Ủng hộ cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi tham gia giao thông

(BKTO) - Nhiều đại biểu Quốc hội tiếp tục ủng hộ việc cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Sáng 27/3, tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, các đại biểu Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

2f838285d9e176bf2ff0.jpg
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: VPQH

Liên quan đến quy định về cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, tại Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo thiết kế 02 phương án:

Phương án 1: Quy định cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn (kế thừa theo quy định tại khoản 6 Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019, áp dụng đối với tất cả các loại phương tiện giao thông đường bộ).

Phương án 2: Quy định như Luật Giao thông đường bộ năm 2008 là cấm: “Điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở”. Đồng thời, phải sửa đổi quy định liên quan tại khoản 6 Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với đề xuất của Chính phủ và đề nghị các vị đại biểu lựa chọn Phương án 1 cho phép tiếp tục kế thừa quy định hiện hành về việc cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn để bảo vệ được nhiều tính mạng, sức khỏe, tài sản cho người dân, bảo vệ nguồn lực cho xã hội, bảo vệ tuổi thọ của giống nòi. Sau quá trình thực hiện, khi đã hình thành ý thức, văn hóa “đã uống rượu, bia không lái xe” sẽ tiến hành tổng kết quy định này để có đề xuất cho phù hợp.

Thảo luận vấn đề này, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn Hưng Yên) ủng hộ phương án 1. Theo đại biểu, thời gian qua, lực lượng Cảnh sát giao thông trên cả nước đã tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo tinh thần nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ đã góp phần quan trọng làm giảm tai nạn giao thông, giảm gây rối trật tự công cộng, góp phần giúp người dân giảm bớt nỗi lo khi tham gia giao thông.

“Trong năm 2023, sau khi lực lượng chức năng tăng cường xử lý đối với người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia giảm 25% số vụ, 50% số người chết, 22% số người bị thương so với cùng kỳ năm 2022” - đại biểu đẫn số liệu.

Đại biểu Thắng phân tích, việc quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn bảo đảm tính khả thi hơn so với quy định cho phép nồng độ cồn ở ngưỡng nhất định. Với quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn thì người dân không uống rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Còn nếu quy định có ngưỡng nhất định thì chính người dân khó xác định uống bao nhiêu, uống thế nào cho thấp hơn ngưỡng đó. Mặt khác, nếu đã cho uống thì lực lượng cảnh sát giao thông dù có tăng cường xử phạt đến đâu cũng chỉ có mức độ, không thể xử lý hết được, dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông sẽ có nguyên nhân từ rượu, bia. “Quy định này có lợi cho chính người tham gia giao thông và gia đình mình” - đại biểu nhấn mạnh.

nguyen-dai-thang.jpg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đại Thắng phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

Cũng ủng hộ phương án 1, song đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Quảng Bình) nêu rõ, thực tiễn việc sử dụng rượu, bia ở nước ta được xem là một nét văn hóa truyền thống, là thói quen của một bộ phận người dân; hơn nữa các hoạt động sản xuất, nhập khẩu, phân phối, cung ứng, tiêu thụ rượu, bia, cũng đã góp một phần không nhỏ trong nguồn thu ngân sách; tạo việc làm, thu nhập cho một bộ phận người lao động tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ uống có cồn. Việc quy định cấm tuyệt đối sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông sẽ làm giảm lớn mức tiêu thụ rượu, bia và có tác động nhất định đến đời sống văn hóa, nguồn thu của ngân sách và thu nhập của người lao động.

Do đó, để thuyết phục hơn đề nghị Chính phủ cần tiếp tục đánh giá tác động sâu hơn, toàn diện hơn đối với chính sách này. Đồng thời, nghiên cứu để đưa ra các số liệu minh chứng việc đưa ra “ngưỡng giới hạn nồng độ cồn cho phép” để kiểm soát rượu, bia khi tham gia giao thông như trong thời gian qua là không khả thi, không làm giảm số vụ tai nạn giao thông và khó kiểm soát tình hình tai nạn giao thông.

Báo cáo chỉ mới đưa ra những con số về số vụ tai nạn, số người bị chấn thương sọ não, số người chết... liên quan đến rượu, bia mà chưa thống kê cụ thể trong số các vụ tai nạn liên quan đến người tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng cồn thì có bao nhiêu trường hợp vi phạm vượt ngưỡng? Bao nhiêu trường hợp ở ngưỡng quy định? Bao nhiêu trường hợp dưới ngưỡng quy định? Vì vậy, để có cơ sở và đảm bảo tính thuyết phục trong việc quy định “cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” cần có thống kê số liệu cụ thể để minh chứng rõ hơn - đại biểu Tâm đề nghị.

Đồng tình phương án 1, song đại biểu Lý Thị Lan (Đoàn Hà Giang) cho rằng, để Luật đi vào cuộc sống và phù hợp với thực tiễn, cần rà soát, xem xét, cân nhắc về mức xử phạt, hình thức xử phạt cho phù hợp và phải có lộ trình theo thời gian để từng bước hình thành văn hoá “Đã uống rượu bia, không lái xe” khi tham gia giao thông.

Đại biểu nêu thực tế, uống rượu bia có liên quan đến văn hóa vùng miền, địa phương. Ví dụ trong dịp Tết, ở nông thôn người dân thường có thói quen đi chúc tết từ làng này sang làng kia và thường uống một chén rượu, cốc bia.

lan.jpg
Đại biểu Quốc hội Lý Thị Lan phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

“Chúng tôi mong muốn phải rà soát để có hình thức, mức xử phạt hợp lý và phải có lộ trình để người dân dần dần hình thành văn hoá khi tham gia giao thông, đáp ứng được yêu cầu thực hiện các quy định của pháp luật” - đại biểu nói.

Mặt khác, đại biểu đề nghị khi áp dụng Luật thì các cơ quan chức năng tránh lạm dụng quy định trong xử phạt và kiểm tra, gây phản cảm cho người dân. “Vừa rồi chúng ta xem trên mạng xã hội thấy đưa rất nhiều hình ảnh trong dịp Tết, lực lượng chức năng đi vào những vùng nông thôn hoặc những nơi rất khó khăn để kiểm tra nồng độ cồn và xử phạt đối với người dân, gây sự phản cảm” - đại biểu nói và đề nghị cần phải xem xét, có sự mềm dẻo hơn và phù hợp với nét văn hóa.

Cùng chuyên mục
Ủng hộ cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi tham gia giao thông