Ứng phó với biến đổi khí hậu trong bối cảnh mới

(BKTO) - Là quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước biến đổi khí hậu (BĐKH), những năm qua, Việt Nam luôn chủ động ứng phó với các thách thức và đã đạt được nhiều thành tựu. Tuy nhiên, bối cảnh mới với các diễn biến thiên tai ngày càng dữ dội, khó lường đang đặt ra những yêu cầu mới trong ứng phó.

z4651766270033_ba359462d48666c8747df8b5f6ef6bae.jpg
Việt Nam cần huy động mọi nguồn lực tài chính cho ứng phó với BĐKH trong thời gian tới. Ảnh minh họa: TTXVN

Biến đổi khí hậu gây thiệt hại nặng nề về kinh tế

Mỗi năm, dải đất miền Trung lại “oằn mình” chống lũ mỗi mùa mưa bão. Ngay như TP. Đà Nẵng - nơi từ trước đến nay chưa từng biết lũ là gì, nhưng trận mưa lũ lịch sử hồi tháng 10/2022 đã gây thiệt hại lớn về tài sản… 15 năm trở lại đây, mỗi năm, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mất trên 350ha đất do xói lở… Hệ lụy của BĐKH ngày càng khốc liệt và dữ dội đang đặt ra rất nhiều thách thức đối với sinh kế và phát triển.

Chuyên gia Kinh tế Cao cấp Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) Jonathan Pincus nhấn mạnh, thách thức phát triển lớn nhất đối với Việt Nam hiện nay là BĐKH. Là quốc gia có đường bờ biển dài và 2 vùng đồng bằng thấp, Việt Nam nằm trong danh sách các quốc gia dễ tổn thương nhất trước tình trạng nước biển dâng, lũ lụt, hạn hán và các hiện tượng thời tiết cực đoan. Tại ĐBSCL, mực nước biển dâng và xâm nhập mặn có thể buộc hàng triệu người dân phải di dời. Việt Nam sẽ cần phải đầu tư hàng tỷ USD để nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn và đô thị nhằm bảo vệ cộng đồng khỏi bão lụt.

Báo cáo Quốc gia về Khí hậu và Phát triển cho Việt Nam của Ngân hàng Thế giới cũng chỉ rõ: Với hơn 3.200km bờ biển, nhiều thành phố có địa hình trũng thấp và các vùng đồng bằng ven sông, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước BĐKH. Các tác động của BĐKH - chủ yếu là nhiệt độ và mực nước biển dâng cao hơn và biến động lớn hơn - đã và đang làm gián đoạn hoạt động kinh tế và suy yếu tăng trưởng. Các tính toán ban đầu cho thấy, Việt Nam mất 10 tỷ USD vào năm 2020, tương đương 3,2% GDP do tác động của BĐKH. Nếu không có các biện pháp thích ứng và giảm thiểu phù hợp, ước tính BĐKH sẽ khiến Việt Nam mất khoảng 12-14,5% GDP mỗi năm vào năm 2050 và có thể khiến tới 1 triệu người lâm vào tình trạng nghèo cùng cực vào năm 2030.

Việt Nam đã triển khai mạnh mẽ những cam kết tại Hội nghị COP26, cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định 2 lần (năm 2016 và 2020) và ban hành Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050 cùng với nhiều chiến lược, kế hoạch hành động khác. Gần đây nhất, Việt Nam cùng các đối tác quốc tế đã thông qua Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).

Nhận thức được tầm quan trọng của BĐKH đối với sự phát triển bền vững đất nước, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về Chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường (Nghị quyết 24). Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Lê Công Thành cho biết, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 24, trụ cột về ứng phó với BĐKH đã nhận được sự quan tâm lớn của toàn xã hội và cộng đồng quốc tế. Bên cạnh việc hoàn thiện thể chế chính sách ứng phó với BĐKH, cả trung ương và địa phương đều đã tăng cường đầu tư thực hiện các công trình, dự án phòng, chống thiên tai, ứng phó với BĐKH. Năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, giám sát BĐKH được nâng cao. Kịch bản BĐKH được cập nhật định kỳ.

Cần hàng trăm tỷ USD cho ứng phó với biến đổi khí hậu

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Lê Công Thành, trước xu thế BĐKH và bối cảnh toàn cầu mới, ứng phó với BĐKH ở nước ta phải chuyển sang một giai đoạn mới hướng tới thực hiện mục tiêu chung toàn cầu, đồng thời đáp ứng các yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn phát triển của đất nước theo hướng phát triển xanh, carbon thấp. Trong bối cảnh mới cùng với những diễn biến nhanh chóng của BĐKH, Việt Nam xác định mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, thực hiện chủ yếu thông qua chuyển đổi năng lượng và phát triển phát thải thấp.

Để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, ông Jonathan Pincus cho rằng, Việt Nam sẽ cần khoản đầu tư hàng trăm tỷ USD. Đây là một thách thức chưa từng có. Các công cụ tài chính truyền thống như: Trái phiếu chính phủ, ngân hàng thương mại và viện trợ phát triển quốc tế sẽ không đủ. Việt Nam cần đổi mới để tạo ra thị trường tài chính trong nước quy mô lớn hơn và sử dụng ngân sách nhà nước để tham gia vào lĩnh vực đầu tư tư nhân, đặc biệt là khu vực tư nhân trong nước.

Giới chuyên gia môi trường khuyến nghị, để nâng cao hơn nữa hiệu quả thích ứng với BĐKH, Việt Nam cần huy động nguồn lực tài chính trong nước và quốc tế cho ứng phó với BĐKH hơn nữa trong thời gian tới; đẩy mạnh hợp tác công - tư và huy động các nguồn lực trong xã hội; khuyến khích, huy động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư ứng phó với BĐKH. Cùng với đó, tăng cường đầu tư cho hạ tầng thích ứng BĐKH, phòng, chống thiên tai và nâng cao năng lực dự báo, ứng phó với các thiên tai; nâng cao khả năng phòng, chống thiên tai của đất nước, đặc biệt là các khu vực dễ bị tổn thương cao như: ĐBSCL, ven biển miền Trung, miền núi phía Bắc; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác dự báo khí hậu, cảnh báo thiên tai và thời tiết cực đoan.

Bộ Tài chính cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính, tăng chi ngân sách và đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho ứng phó với BĐKH. Trong đó, tăng dần và sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài chính từ ngân sách nhà nước; phân bổ sử dụng nguồn lực tài nguyên theo cơ chế thị trường; rà soát, bổ sung, hoàn thiện và triển khai áp dụng các công cụ kinh tế trong ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, nghiên cứu triển khai cơ chế tài chính khác như: Phát triển thị trường hàng hóa, dịch vụ môi trường, thị trường carbon, các hình thức đối tác công - tư, tín dụng xanh, trái phiếu xanh.../.

Bộ TNMT đang tổng hợp, tổng kết và đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết 24, đề ra những quan điểm mới cùng những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể về ứng phó với BĐKH trong thời kỳ mới.

Cùng chuyên mục
Ứng phó với biến đổi khí hậu trong bối cảnh mới