳ kiểm tra năng lực (như các năm 2017, 2018, 2019). Đây là 1 trong 6 phương thức tuyển sinh năm nay của Trường (chiếm 20 - 40% tổng chỉ tiêu). Mặc dù việc này đã được thực hiện nhiều năm nhưng với những đổi mới của Quy chế, lãnh đạo Nhà trường cho biết sẽ họp để bàn bạc, kiểm tra lại việc đảm bảo các điều kiện đến đâu. Nhà trường sẽ sớm có thông báo tới học sinh và phụ huynh cùng những người quan tâm về phương án cuối cùng của Trường trong mùa tuyển sinh năm nay.
Trước đó, nhiều cơ sở giáo dục ĐH cũng đã hủy kế hoạch thi riêng để tuyển sinh vì vướng quy định nêu trong Dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH năm nay. ĐH Quốc gia Hà Nội đã công bố quyết định không triển khai kỳ thi đánh giá năng lực phục vụ tuyển sinh riêng như thông báo trước đó mà sử dụng kết quả thi trung học phổ thông để xét tuyển. Quyết định này của ĐH Quốc gia Hà Nội khiến không chỉ thí sinh, phụ huynh mà cả nhiều trường ĐH trên cả nước bối rối. Ngay sau đó, Trường ĐH Ngoại thương cũng công bố dừng tổ chức kỳ thi phối hợp với ĐH Quốc gia Hà Nội để xét tuyển ĐH chính quy năm 2020.
Trước những ý kiến cho rằng Bộ GD&ĐT đặt ra các điều kiện ngặt nghèo với các trường thi tuyển riêng như trong Quy chế tuyển sinh là “làm khó”, thay vì mong các trường tổ chức những kỳ thi chất lượng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, tự chủ không có nghĩa “muốn làm gì thì làm”, việc Quy chế tuyển sinh năm 2020 bổ sung các điều kiện quy định với những trường muốn tổ chức thi để tuyển sinh riêng là nhằm tăng cường công cụ quản lý nhà nước để đảm bảo các kỳ thi riêng diễn ra nghiêm túc, minh bạch, đúng quy định, đảm bảo chất lượng.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, việc minh bạch các điều kiện để tổ chức tuyển sinh riêng là cần thiết. Muốn được tuyển sinh riêng, các trường cũng phải đảm bảo những yêu cầu tối thiểu nếu không trường nào cũng thực hiện tuyển sinh riêng thì sẽ “loạn”. Tuy nhiên, việc ban hành Quy chế gấp gáp, sát với thời điểm tuyển sinh khiến các trường không “trở tay” kịp và sẽ có một số trường hủy bỏ phương án thi riêng. Các trường thay đổi phương án tuyển sinh liên tục sẽ khiến thí sinh hoang mang và khó lòng chuẩn bị tốt. Chưa kể, một số rắc rối phát sinh như có trường đã thu lệ phí của kỳ thi tuyển sinh riêng, nếu phải hủy bỏ thì sẽ rất phức tạp và tốn kém.
LÊ HÒA